MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo thường trực HĐQT ACB ủy thác sai quy định

16-12-2012 - 07:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngoài 718 tỷ đồng bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt, chủ trương sai của thường trực HĐQT ACB còn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây thiệt hại cho 22 ngân hàng hơn 247 tỷ đồng...

Đến ngày 14/12, được biết, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cho vay lãi nặng; vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại TP HCM và TP Hà Nội. Có 23 đối tượng bị khởi tố, trong đó, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đề nghị truy tố 17 bị can.

Bị can Huỳnh Thị Huyền Như, trú tại quận 4, TP HCM, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương Việt Nam, Chi nhánh TP HCM (Vietinbank TP HCM) và bị can Võ Anh Tuấn, trú tại quận Bình Thạnh, TP HCM, nguyên cán bộ Văn phòng Vietinbank TP HCM là đối tượng chính trong vụ án này.

Theo kết luận điều tra: Qua công tác nắm tình hình về triển khai thực hiện trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan CSĐT - Bộ Công an nhận được một số thông tin tố giác về việc Huỳnh Thị Huyền Như huy động vốn vượt trần lãi suất; làm giả các hợp đồng tiền gửi để lừa đảo chiếm đoạt tiền của một số doanh nghiệp; tự ý rút tiền của khách hàng doanh nghiệp gửi tại Vietinbank TP Hồ Chí Minh...

Quá trình điều tra xác định từ đầu năm 2007, khi còn là cán bộ tín dụng của Vietinbank TP HCM, Như đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản, nhưng bị thua lỗ mất khả năng thanh toán.

Do được đề bạt làm Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Như lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM đã làm giả 8 con dấu của ngân hàng và các doanh nghiệp để lừa đảo chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm.

Vậy làm thế nào mà Huỳnh Thị Huyền Như lại có thể chiếm đoạt được số tiền lớn đến như vậy, xin dẫn chứng vụ lừa đảo chiếm đoạt trên một nghìn tỷ đồng của 3 doanh nghiệp để bạn đọc thấy được Như đã "phù phép" như thế nào: Khoảng tháng 5/2011, thông qua trung gian, Như biết Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát và Công ty Hưng Yên (ở Hà Nội) đang có nguồn tiền lớn muốn gửi vào ngân hàng. Như đã trao đổi với Võ Anh Tuấn, lúc đó là Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, rủ Tuấn ra Hà Nội để đàm phán. Tại Hà Nội, Như mạo tên là Quyên, nhân viên của Tuấn đang có nhu cầu huy động vốn cho Chi nhánh Nhà Bè với mức lãi suất từ 18% đến 22%/năm.

Sau đó, Như yêu cầu 3 doanh nghiệp cung cấp hồ sơ làm thủ tục mở tài khoản tại Vietinbank TP HCM. Khi đã có 3 bộ hồ sơ trong tay, Như đã copy mẫu dấu của 3 doanh nghiệp để thuê khắc 3 con dấu giả, rồi làm giả hồ sơ mở tài khoản, ký giả chữ ký của giám đốc các doanh nghiệp, với mục đích khi Như ký giả lệnh chi, lệnh chuyển tiền của các công ty này không bị ngân hàng phát hiện.

Ngoài ra, Như còn mạo chữ ký của Võ Anh Tuấn - Phó Giám đốc Chi nhánh Nhà Bè và đóng dấu giả Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè trong hợp đồng ký kết với 3 doanh nghiệp trên. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của 3 công ty mở tại Vietinbank TP HCM, Như làm giả lệnh chi của 3 công ty này chuyển tiền đi để trả cho các khoản vay đến hạn của nhiều đơn vị, cá nhân Như vay trước đó. Kết luận điều tra còn cho biết, từ tháng 5 đến tháng 9/2011, Như đã làm giả 110 hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng với Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát và Công ty Hưng Yên.

Như đã ký giả chữ ký của Hà Tuấn Anh, Giám đốc và Võ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè để huy động của 3 công ty nêu trên gần vài nghìn tỷ đồng. Khi tiền được chuyển vào tài khoản của 3 công ty mở tại Vietinbank TP Hồ Chí Minh, Như đã làm giả 127 lệnh chi, ký giả chữ ký của giám đốc 3 doanh nghiệp trên các lệnh chi chuyển tiền đến nhiều tổ chức và cá nhân để trả nợ lãi suất cao mà Như đã vay trước đó. Đến nay, Như còn chiếm đoạt hơn một nghìn tỷ đồng của 3 doanh nghiệp không có khả năng thanh toán...

Liên quan đến một số nhân vật Ngân hàng ACB trong vụ án này, cơ quan CSĐT - Bộ Công an có căn cứ xác định:

Từ tháng 5/2010 đến tháng 11/2010, Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB đã chỉ đạo Thường trực HĐQT ngân hàng này, gồm các ông: Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải ra chủ trương để Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai qui định, trong đó có gửi hơn 718 tỷ đồng vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7 đến 13%/năm, vi phạm Luật các tổ chức tín dụng, để Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên.

Ngoài ra, với chủ trương sai trái trên, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 29 ngân hàng để hưởng chênh lệch ngoài hợp đồng, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây thiệt hại cho 22 ngân hàng hơn 247 tỷ đồng...

Đây là vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, số tiền chiếm đoạt rất lớn, liên quan đến nhiều cá nhân và đơn vị, cần phải được xử lý nghiêm khắc trước pháp luật.

Theo Đào Minh Khoa

CAND

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên