MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoài mua nợ xấu, VAMC còn được dùng vốn để gửi ngân hàng, mua cổ phần

09-01-2014 - 12:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 209/2013/TT-BTC ngày 27/12/2013 hướng dẫn chế độ tài chính đối với VAMC.

Theo Thông tư, chế độ tài chính của Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) thực hiện theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Nghị định số 53/2013/NĐ-CPngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC, các nội dung hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này và các văn bản pháp luật có liên quan.

Vốn hoạt động của VAMC bao gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu và vốn huy động. Trong đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu gồm có: Vốn điều lệ 500 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển được trích theo chế độ quy định, các nguồn vốn chủ sở hữu khác theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Vốn huy động của Công ty VAMC gồm trái phiếu đặc biệt do Công ty VAMC phát hành theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các nguồn vốn huy động khác theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Về việc sử dụng vốn, tài sản, Thông tư nêu rõ, VAMC được sử dụng các nguồn vốn hợp pháp của Công ty VAMC ngoại trừ trái phiếu đặc biệt để mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.

Khoản nợ Công ty VAMC mua theo giá trị thị trường khi chuyển thành vốn góp, vốn cổ phần được xác định là một khoản đầu tư. Công ty VAMC thực hiện theo dõi và hạch toán khoản đầu tư này theo quy định của pháp luật.

VAMC chỉ được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài (không thông qua việc mua bán nợ và tài sản) dưới các hình thức sau: Gửi tiền tại các ngân hàng thương mại nhà nước; Tham gia góp vốn, mua cổ phần theo quy định.

Thông quy định về trích lập và sử dụng dự phòng. Đối với các khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường: Công ty VAMC thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đối với dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng phải thu khó đòi (trừ các khoản phải thu từ tổ chức tín dụng): Công ty VAMC thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng theo quy định chung áp dụng đối với doanh nghiệp. Đối với khoản cung cấp tài chính khác: Công ty VAMC thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng như đối với khoản đầu tư tài chính.

Trường hợp kết thúc năm tài chính, Công ty VAMC bị lỗ và trong năm tài chính đó có trái phiếu đặc biệt đến hạn mà tổng các khoản phí trên số tiền thu hồi nợ VAMC được hưởng trong năm nhỏ hơn các khoản đã nhận tạm ứng từ các tổ chức tín dụng phải hoàn trả trong năm thì VAMC báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xử lý phần còn phải hoàn trả tạm ứng đã nhận từ các tổ chức tín dụng theo hướng Công ty VAMC được ghi nhận doanh thu và các tổ chức tín dụng ghi nhận vào chi phí.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2014 và được áp dụng từ năm tài chính 2013.


Văn Nam

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên