Người dùng đang đối mặt với 'rừng' phí giao dịch ATM
Khi việc sử dụng thẻ ATM dần phổ biến hơn thì biểu phí giao dịch qua thẻ của các ngân hàng lại trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với người dùng.
Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), phí phát hành nhanh đối với thẻ ghi nợ nội địa là 99.000 đồng/thẻ, phí phát hành lại do bị thất lạc/hư hại là 55.000 đồng/thẻ, phí thường niên 60.000 đồng/thẻ, phí cấp lại pin 11.000 đồng/thẻ, phí chuyển tiền liên ngân hàng qua thẻ 5.500 đồng/lần, phí in sao kê chi tiết hàng tháng 5.500 đồng/thẻ.
Đặc biệt, những biểu phí trên có thể được thay đổi theo quy định của HDBank trong từng thời kỳ.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thì quy định đối với việc mở tài khoản phải có số dư tối thiểu trong thẻ là 100.000 đồng/thẻ, phí quản lý tài khoản 10.000 đồng/tháng và chỉ áp dụng đối với tài khoản VND (tiền đồng) có số dư bình quân hàng tháng thấp hơn 500.000 đồng/tháng, không áp dụng đối với tài khoản tiền gửi “đầu tư trực tuyến”.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thì quy định đối với việc mở tài khoản phải có số dư tối thiểu trong thẻ là 100.000 đồng/thẻ, phí quản lý tài khoản 10.000 đồng/tháng và chỉ áp dụng đối với tài khoản VND (tiền đồng) có số dư bình quân hàng tháng thấp hơn 500.000 đồng/tháng, không áp dụng đối với tài khoản tiền gửi “đầu tư trực tuyến”.
Phí đóng thẻ là 20.000 đồng/thẻ; phí giao dịch tại quầy đối với tài khoản tiền gửi “đầu tư trực tuyến” là 10.000 đồng/giao dịch; phí chuyển tiền từ tài khoản cho người nhận bằng CMND trong hệ thống là 15.000 đồng/lần.
Trong quá trình các dịch vụ trên có phát sinh điện phí, bưu phí ngân hàng sẽ thu thêm.
Ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có “đa dạng” các phí dành cho các loại thẻ khác nhau như thẻ thanh toán, thẻ trả tước, thẻ tín dụng Family, thẻ tín dụng quốc tế.
Phí phát hành thẻ nội địa là 99.000 đồng/thẻ, phí thường niên đối với thẻ ghi nợ nội địa (thẻ chuẩn) là 66.000 đồng/thẻ, Visa là 149.000 đồng/thẻ và UnionPay là 99.000 đồng/thẻ, phí rút tiền mặt có logo Sacombank (Việt Nam/Lào) là 1.000 đồng/thẻ áp dụng cho thẻ nội địa, thẻ quốc tế được miễn phí dịch vụ này. Phí tra cứu chuyển khoản trong hệ thống Sacombank là 2.000 đồng/thẻ và nhiều khoản phí khác...
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đang áp dụng phí dịch vụ đối với thẻ ghi nợ nội địa YouCard như sau: Phí phát hành thẻ lần đầu là 50.000 đồng/thẻ, phí phát hành lại 50.000 đồng/thẻ; phí dịch vụ phát hành nhanh trên một số địa điểm khu vực xác định là 100.000 đồng thẻ; phí cấp lại mã pin là 20.000 đồng/thẻ, phí chuyển khoản khác hệ thống tại ATM bất kỳ là 6.000 đồng/lần, khóa thẻ 10.000 đồng/thẻ.
Trong khi đó là một ngân hàng lớn, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng có biểu phí thanh toán khiến nhiều người choáng ngợp.
Biểu phí thẻ thanh toán nội địa F@stacces áp dụng từ cuối năm 2013 cho thấy phí ngân hàng này khá cao. Phí phát hành thẻ lần đầu là 100.000 đồng/thẻ; phí phát hành thay thế thẻ khi hết hạn là 50.000 đồng/thẻ, phí cấp bản sao hóa đơn giao dịch 80.000 đồng/thẻ, phí rút tiền là 1.000 đồng/thẻ, rút tại ATM ngân hàng khác là 3.000 đồng/thẻ, phí thường niên là 60.000 đồng/thẻ.
Lý giải sự việc trên, một nhân viên ngân hàng cho biết, đối với chi phí phát hành thẻ, mục đích là nhằm huy động vốn từ việc phát hành thẻ hoặc huy động vốn không kỳ hạn từ số dư trên thẻ. Đối với các chi phí phát sinh khi giao dịch như chi phí rút tiền tại ATM ngân hàng, ATM ngân hàng khác, phí in sao kê… tất cả chủ yếu để bù vào chi phí bảo trì, chi phí sử dụng máy ATM, ngoài ra ngân hàng không hưởng lợi gì nhiều.
Đại diện ngân hàng còn nói đối với một máy ATM thì tốn rất nhiều chi phí, chi phí nhân sự, chi phí bảo trì, chi phí nhân sự đi tiếp quỹ… vì thế, việc thu phí chủ yếu để tu bổ lại hệ thống ATM, nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu giao dịch của người dân.
Đó mới là quan sát sơ lược tại một số ngân hàng, chưa kể đến biểu phí giao dịch qua thẻ của các ngân hàng đang sở hữu hệ thống ATM phổ biến hơn.
Trên thực tế từ trước đến nay, trong khi mức phí mà ngân hàng thu từ người dùng thẻ ATM ngày càng tăng thì ngược lại, chất lượng họ mang đến cho người dùng lại chưa tương xứng.
Theo Kim Đan