MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại quan điểm về vàng

24-10-2013 - 08:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù giá vàng trong nước đã có phần rút ngắn khoảng chênh lệch so với giá vàng thế giới và thị trường cũng không còn những biến động mạnh, nhưng hoạt động thị trường vàng VN vẫn còn nhiều bất ổn.

Bất ổn nhất, vẫn là quan điểm nhìn nhận vàng. Ông Trần Thanh Hải - TGĐ CTCP Đầu tư và Kinh doanh Vàng VN, chia sẻ với chúng tôi.

- Đã có rất nhiều chuyên gia phân tích về vấn đề thị trường mà trong đó, quan điểm cách nhìn vàng như một hàng hóa, hay như tiền tệ được cho là chìa khóa mấu chốt để tháo gỡ các vướng mắc trong khâu quản lý thị trường vàng. Ông có quan điểm gì về vấn đề này?

Trước hết, vàng có 2 thuộc tính, cả hàng hóa và tiền tệ. Vàng là hàng hóa vì được dùng trong công nghiệp, nữ trang, nha khoa... Vàng là tiền tệ vì gắn với các đồng ngoại tệ đặc biệt ở các quốc gia phát triển như Mỹ và gắn với các chính sách tiền tệ của các quốc gia.

Trên quan điểm đó, VN, do là nước có đặc thù khác với nhiều quốc gia trên thế giới, nên cũng phải có một sự nhìn nhận về vàng khác hơn.

Tại VN, trong vòng 100 năm trở lại đây, đã xảy ra quá biến động và sự thay đổi các hình thái kinh tế xã hội, gắn liền với sự thay đổi các đồng tiền như tiền Đông Dương, tiền Bảo Đại, tiền Việt Minh, tiền miền Bắc XHCN, tiền miền Nam, sau đó là đổi tiền. Điều này quá khác biệt so với những quốc gia, kể cả những quốc gia trong khu vực Đông Dương vốn cũng có một số thay đổi các hình thái kinh tế xã hội. Những thay đổi này có tác động cơ bản đến chính sách tiền tệ và những quan điểm về vàng. Mặt khác, nó phần nào cũng khiến người dân có tâm lý bất ổn và muốn đối phó trước những thay đổi để bảo toàn cho giá trị tài sản của mình. Vì vậy mà họ nắm giữ và thực tế trong thời gian qua, vàng đã là hầm trú ẩn an toàn cho người dân.

- Đặc thù và quan điểm như vậy đã chi phối như thế nào tới quản lý thị trường, cung cách quản lý đã “trúng” hay chưa, thưa ông?

Với một quan điểm như vậy, theo Nghị quyết 24/NQ-CP, từ ngày 28/3/2013 đến nay, NHNN đã thực thi quản lý thị trường vàng với kỹ thuật đấu thầu vàng tập trung. 

Cụ thể, NHNN đã đấu thầu ra thị trường khoảng 66 tấn vàng/ 65 phiên. Đây là một lượng vàng bằng với số lượng nhập khẩu vàng trong cả thập niên trước tính trên mỗi năm. Cũng phải nói rằng việc triển khai Nghị quyết 24 qua đấu thầu vàng của NHNN đã đạt được những thành tựu. Quan trọng nhất là đánh đúng, đánh trúng “huyệt” của vàng với nhập khẩu ngoại tệ chợ đen để đầu cơ vàng khiến tỉ giá bất ổn thì nay, tỉ giá đã rất ổn định. Song bên cạnh, với số lượng vàng được cung ra thị trường lớn như vậy, cũng gây nên những quan ngại. 

Giá vàng vẫn có chênh lệch và nhu cầu tiêu thụ vàng vẫn tăng. Lượng vàng đẩy ra thị trường cũng gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội, làm một lượng lớn ngoại tệ bị chôn vào vàng. Nói một cách khác, nó cho thấy lỗ hổng của việc nỗ lực quản lý cái mà ta không chủ động được, không sản xuất được vẫn chưa phải là một đường hướng quản lý căn cơ, bền vững.Và nó khiến chúng ta nhìn thấy rõ rằng đã đến lúc phải xem lại 50% chưa được thành công của việc triển khai Nghị quyết 24.

 Những kiến nghị phải trả lại vàng cho thị trường thông qua những giải pháp như lập sàn vàng quốc gia, người mua bán được quyền giao dịch qua chứng chỉ vàng, để vàng được giaio dịch như hàng hóa và NHNN không phải bỏ ngoại tệ ra nhập khẩu vàng trong khi ta vẫn có lượng vàng lớn trong dân mà lượng ngoại tệ lại có hạn,... là những kiến nghị cần được xem xét nghiêm túc và đầy đủ.

- Lập một sàn vàng, cho huy động vàng của dân. Có ý kiến quan ngại nếu vàng lên, dân rút, ai sẽ bù lỗ?

Nếu xét một cách căn cơ, cứ để vàng được giao dịch như một hàng hóa trên thị trường và có sàn vàng quốc gia kiểm soát nó, thì lại là một cách quản lý bền vững và phù hợp theo nguyên lý thị trường.

Kinh nghiệm làm các sàn vàng trước đây của chúng tôi là có thể cân đối được, bởi chúng tôi có kỹ quý khoảng 7-10% qua các tài khoản ở nước ngoài. Khi vàng thế giới lên, mức ký quỹ đủ đảm bảo nguồn vàng đối ứng. Hơn nữa, xét hiệu quả kinh tế lâu dài, khi dân đã thấy bất kỳ lúc nào họ cũng có thể mua bán vàng ngang với giá vàng thế giới, thì 1 năm, 2 năm, 5 năm sau, họ có nhu cầu giữ vàng nữa không? Khi dân không còn nhu cầu giữ vàng, áp lực dân rút vàng đồng loạt cũng giảm thiểu.

Đây có thể nói là một mũi tên bắn 2 đích, huy động được vàng trong dân, giảm bớt sự phân tán nguồn lực ngoại tệ nhập khẩu vàng và mũi tên trúng đích thứ ba trong dài hạn là sẽ hạn chế được vàng hóa trong nền kinh tế - như tinh thần Nghị quyết 24.

- Vậy ông nghĩ như thế nào về kiến nghị đánh thuế tiêu thụ vàng, và cả đánh thuế vàng nguyên liệu, nữ trang phân theo hàm lượng để trước mắt ngân sách có nguồn thu, thứ hai cũng hạn chế đầu cơ vàng?

Khi chúng ta không làm chủ cuộc chơi, không sản xuất được vàng, tại sao lại cứ cố làm cái chuyện lội ngược dòng thác như vậy? Thực sự tôi nghĩ chuyện vàng rất quan trọng nhưng cũng không quan trọng đến mức ta phải gồng mình lên, tập trung mọi thứ cho nó. 

Về chuyện đánh thuế, nói thật, chúng ta hàng nghìn cây số biên giới nơi mà có hàng nghìn con trâu, hàng trăm ghe chở hàng lậu, hàng nghìn lít xăng vẫn bị buôn bán lậu qua biên giới, thì có ai dám nói đã nỗ lực kiểm soát được rốt ráo những miếng vàng lậu được chảy đi chảy lại trong thị trường hay không. Thành ra nếu xét một cách căn cơ, cứ để vàng được giao dịch như một hàng hóa trên thị trường và có sàn vàng quốc gia kiểm soát nó, thì lại là một cách quản lý bền vững và phù hợp theo nguyên lý thị trường. 

Đánh thuế hay kiểm soát quota, hay đấu thầu vàng, trên cách nhìn đó, thực tế cũng chỉ là những kỹ thuật quản lý cung cầu một mặt hàng. Nhưng đừng nghĩ rằng tăng thuế, tăng chi phí DN, chi phí giao dịch, thì sẽ hạn chế được cầu. Chỉ cần có cơ hội và nhu cầu đầu tư, tỉ suất sinh lợi, kỳ vọng lợi nhuận vẫn cao hơn chi phí giao dịch, chi phí cơ hội thì cầu vẫn sẽ tiếp tục tăng.

- Xin cảm ơn ông !

Theo Lê Mỹ

hangnt

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên