MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật lặng lẽ mua cổ phần ngân hàng Việt

25-11-2013 - 15:17 PM | Tài chính - ngân hàng

Gần đây, dường như đâu đâu trong hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam cũng xuất hiện cái tên nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

NHTMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) vừa cho biết, đang đàm phán để bán cổ phần, có thể lên tới 30%, cho nhà đầu tư Nhật Bản vào năm 2014. Tên nhà đầu tư Nhật Bản và chi tiết của thương vụ này không được công bố nhưng, từ điều kiện một nhà đầu tư ngoại được nắm giữ tối đa 20% cổ phần tại ngân hàng nội, cho thấy nếu thành công, sẽ có ít nhất 2 nhà đầu tư Nhật Bản tham gia mua cổ phần của HDBank. V

iệc HDBank muốn bán cổ phần cho đối tác Nhật Bản không có gì ngạc nhiên khi trước đó, một lãnh đạo của Sacombank cũng tiết lộ rằng, họ đang cân nhắc bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư đến từ đất nước mặt trời mọc.

Các thương vụ bán cổ phần ngân hàng cho nhà đầu tư Nhật Bản hẳn sẽ không dừng lại như vậy và không quá khó khăn khi vào cuối năm 2012, VietinBank đã bán thành công 20% cổ phần trị giá 734 triệu USD cho Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ với mức giá cao hơn 40% giá thị trường khi đó. Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ hiển nhiên có đại diện trong Hội đồng quản trị.

Xa hơn, năm 2011, Tập đoàn tài chính Mizuho Financial Group đã bỏ ra 567,3 triệu USD để mua 15% cổ phần phát hành thêm của NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cũng với giá cao hơn giá thị trường khi đó. Mizuho trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank và cũng có một đại diện trong Hội đồng quản trị.

Trước đó, năm 2007, Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group cũng đã sở hữu 15% cổ phần Ngân hàng XNK Việt Nam (Eximbank) với giá 225 triệu USD.

Như vậy các ngân hàng nội hàng đầu như Vietcombank, VietinBank, Eximbank… đều đã có sự xuất hiện các nhà đầu tư Nhật Bản và rất có thể BIDV cũng sẽ cân nhắc bán cổ phần cho nhà đầu tư Nhật.

Trong lĩnh vực tài chính, cuối năm 2012, công ty bảo hiểm Nhật Bản là Sumitomo Life Insurance cũng đã mua lại 18% cổ phần từ phía HSBC trong Tập đoàn bảo hiểm Bảo Việt để trở thành cổ đông chiến lược của Bảo Việt.

Không chỉ quan tâm tới việc mua cổ phần ngân hàng hay tài chính, nhà đầu tư Nhật cũng quan tâm tới việc mua nợ xấu của Việt Nam. Theo một lãnh đạo Bộ Tài chính thì nhà đầu tư Nhật sẵn sàng bỏ ra hơn 306 triệu USD để mua nợ xấu nếu phía Việt Nam đồng ý.

Mặc dù JICA sau đó đã phủ nhận thông tin về khoản 306 triệu USD trên, nhưng JICA cũng thừa nhận đang thảo luận với NHNN Việt Nam để xây dựng một dự án hợp tác kỹ thuật hỗ trợ NHNN thúc đẩy tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng.

Với các thương vụ trong quá khứ và tương lai, các nhà phân tích hiểu rằng các nhà đầu tư Nhật Bản đã sẵn sàng cho một cuộc chơi lớn tại Việt Nam và có thể cả trong khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Nobuyuki Hirano, Chủ tịch Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Việt Nam là một phần trong chiến lược mở rộng hơn nữa hoạt động tại châu Á. Thông qua hợp tác với VietinBank, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ muốn phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh tại châu Á, tăng cường dịch vụ hỗ trợ cho các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, một thị trường dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao.

Việc MUFG mua cổ phần VietinBank cho thấy sự gia tăng đầu tư của DN Nhật vào ASEAN (các ngân hàng Nhật sẽ theo để cấp vốn) nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng không thuận lợi từ thị trường Trung Quốc. Bằng cách mua cổ phần ngân hàng nội, các ngân hàng Nhật sẽ mở rộng dịch vụ ngân hàng tới các công ty Nhật tại Việt Nam và cả trong khu vực.

Đối với các ngân hàng Nhật, trong bối cảnh thị trường trong nước khó khăn và đang “thừa tiền”, việc nhắm tới các thị trường ở Đông Nam Á là điều dễ hiểu, một bước chuẩn bị cho chu kỳ hồi phục kinh tế mới. Các dự báo cho thấy, các ngân hàng Nhật hiện “thừa” khoảng 2.000 tỷ USD tiền gửi và Nhật hiện đứng đầu trong các thương vụ M&A tại Việt Nam..

Các ngân hàng Việt Nam đang đối mặt với vấn đề nợ xấu và gặp khó khăn thanh khoản, việc “nhà giàu” Nhật hào phóng được chào đón là điều dễ hiểu.


The Nguyên Hưng

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên