Nhiều tín hiệu khả quan hỗ trợ tăng trưởng tín dụng
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi trao đổi với Thời báo Ngân hàng về triển vọng tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.
Bà Hồng cho biết, đến cuối tháng 7/2013, tăng trưởng tín dụng ở mức 5,3% so với cuối năm 2012, mức tăng trưởng này cải thiện hơn nhiều so với mức tăng 0,99% vào thời điểm cuối tháng 3/2013. Diễn biến tích cực này trong hơn 7 tháng đầu năm là nhờ: NHNN đã điều hành linh hoạt để giảm mạnh mặt bằng lãi suất cho vay; chỉ đạo các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng, lãi suất để thúc đẩy dòng vốn tín dụng;
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN và các TCTD trên địa bàn trong quan hệ vay vốn ngân hàng.
Các TCTD cũng tập trung các giải pháp đẩy mạnh tín dụng, liên tục đưa ra các chương trình tín dụng với mức lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất của các khoản vay cũ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay... Đáng chú ý là các giải pháp trên được thực hiện trong bối cảnh cầu tín dụng đã tăng lên...
Có nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng là chất lượng tín dụng, không nhất thiết phải chạy đua bằng mọi cách để đạt được con số tăng trưởng tín dụng là 12%. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
Chỉ tiêu định hướng 12% cho cả năm 2013 được NHNN đưa ra trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm.
Trong chỉ đạo, điều hành, NHNN không đặt ra nhiệm vụ cho các TCTD phải tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá mà yêu cầu các TCTD mở rộng tín dụng phải đi đôi với chất lượng, hiệu quả. Đến cuối tháng 7, tín dụng tăng 5,3% so với cuối năm 2012.
Như vậy, để đạt tăng trưởng 12% cả năm thì bình quân mỗi tháng cuối năm cần tăng khoảng 1,3%/tháng. Những năm gần đây, tín dụng thường tăng trưởng cao hơn vào những tháng cuối năm, và nếu theo quy luật này, nhiều khả năng chỉ tiêu tăng trưởng 12% theo định hướng đề ra từ đầu năm sẽ trở thành hiện thực.
Vậy NHNN có những kế hoạch và biện pháp gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra?
Trước hết, trong chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vẫn là trọng tâm công tác mà hệ thống Ngân hàng cần tập trung trong những tháng cuối năm. Theo đó, hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tín dụng, lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Đối với gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở, hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng nguồn tiền tái cấp vốn, cho vay với thời hạn tối đa 10 năm, lãi suất tối đa 6%/năm, sau 3 năm nếu mặt bằng lãi suất cho vay tăng thì lãi suất vẫn tối đa 6%/năm, còn nếu mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống, thì lãi suất sẽ giảm theo.
Đối với quá trình xử lý nợ xấu qua VAMC, hiện NHNN đang khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, theo đó đẩy tín dụng tăng trưởng nhanh hơn. NHNN sẵn sàng dành lượng tiền cung ứng để tái cấp vốn hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, cho vay tái cấp vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay tái canh cây cà phê...
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thấy rằng nếu chỉ một mình chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng quyết liệt thực hiện thì chưa đủ. Các bộ, ban ngành khác cũng cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế như các giải pháp tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phầm đầu ra của DN, thực hiện các giải pháp để cải thiện khả năng tiếp cận vốn của DN như tích cực thực hiện cơ chế bảo lãnh cho DN vay vốn, giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB của ngân sách; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, hoàn thiện thủ tục pháp lý về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm, thủ tục công chứng...
Về phía các DN cũng cần chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình cho phù hợp với tình hình hiện nay, khắc phục khó khăn; cơ cấu lại hoạt động của DN để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Như vậy, từ nay đến cuối năm sẽ có một lượng tiền lớn bơm vào nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng điều này có thể tác động đến lạm phát tăng mạnh. Vậy NHNN có kiên định với những mục tiêu về chính sách tiền tệ đã đặt ra từ đầu năm không?
Tính đến cuối tháng 7, lạm phát đã tăng 2,68% so với cuối năm 2012 và tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2012. Thêm vào đó, khi Nhà nước thực hiện điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng như xăng dầu, gas, điện, giá các dịch vụ y tế, lương tối thiểu thì chúng ta không thể chủ quan với lạm phát.
Từ nay tới cuối năm, NHNN vẫn kiên định với những mục tiêu về chính sách tiền tệ đặt ra từ đầu năm. Căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến lạm phát, NHNN sẽ đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp, sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng qua các kênh phù hợp, nhằm kiểm soát tiền tệ và lạm phát.
Cũng cần phải nói thêm rằng, lạm phát do nhiều nguyên nhân nên để kiểm soát lạm phát cũng phải thực hiện bằng nhiều giải pháp. Nếu chỉ chính sách tiền tệ thôi thì chưa đủ, các chính sách kinh tế vĩ mô cũng cần phải được thực hiện tích cực như việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu cần phải thận trọng và với thời điểm phù hợp, công tác quản lý thị trường và giá cả cần được tăng cường để tránh áp lực tăng lạm phát…
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!