Nhà băng rốt ráo “chạy” nợ trước giờ G
Hàng loạt ngân hàng đang rốt ráo bán nợ cho VAMC để kịp hoàn thành chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước giao cho.
- 20-07-2015Xử lý nợ xấu: Không chỉ trên con số
- 20-07-20156 tháng: Tạm thời cân đối nợ xấu
- 20-07-2015Dốc sức đưa nợ xấu về dưới 3%
Theo yêu cầu, mỗi ngân hàng thương mại sẽ phải bán cho VAMC số nợ xấu cụ thể theo ấn định của Ngân hàng Nhà nước, đến 30/6/2015 phải bán được tối thiểu là 75% số lượng “chỉ tiêu được giao” và đến 30/9/2015 phải bán hết 100%.
Trước mắt chỉ còn hơn 2 tháng đến "hạn chót", vậy các ngân hàng sẽ làm gì để hoàn thành tiến độ?
Cấp tập bán nợ
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, DongABank đã bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.
Ông cho biết thêm, bên cạnh những khoản nợ xấu khó đòi thì vẫn có những khoản nằm trong khả năng thu hồi. Hiện ngân hàng đang bán một số dự án, khi đạt được thỏa thuận sẽ giảm đáng kể nợ xấu.
Đến ngày 30/6, Eximbank cũng đã bán nợ xấu cho VAMC đạt gần 75% chỉ tiêu NHNN giao. Sáu tháng đầu năm, Eximbank đã xử lý thu hồi được gần 1.000 tỷ đồng và bán 1.526 tỷ dồng cho VAMC.
Kế hoạch từ nay đến hết năm 2015, Eximbank tiếp tục bán hơn 500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Ngân hàng kỳ vọng bất động sản hồi phục sẽ là cơ hội để xử lý nợ xấu.
Ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng giám đốc Eximbank cho biết, trong năm nay Eximbank phải trích trên 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho trái phiếu đặc biệt sau khi đã bán nợ xấu cho VAMC. Vì vậy, để đạt đươc mục tiêu lợi nhuận đề ra 1.000 tỷ đồng trước thuế trong năm nay đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn từ Hội đồng quản trị, Ban điều hành ngân hàng.
Số nợ các ngân hàng đã bán cho VAMC trong 6 tháng đầu năm. DVT: tỷ đồng.
Theo dự tính ban đầu của Vietcombank, năm nay sẽ bán 1.000 tỷ đồng cho VAMC. Lãnh đạo ngân hàng cho biết tùy theo diễn biến thị trường, sau khi áp dụng thông tư 02 và thông tư 09, con số bán nợ có thể thay đổi, nhưng chắc chắn là thấp nhất trong số 4 ngân hàng nhà nước.
Tuy nhiên trong nửa đầu năm nay, ngân hàng đã bán được 1.018 tỷ đồng, vượt con số dự kiến bán trong cả năm mà ngân hàng đã đề ra.
Lãnh đạo của Ngân hàng OCB cũng cho biết trong sáu tháng đầu năm, OCB đã trích dự phòng rủi ro 300 tỷ đồng cho những khoản nợ cũ và nợ xấu đã bán cho VAMC. Tỷ lệ nợ xấu của OCB đến cuối tháng 6/2015 được kiểm soát ở mức 2,7%. Trong 2 quý đầu năm, OCB bán 74 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TPBank những năm trước tiệm cận 7%, nhưng đến cuối tháng 6/2015, còn 0,96%. Ông Hưng cho biết có thời điểm ngân hàng đã phải tính toán giảm lãi để xử lý nợ. Từ trước đến nay, tổng số nợ xấu TPBank đã bán cho VAMC khoảng 350 tỷ đồng và hiện không còn nợ để bán.
Theo thuyết minh BCTC 2014 của Ngân hàng SCB, tính đến cuối năm 2014, tổng số nợ xấu đã bán cho VAMC là 11.409 tỷ đồng. Trong khi đó, theo phát biểu mới đây của ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, tính đến nay, tổng nợ xấu SCB đã bán cho VAMC lên đến 13.000 tỷ đồng. Ước tính trong nửa đầu năm nay, SCB đã bán được 1.591 tỷ đồng.
Nợ xấu về dưới 3% trong tháng 9 tới?
Ngoài việc siết thời gian xử lý nợ xấu nêu trên, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã “mở van” tín dụng cho 18 ngân hàng và chi nhánh với mức tăng tín dụng cao nhất tới 36%.
Ở góc nhìn tích cực, TS Trần Du Lịch cho rằng, việc NHNN vừa điều chỉnh tăng room tín dụng cho hàng hoạt NHTM lên 30-35% cũng không quá đáng ngại về việc tăng trưởng nóng như thời gian trước.
Nhưng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nới room từ 30% trở lên được coi là tăng trưởng nóng. Bài học những năm trước, gây ra nợ xấu cũng được tạo nên từ mức tăng trưởng lớn như vậy. Mặc dù, rủi ro là có, tuy nhiên sẽ được hạn chế. Ngân hàng đã rút ra bài học từ việc cho vay bừa bãi trước kia và quản trị rủi ro của các ngân hàng cũng tốt hơn trước.
“Việc nới room tín dụng cao như vậy là cần thiết bởi lúc này nền kinh tế cần sự tăng trưởng khả quan. Nới room là để kích thích cho vay, nhất là thị trường bất động sản đang dần hồi phục”, ông Hiếu nhận định.
Một chuyên gia ngân hàng khác cho rằng điều chỉnh tăng trưởng tín dụng này như một biện pháp kỹ thuật để hoàn thành tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trong tháng 9 tới.
Liệu rằng với tất cả các “liệu trình” Ngân hàng Nhà nước đang cấp tập áp dụng với các ngân hàng thương mại, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống có về dưới 3% ngay trong quý III, trước thời hạn cuối năm 2015 theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ đề ra hay không, chắc chắn vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa mới biết được.