MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành Ngân hàng nhìn từ cột mốc 2012

25-01-2013 - 10:14 AM | Tài chính - ngân hàng

Lạm phát, thanh khoản, tỷ giá, lãi suất... là những điểm sáng nổi bật thể hiện đậm nét dấu ấn điều hành CSTT của NHNN năm 2012.

Đặc biệt, sau một năm quyết liệt triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD, rủi ro hệ thống từng bước được kiểm soát, nguy cơ đổ vỡ hệ thống từng bước được đẩy lùi. Hoạt động của các TCTD về cơ bản an toàn, lành mạnh, trật tự kỷ cương thị trường đã được khôi phục và duy trì ổn định...

Đằng sau những lăng kính

Năm 2012, chúng ta đã chứng kiến một năm đi qua với những biến động đầy “bĩ cực”. Năm mà theo nhận định của TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: “khó khăn chưa từng thấy, khó khăn đến mức chính các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học cũng không lường hết”.

Nhìn ra thế giới, thấy đặc những mảng đen, nào khủng hoảng nợ công châu Âu, nào suy thoái kéo dài của cả nền kinh tế các quốc gia phát triển và mới nổi, nào các bất ổn chính trị của nhiều khu vực... Ngoảnh vào trong nước, gặp phải những bất ổn kinh tế vĩ mô, những nợ xấu, hàng tồn kho, bất động sản đóng băng…

Tất cả như cùng “bắt tay” để tạo nên những hiệu ứng dây chuyền lớn, gây ảnh hưởng nặng nề đến cỗ máy hoạt động của nền kinh tế nói chung và hệ thống Ngân hàng Việt Nam nói riêng.

Có lẽ chưa bao giờ hai từ “Ngân hàng” lại “hao tốn” nhiều tâm lực của báo giới, DN các chuyên gia kinh tế… như năm 2012. Từ nghị trường của Quốc hội đến quán nước vỉa hè, từ những nhà điều hành kinh tế vĩ mô đến những người dân bình thường nhất, những tranh biện về ngành Ngân hàng đã luôn trở thành tâm điểm nóng. Điều đó cũng chứng tỏ vai trò của một ngành kinh tế nhạy cảm, mang tính huyết mạch của nước nhà lớn như thế nào.

Những tưởng trong một bối cảnh đậm tông màu xám như thế, thật khó để có thể “điểm danh” cái gọi là “thành công” khi nhìn lại hành trình một năm vượt dốc. Ấy vậy mà, với ngành Ngân hàng, cuối năm, ngồi đối sánh lại, không chỉ hầu hết các mục tiêu, chỉ số đều đã đạt được như kỳ vọng, mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, mà còn sáng lên không ít những điểm nổi bật “làm đẹp” cho bức tranh hoạt động Ngân hàng sau một năm đầy thách thức khi nhìn về lạm phát, thanh khoản, tỷ giá, lãi suất… Đó cũng là những minh chứng sinh động cho sự thành công trong điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, quyết liệt và hiệu quả của NHNN trong năm 2012.

Là những điểm sáng nổi bật

Còn nhớ, thời điểm tháng 12/2011, lạm phát đang ở mức cao ngất ngưởng trên hai con số 18,13%, chỉ một năm sau – 2012, con số đó đã được hạ xuống 6,81%, vượt xa mức kỳ vọng. Con số biết nói này, dù có tính cả yếu tố may mắn theo một vài ý kiến nào đó, nhưng rõ ràng dấu ấn đậm nét về hiệu quả điều hành CSTT của NHNN là không thể phủ nhận. Đặc biệt, vấn đề thanh khoản VND của toàn hệ thống cũng được cải thiện mạnh mẽ, sẵn sàng đủ vốn để cung ứng cho DN và hộ dân, giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng. Nếu so với thời điểm này năm ngoái, thì đây quả là một sự bứt phá đáng ghi nhận.

Cùng với lạm phát, thanh khoản thì lãi suất cũng là một trong những điểm sáng thành công được các chuyên gia đánh giá cao trong điều hành CSTT của NHNN. Chỉ trong vòng một năm, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh về mức định hướng của NHNN đề ra ngay từ đầu năm nhưng với lộ trình giảm nhanh hơn dự kiến. Các mức lãi suất điều hành cũng đã được điều chỉnh giảm tới 6%/năm. Trong đó, lãi suất huy động giảm từ 3-6%/năm và lãi suất cho vay giảm 5-9%/năm so với cuối năm 2011.


                           Hiệu quả từ đồng vốn ngân hàng với công trình thủy điện Sơn La

Theo ông Phạm Xuân Hòe - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ NHNN, mặt bằng lãi suất VND tính đến cuối năm 2012 đã giảm về mức lãi suất năm 2007, là thời điểm trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhờ đó, đường cong lãi suất cũng đang dần xác lập được hình dạng vốn có của nó khi lãi suất trung và dài hạn cao hơn so với lãi suất ngắn hạn.

Nói đến thành công trong điều hành CSTT của NHNN năm 2012, người ta không thể không nhắc đến một điểm sáng cũng hết sức nổi bật trong bức tranh hoạt động ngân hàng ấy là sự “yên ả” trên thị trường ngoại tệ. Nếu như trong suốt giai đoạn 2011 trở về trước, VND luôn chịu áp lực phá giá, bên cạnh việc bán ngoại tệ can thiệp, NHNN đã phải điều chỉnh tăng đối với tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ năm 2008 đến năm 2011 thì sang đến năm 2012, thặng dư cán cân vãng lai và cán cân vốn đều ở mức cao giúp nguồn cung ngoại hối dồi dào, trong khi cầu ngoại tệ được kiềm chế. Tình trạng đô la hóa giảm mạnh. Cán cân thanh toán thặng dư lớn và dự trữ ngoại hối tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2011 và lên mức cao nhất từ trước tới nay.

Để có sự bứt phá ngoạn mục này, đầu tiên, phải kể đến cam kết mạnh mẽ của Thống đốc NHNN ngay từ đầu năm về việc sẽ giữ ổn định tỷ giá ở mức 2-3%. Cam kết này thể hiện quyết tâm của cơ quan điều hành, ổn định tâm lý thị trường và định hình kỳ vọng về tỷ giá của công chúng. Cam kết này cũng được củng cố thêm bởi sự thành công của cam kết trước đó trong năm 2011.

Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định đã tạo điều kiện cho các DN chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân đã giảm đáng kể. Xu hướng dịch chuyển tiền gửi ngoại tệ sang tiền gửi tiền VND liên tục được duy trì trong cả năm. Đến cuối năm 2012, tiền gửi ngoại tệ của dân cư giảm hơn 13% so với cuối năm 2011 trong khi tiền gửi bằng VND của dân cư tăng 36%. Tình trạng đô la hóa được đẩy lùi một bước, tỷ lệ tiền gửi bằng ngoại tệ/M2 giảm còn dưới 13%.

Mặc dù, chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của dư luận, nhưng năm 2012 cũng được đánh giá là năm ghi nhận sự thành công bước đầu trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng thông qua việc tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng theo chủ trương, định hướng của Chính phủ.

Theo nhóm Nghiên cứu Ngân hàng, tiếp nối năm 2011, năm 2012, NHNN đã có một hệ thống gói giải pháp khá toàn diện để ngăn chặn tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế, đặc biệt là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của NHNN. Nếu như những năm gần đây, tình trạng đô la hóa và vàng hóa nền kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng khiến cho thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối biến động bất ổn, nguồn vốn bị ứ đọng trong dân, không đưa được vào nền kinh tế thì năm 2012, tình trạng đó đã bước đầu được cải thiện rõ rệt.

Kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, hiện tượng liên thông mang tính tiêu cực giữa giá vàng thế giới, giá vàng trong nước và tỷ giá USD/VND đã gần như được loại trừ; tình trạng găm giữ ngoại tệ đầu cơ hoặc dưới dạng tiết kiệm để dành giảm đáng kể; hiện tượng nhập lậu vàng cũng đã không tái diễn như những năm trước, xóa bỏ một kênh vốn dĩ xưa nay thường gây bất ổn cho thị trường ngoại hối và tỷ giá.

Đồng nhận định trên, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối phân tích, mặc dù giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, nhưng không như thời gian trước đây, khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thường đi kèm với hiện tượng “sốt vàng”. Nay, hiện tượng đó gần như không còn.

Mặc dù từ đầu năm đến nay, NHNN không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, không thực hiện bình ổn giá vàng nhưng hầu như không diễn ra việc thu gom ngoại tệ trên thị trường tự do để nhập lậu vàng qua biên giới, nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động của giá vàng.

Một trong những nhiệm vụ trọng yếu của ngành Ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2015 nói chung và năm 2012 nói riêng là vấn đề cơ cấu lại và phát triển hệ thống các TCTD. Đây cũng là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhiều trong năm 2012.

Đến nay, sau một năm quyết liệt triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD, rủi ro hệ thống từng bước được kiểm soát, nguy cơ đổ vỡ hệ thống từng bước được đẩy lùi. Hoạt động của các TCTD về cơ bản an toàn, lành mạnh, trật tự kỷ cương thị trường đã được khôi phục và duy trì ổn định.

Tình hình chi trả tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng yếu kém diễn ra bình thường. Điều đó cho thấy tâm lý thị trường và lòng tin của công chúng đối với chủ trương, biện pháp cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đang ngày một cải thiện rõ nét.

Tìm sự cân bằng giữa các mục tiêu

Cột mốc 2012 đã khép lại. Với ngành Ngân hàng, lát trên hành trình đó là những viên gạch hồng mang tên những điểm sáng của lạm phát, thanh khoản, lãi suất, tỷ giá… như đã nói ở trên. Nhưng mở ra phía trước, năm 2013 cũng còn lắm những nỗi âu lo, thách thức đặt ra cho điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng cần quyết liệt khắc phục và xử lý. Đó là: Tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; hoạt động của hệ thống các TCTD về cơ bản an toàn nhưng nợ xấu gia tăng; thanh khoản của toàn hệ thống các TCTD đã được cải thiện đáng kể, nhưng chưa thực sự bền vững; tốc độ cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém vẫn còn chậm trễ…

TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch UBGSTC quốc gia: Những vấn đề như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nợ xấu là những vấn đề phải giải quyết nhưng không thể tính bằng tháng. Vì vậy sẽ là không công bằng khi để những vấn đề đó che lấp những kết quả, những điểm sáng đã đạt được. Thực tế cho thấy, năm 2012, hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ đã từng bước được ổn định và hoạt động tốt.

Cùng với đó là những rủi ro, yếu kém tiềm ẩn của nền kinh tế cũng nổi lên những điểm thách thức cho điều hành CSTT. Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại ở mức 5,03%; tình trạng DN khó khăn và phá sản gia tăng; hàng tồn kho cao đang cản trở sự lưu thông vốn trong nền kinh tế, yếu tố tâm lý trong lạm phát kỳ vọng hiện chưa được neo bền vững... Rõ ràng những rủi ro, thách thức lớn nói trên lại một lần nữa đặt gánh nặng lên vai CSTT.

Năm 2013 và những năm tới, làm thế nào để thực hiện tốt sứ mệnh kép: vừa góp phần đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định, tập trung kiềm chế lạm phát, vừa tiếp tục hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho DN quả là bài toán không dễ giải. Để tìm sự cân bằng giữa các mục tiêu, khuyến nghị của các chuyên gia đưa ra là: NHNN cần kiên trì CSTT thận trọng, linh hoạt để phát huy những thành quả đạt được trong năm 2012 và chung tay cùng nền kinh tế vượt qua khó khăn hiện tại.

Một điều không khó để thấy rằng, muốn vực dậy thị trường, vực dậy nền kinh tế sẽ là không hiệu quả nếu chỉ trông chờ vào một mình CSTT. Đúng như Trịnh Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Maritime Bank nói, nền kinh tế không thể chạy nhanh bằng một chân, nếu không có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ giữa CSTT và chính sách tài khóa. Cùng với đó là nỗ lực vượt lên chính mình trong quá trình tái cơ cấu của từng NHTM, mà trọng tâm là xử lý nợ xấu và minh bạch hóa tài chính; tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng, nhất là quản trị rủi ro.

Và một trong những vấn đề không thể thiếu, góp phần quyết định thành công trong điều hành CSTT của NHNN đặt ra cho năm 2013, như thông điệp mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra là, cần lắm một sự đồng thuận cao của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, của dư luận và cộng đồng DN, nhà đầu tư… Nhất là trước những vấn đề nhạy cảm như nợ xấu ngân hàng - được mệnh danh là “cục máu đông” của nền kinh tế thì rõ ràng, nếu để chỉ một mình ngành Ngân hàng sẽ không thể xử lý được nhanh, nếu không có sự chung tay của toàn xã hội, thậm chí là của cả hệ thống chính trị, như lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu.

NHNN đã xây dựng 8 nhiệm vụ và giải pháp lớn trọng tâm là: Một là, điều hành CSTT thận trọng, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa.

Hai là, điều hành chặt chẽ tỷ giá và thị trường ngoại hối, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam.

Ba là, thực hiện các giải pháp về lãi suất, tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, tiết kiệm chi phí, tiếp tục tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các dự án hiệu quả và sử dụng nhiều lao động.

Bốn là, triển khai đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, thành lập công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu.

Năm là, tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015, kiện toàn và đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.

Sáu là, đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Bẩy là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về hoạt động ngân hàng.

Và tám là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của NHNN, của Chính phủ nhằm ổn định tâm lý xã hội, tạo đồng thuận, thuận lợi trong việc triển khai thực hiện.


Theo Thời báo ngân hàng

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên