MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN: Tăng cường tái cơ cấu TCTD, xử lý nợ xấu

08-01-2014 - 10:01 AM | Tài chính - ngân hàng

Những quy định về nới room ngân hàng đang tạo điều kiện và khuyến khích các TCTD nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần của các TCTD Việt Nam.

Trong năm 2013, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đẩy mạnh tái cơ cấu và chủ động tìm mọi biện pháp để giảm nợ xấu, đồng thời tích cực bán nợ xấu cho Công ty Mua bán nợ (VAMC).

Tính đến ngày 31/12/2013, VAMC đã mua 38.900 tỉ đồng nợ gốc từ 35 TCTD trong số 36 TCTD gửi hồ sơ đề nghị bán nợ xấu cho VAMC.

Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD vẫn ở mức khá cao là 4,6%, nếu áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN, tỉ lệ nợ xấu sẽ cao hơn nhiều.

Tại Hội nghị toàn ngành Ngân hàng vào ngày 18/12/2013, một số TCTD cho rằng, nên tiếp tục lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN thêm một thời gian nữa. Lý do cơ bản được các TCTD viện dẫn là tình hình năm 2014 còn khó khăn, nợ xấu vẫn ở mức cao do nhiều doanh nghiệp thua lỗ, không trả được nợ vay ngân hàng.

Trên thực tế, Thông tư 02/2013/TT-NHNN đã được hoãn 1 năm (từ 1/6/2013 sang 1/6/2014), dù thời điểm đó, một số ý kiến trong nước và quốc tế cho rằng, cần sớm áp dụng Thông tư 02. Vì thế, nếu tiếp tục lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 là kéo dài cơ chế “xin-cho”.

Hơn nữa, áp lực thực hiện các quy định tại Thông tư 02 đã giảm nhẹ khi NHNN ban hành Công văn 7558/NHNN-TD yêu cầu các TCTD xem xét thực hiện một số giải pháp liên quan đến điều kiện và thủ tục tín dụng.

Trước đó, Thống đốc NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Đây là 2 văn bản góp phần tháo gỡ khó khăn cho các TCTD và doanh nghiệp vay vốn.

Tại Hội nghị toàn ngành Ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh việc áp dụng Thông tư 02 là tiếp cận dần các chuẩn mực quốc tế, việc trì hoãn sẽ kéo dài tình trạng yếu kém, do đó, ngành Ngân hàng cần kiên quyết xử lý tình trạng sở hữu chéo và nợ xấu trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam.

Sau khi quyết định lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xử lý nợ xấu. Mục tiêu của Chỉ thị này là đảm bảo phản ánh đúng chất lượng tín dụng đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, góp phần thực hiện có hiệu quả Thông tư 02 khi có hiệu lực thi hành.

Điều này cho thấy, NHNN đã yêu cầu các TCTD phải chuẩn bị những tiền đề cần thiết để áp dụng Thông tư 02. Hơn nữa, sau 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu các TCTD, NHNN đã xử lý được 8/9 TCTD yếu kém.

Tình hình của các TCTD đã lành mạnh hơn trước, huy động vốn từ dân cư tăng khá, thanh khoản hệ thống được đảm bảo và nhu cầu vay vốn trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh, nợ xấu được tích cực xử lý và thu hồi. Đến nay, số lượng các TCTD đã giảm 6 tổ chức (4 NHTMCP và 2 TCTD phi ngân hàng).

Hiện nay, các TCTD bắt đầu công bố báo cáo tài chính năm 2013. Trong đó, nhiều TCTD đã đạt được kết quả lợi nhuận tương đối khả quan, mặc dù thấp hơn so với kết quả kinh doanh năm 2012. Với triển vọng lạc quan về kết quả kinh doanh, các ngân hàng có thể trích một phần lợi nhuận để tái đầu tư và trích lập dự phòng rủi ro.

Trước những ý kiến khác nhau về việc áp dụng Thông tư 02, Thống đốc NHNN cho biết, sẽ xem xét lại một số quy định trong Thông tư để từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế, nhưng không gây thêm khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp. Với thông điệp này, NHNN có thể sẽ áp dụng Thông tư 02 theo lộ trình từng bước.

Đồng thời, tăng cường thanh tra giám sát đối với các TCTD, bắt buộc tất cả các TCTD phải niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và áp dụng những thiết chế khắt khe hơn; triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu theo các Đề án đã được phê duyệt.

Yếu tố hỗ trợ tiếp theo cho việc áp dụng Thông tư 02 là Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, vừa được Chính phủ ban hành ngày 03/01/2014. Trong đó, nội dung quan trọng của Nghị định này là nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thêm 5% lên 20% mà không cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ như quy định tại Nghị định số 69/2007/NĐ-CP trước đây.

Trong trường hợp đặc biệt, tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể vượt 30% vốn tự có của ngân hàng trong nước (do Thủ tướng Chính phủ quyết định).

Những quy định này cũng tạo điều kiện và khuyến khích các TCTD nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần của các TCTD Việt Nam, nhất là các TCTD yếu kém, do đó sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các TCTD Việt Nam.

Trên tầm quốc gia, cần tăng cường sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để giảm gánh nặng nợ công, đặc biệt là tình trạng nợ nần tại các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo TS. Hoàng Thế Thỏa

hangnt

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên