MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN phát tín hiệu nới lỏng tín dụng?

01-09-2011 - 00:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Bỏ áp dụng tỷ lệ cấp tín dụng 80% từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng, bắt đầu từ 1-9. Đây được xem là một động thái nới lỏng tín dụng, giúp việc cho vay của các ngân hàng thuận lợi hơn.

Tỷ lệ cấp tín dụng 80% từ nguồn vốn huy động được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào năm 2010 qua Thông tư 13 và 19 nhằm hạn chế các ngân hàng tăng trưởng tín dụng mạnh.

Trong phần vốn huy động 80% theo quy định sẽ không tính phần vốn vay từ các tổ chức tín dụng khác có kỳ hạn dưới 3 tháng. Như vậy, thông tư mới bỏ đi quy định về tỷ lệ 80% đã mở đường cho các ngân hàng nhỏ được lấy tiền vay từ các tổ chức tín dụng khác để cấp tín dụng.

Trong vài tháng gần đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tức giữa các tổ chức tín dụng đã giảm xuống quanh mức 12%-15%, nên nếu tận dụng được vốn trên thị trường liên ngân hàng để cho vay thì giá vốn bình quân của các ngân hàng sẽ phần nào được giảm bớt, giúp kéo giảm lãi suất cho vay.

Ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín, cho biết việc bỏ đi tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động 80% đối với ngân hàng sẽ giúp các ngân hàng linh hoạt hơn, tạo ra sự liên thông giữa các thị trường vốn. Trong bối cảnh tổng phương tiện thanh toán trong năm 2011 bị khống chế ở mức thấp, biện pháp này của NHNN sẽ giúp làm tăng vòng quay đồng tiền, giảm thiếu hụt thanh khoản, đồng thời giúp ngân hàng giảm chi phí, là điều kiện giúp các ngân hàng có thể giảm bớt lãi suất cho vay.

Còn theo chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán TPHCM (HSC), mục đích của động thái này là nhằm tăng lượng vốn huy động dùng để cho vay, theo đó giảm tình trạng các ngân hàng đẩy lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, vốn là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với các ngân hàng nhỏ vì các ngân hàng này không thể tiếp cận vốn qua kênh thị trường mở (nơi NHNN cung ứng vốn cho các ngân hàng). Chính những ngân hàng nhỏ này được coi là nguyên nhân chính đẩy lãi suất huy động tăng lên trên lãi suất trái phiếu và lãi suất liên ngân hàng, HSC nói.

Theo phòng phân tích của Vietstock, trang thông tin chuyên cung cấp thông tin về tài chính, thì biện pháp mới của NHNN đã phát đi một tín hiệu rõ ràng về việc nới lỏng tín dụng đối với các ngân hàng. Điều này cũng được củng cố thêm bằng việc NHNN vừa đưa ra nhều biện pháp nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, và định hướng tăng trưởng tín dụng nội tệ trong những tháng cuối năm.

Tuy vậy, việc nới tín dụng này cũng nằm trong sự kiểm soát của NHNN khi giới hạn tăng trưởng tín dụng 20% áp dụng cho tất cả các ngân hàng không có gì thay đổi.

HSC cho rằng biện pháp mới này có giúp giảm lãi suất cho vay xuống còn 17%-19% hay không thì vẫn phải chờ xem phản ứng của thị trường. Theo công ty này, trước tiên, đây là biện pháp tác động đến thanh khoản, tuy nhiên, công ty này cho biết không nhận thấy có dấu hiệu của việc thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, hệ số khả năng chi trả quy định trong thông tư 13 và 19 vẫn giữ nguyên.

Tỷ lệ khả năng chi trả thậm chí đóng vai trò quan trọng hơn hệ số cấp tín dụng từ vốn huy động trong việc giới hạn lượng tiền huy động dùng để cho vay thông qua việc buộc các ngân hàng phải nắm giữ một tỷ lệ nhất định trái phiếu chính phủ và các công cụ tương đương tiền. Bên cạnh đó, các ngân hàng nhỏ cũng có thể vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất thấp hơn nhiều nhưng chỉ trong giới hạn tín dụng mà các ngân hàng lớn cấp.

Tuy nhiên, chuyên gia của HSC nhận định “Thông qua việc dừng áp dụng hệ số cấp tín dụng (LDR) từ vốn huy động theo thông tư 13 và 19, có lẽ NHNN mong muốn đạt được 2 mục tiêu. Một là nhằm xoa dịu sức ép dư luận đang muốn giảm lãi suất càng sớm càng tốt. Hai là, NHNN có thể chắc chắn rằng lãi suất sẽ chỉ giảm chậm thông qua việc hoãn áp dụng hệ số LDR vốn ít quan trọng hơn nhưng được biết đến nhiều hơn thay vì tỷ lệ khả năng chi trả. Điều này sẽ giúp NHNN có nhiều cơ hội giữ ổn định tỷ giá (vì việc giảm lãi suất quá nhanh sẽ làm ảnh hưởng đến ổn định tỷ giá)”.

Tuy phát đi thông điệp về nới lỏng tín dụng nhưng NHNN không đề cập đến vấn đề hệ số rủi ro của các khoản cho vay chứng khoán và bất động sản, vốn được tăng từ mức 100% lên 250% trong Thông tư 13 và 19 với mục đích hạn chế ngân hàng cho vay hai lĩnh vực này. Thực tế này theo phòng phân tích của Vietstock là NHNN vẫn có chủ trương nắn dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, và tinh thần hạn chế tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất trong Nghị quyết 11 vẫn được duy trì.
 
Theo Thủy Triều
TBKTSG

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên