Nhìn lại 2 năm tái cơ cấu các tổ chức tín dụng
Trong năm nay và năm tới, cần phải xác định sự tồn tại sở hữu chéo là một tất yếu khách quan, đặc biệt là trong tiến trình cơ cấu lại các TCTD.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã đạt được một số kết quả. Nhiệm vụ cơ cấu lại được thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt về cơ chế, chính sách, tài chính, quản trị, hoạt động đối với tất cả các nhóm TCTD cả trong nước và nước ngoài.
Việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ, chủ yếu thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. An toàn của hệ thống TCTD được bảo đảm, nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được giảm dần, khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện, tài sản của Nhà nước và tiền gửi của nhân dân được an toàn, chi trả đầy đủ, kịp thời, kể cả ở một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém phải cơ cấu lại.
Hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu. Nhờ đó, nợ xấu của các TCTD đã từng bước được xử lý, chất lượng hoạt động của các TCTD được nâng lên.
Tuy vậy, tổ chức này cũng đối mặt với những vấn đề khó khăn trong thực hiện vai trò là chủ nợ và sẽ quyết định phương án cơ cấu lại cuối cùng sao cho có lợi nhất cho doanh nghiệp, TCTD và nền kinh tế. Bởi thực tế, nếu có bán nợ xấu cho VAMC, thì vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho số nợ đã bán, làm tăng chi phí cho các tổ chức này.
Đồng thời sau 5 năm, số nợ này VAMC không xử lý được thì lại trả về cho các TCTD. Điều này làm mất đi tính chủ động trong tiến trình xử lý các khoản nợ xấu này của chính bản thân các TCTD.
Vấn đề sở hữu chéo giữa các TCTD cũng chưa được kiểm soát hiệu quả. Hiện trạng mạng lưới sở hữu chéo đang hết sức phức tạp, đã tạo thành một ma trận chằng chịt đến mức báo động, dù các quy định khống chế tình trạng này không thiếu, mà rất ít thông tin được công khai.
Trên thực tế, Luật các TCTD năm 2010 đã có những quy định rõ ràng về vấn đề sở hữu cổ phần của các cá nhân và các TCTD. Tuy nhiên, để lách luật, các TCTD đã hoặc thông qua trung gian để mua cổ phần của các TCTD đã mua cổ phần của mình, hoặc cá nhân thì tìm cách núp bóng người khác để sở hữu cổ phần ngân hàng vượt quá con số quy định là 5% vốn điều lệ của TCTD như quy định.
Để đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD trong năm 2014 - 2015 và căn bản hoàn thành mục tiêu 2015 như đã định, cần phải xác định sự tồn tại sở hữu chéo là một tất yếu khách quan, đặc biệt là trong tiến trình cơ cấu lại các TCTD.
Tuy nhiên, cần cấp bách giải quyết vấn đề tiêu cực trong sở hữu chéo đang hình thành một cách mạnh mẽ, khó kiểm soát. Muốn vậy, phải minh bạch hóa thông tin về tỷ lệ và đối tượng sở hữu, thậm chí cần phải cưỡng chế bằng những biện pháp hành chính, cũng như xử phạt nặng đối với các cá nhân và TCTD tìm cách lách luật, lạm dụng vấn đề sở hữu chéo để vi phạm pháp luật, tư lợi cá nhân, thao túng thị phần, làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như các TCTD.
Để xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu trong hệ thống các TCTD, trước mắt cần minh bạch hóa thông tin nợ xấu của từng TCTD. Để thực hiện vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động của từng TCTD, bảo đảm các thông tin về nợ xấu do các tổ chức này cung cấp phải hợp lệ với quy định của pháp luật. Theo đó, kết hợp giám sát vấn đề trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD theo đúng quy định của NHNN. Cần có biện pháp xử phạt thích đáng đối với các TCTD vi phạm.
Thêm vào đó, cần xác định rõ ràng vai trò của VAMC trong vấn đề xử lý các khoản nợ xấu do tổ chức này mua lại sao cho có hiệu quả. Tránh tình trạng VAMC chỉ đơn thuần chuyển đổi nợ xấu của các TCTD yếu kém thành nợ của VAMC.
Muốn vậy, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để cho các tổ chức quốc tế cũng như cá nhân quan tâm đến việc đầu tư vào các khoản nợ xấu này có cơ hội tiếp cận. Theo đó, để đẩy nhanh việc bán nợ xấu cho đối tác ngoại thì các thủ tục hành chính cũng cần phải được cải cách theo hướng đơn giản và rút gọn hơn để tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư sau khi họ quyết định mua.
Với tư cách là cơ quan đứng đầu và giám sát tất cả các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần thể hiện sự nhất quán trong thông tin về số liệu, đặc biệt là nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng cần hướng các ngân hàng thương mại chủ động công bố và minh bạch thông tin trong quản trị rủi ro.
Theo Th.S Nguyễn Minh Phương