Ngành ngân hàng đang chuyển biến tích cực
Quy mô tăng trở lại, khả năng sinh lời cao hơn, tiền gửi vào các NHTMCP tốp đầu so với tổng tiền gửi giảm sút là những dấu hiệu lạc quan cho cả nền kinh tế.
Đóng góp vào tham luận tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu diễn ra ở Ninh Bình những ngày cuối tháng 9/2014, Giáo sư Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và các cộng sự đã có những nhận định lạc quan hơn về hệ thống ngân hàng.
Về quy mô, theo nhóm nghiên cứu, sau một thời gian phát triển bùng nổ của hệ thống ngân hàng những năm 2008 – 2010, từ năm 2011, hệ thống ngân hàng bắt đầu thu hẹp quy mô cùng với những thương vụ mua bán, sáp nhập của quá trình tái cơ cấu, tập trung chủ yếu vào năm 2012. Đến cuối năm 2013, hệ thống ngân hàng dần đi vào ổn định và quy mô tăng trưởng trở lại.
Về khả năng sinh lời của các ngân hàng, theo nhóm nghiên cứu, ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn) đạt mức cao nhất vào năm 2009, khi hệ thống ngân hàng thương mại bùng nổ, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao. Tỷ lệ ROA và ROE giữ ổn định trong hai năm tiếp theo là 2010 và 2011.
Năm 2012, khả năng sinh lợi của hệ thống ngân hàng thương mại sụt giảm nghiêm trọng. ROE từ 12,87% năm 2011 chỉ còn 6,55% năm 2012 (giảm 49%). Tương tự, ROA năm 2012 cũng giảm gần một nửa so với năm 2011. Kết quả này phản ánh chính xác thực tế khi kể từ năm 2011, ngành ngân hàng bước vào suy thoái và khủng hoảng, tỷ lệ nợ xấu tăng cao.
Sang năm 2013, nhờ kết quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu với những biện pháp cứng rắn làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng cùng những thương vụ mua bán, sáp nhập xử lý những ngân hàng yếu kém, khả năng sinh lợi của ngành ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực.
Cho rằng sự cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng cũng là một trong những điều kiện để nền kinh tế phát triển, nhóm nghiên cứu tiến hành so sánh sự cạnh tranh của ngân hàng trước và sau quá trình tái cấu trúc qua thước đo “mức độ tập trung tài sản” hay tiền gửi. Nhóm tiến hành nghiên cứu thu thập dữ liệu 5 ngân hàng TMCP không bị mua bán, sáp nhập giai đoạn 2011 - 2013 và luôn nằm trong top các ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất là: ACB, BIDV, Vietinbank, MBBank và Vietcombank cho thấy, tỷ lệ nắm giữ tiền gửi của 5 NHTM này so với tổng tiền gửi của toàn bộ hệ thống các NHTM sụt giảm qua các năm.
Khi tổng tiền gửi toàn hệ thống liên tục tăng thì việc tiền gửi vào nhóm 5 NHTMCP lớn nhất so với toàn hệ thống giảm là dấu hiệu tốt để nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng ngày càng phát triển.
Tỷ lệ nắm giữ tiền gửi của ACB, Vietinbank, MB, BIDV, Vietcombank so với tổng tiền gửi của toàn bộ hệ thống các NHTM