MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhu cầu vàng ở Việt Nam như “cái thùng không đáy”

02-07-2013 - 10:28 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng và người dân đều “mặn mà” trong việc nắm giữ vàng khiến cho nguồn cung vàng không thể thỏa mãn được nhu cầu thị trường.

Chúng tôi đã có buổi trao đổi với chuyên gia tài chính-ngân hàng TS. Nguyễn Trọng Tài về diễn biến thị trường gần đây.

Những ngày gần đây, giá vàng trên thị trường trong nước đã sụt giảm khá mạnh. Theo ông vì đâu có sự tụt dốc của giá vàng?

Giá vàng của Việt Nam tụt dốc do chiều hướng đi xuống của giá vàng thế giới. Nhận thấy tình hình kinh tế Mỹ khả quan, các quỹ đầu tư vàng đã tăng cường bán tháo vàng. Mặt khác trước đây các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ từng đưa ra quan điểm tăng cường mua vàng vào khiến giá vàng tăng mạnh, nhưng sau đó lại không mua nên giá vàng trên thị trường xuống rất nhanh. Thị trường vàng thế giới lao dốc thì thị trường vàng Việt Nam cũng lao dốc theo vì thị trường tài chính đã tự do hóa.

Mặc dù giá vàng đi xuống theo giá thế giới nhưng những bất cập của thị trường vàng Việt Nam vẫn còn nguyên cho nên thị trường vàng ở Việt Nam chỉ “cố thủ” nằm chờ, đến khi có cơ hội là bùng phát trở lại. Dù giá vàng trong nước có thời điểm giảm xuống còn 34 triệu đồng/lượng, rồi phục hồi lên mốc 38 triệu đồng/lượng, nhưng chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới vẫn quá cao. Đây là điều không mong đợi. Bởi vì sự chênh lệch giá vàng này sẽ khuyến khích đầu cơ. 

Rõ ràng nếu không làm cho thị trường vàng trong nước và thế giới bám sát nhau, hoạt động đầu cơ dứt khoát diễn ra. Khi thị trường trong nước và thế giới vẫn còn bất cập, nếu còn giữ tư duy bình ổn thị trường không bình ổn giá thì nhà đầu cơ vẫn có nhiều lợi ích vì chênh lệch giá vàng vẫn tồn tại. Nguy cơ đầu cơ vẫn hiện hữu.

Theo dự đoán của ông xu hướng giảm giá vàng trong thời gian tới còn tiếp diễn hay đã về đáy?

Giai đoạn này giá vàng đã về đáy, không thể giảm thêm được nữa. Giá vàng sẽ hồi phục dần dần, tùy thuộc vào tín hiệu lạc quan của kinh tế thế giới như triển vọng kinh tế Mỹ, xử lí nợ của châu Âu.

Nhà đầu tư sẽ lại mua vàng vào. Điều này không mâu thuẫn với việc tôi nói ở trên là các quỹ đầu tư tháo chạy khỏi vàng, mà người ta sẽ lại tiếp tục mua vàng vào để đa dạng hóa kênh đầu tư. Tuy nhiên có điều cần chú ý là giá vàng sẽ hồi phục dần dần chứ không xảy ra việc tăng đột biến, giá vàng “bong bóng” như đã từng xảy ra.

Hiện nay chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới vẫn rất lớn, có thời điểm lên tới hơn 6,4 triệu đồng. Phải chăng các biện pháp đấu thầu vàng của NHNN chưa phát huy tác dụng như mong muốn?

Có người nói thị trường vàng là “sân chơi” NHNN một mình một cõi. Người ta phản ứng như vậy cũng có lý vì NHNN tự định ra “cuộc chơi” của mình. NHNN nói bình ổn thị trường, không bình ổn giá. Cho nên khi cầu vàng trên thị trường cao còn cung thấp thì NHNN tăng cường bán vàng ra. Nhưng việc bán vàng này không giải quyết được gốc của vấn đề vì vàng vẫn quanh quẩn trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng tích cực mua vào rồi nắm giữ vàng như một “thùng không đáy”. Như vậy vàng không ra được nền kinh tế.

Cho nên cần kiểm soát việc các ngân hàng tham gia đấu thầu vàng. Ngân hàng nào đã có tỉ lệ nắm giữ vàng lớn thì không cho tham gia đấu thầu vàng nữa. Nên nhớ, ngân hàng là trung gian truyền dẫn chính sách đến nền kinh tế. Nếu vàng cứ ở trong ngân hàng thì không ổn.

Theo dõi thị trường vàng ở Việt Nam thì thấy rằng, lúc giá vàng lên cao đến gần 50 triệu đồng/lượng, người dân vẫn đổ xô đi mua vàng. Mấy ngày vừa qua, khi giá vàng giảm xuống người dân lại tiếp tục mua vào. Dường như vàng luôn có được niềm tin của người dân?

Ở Việt Nam tâm lí “tích trữ phòng cơ” đã có từ thời xa xưa. Người dân có tiền là mua vàng cất giữ. Người dân mua liên tục, không bán ra nên nhu cầu vàng từ nhân dân cũng giống như “cái thùng không đáy”. Các ngân hàng thương mại phát hiện “cái thùng không đáy” này trong dân cho nên họ càng tăng cường nắm giữ vàng để chờ cơ hội là tung ra bán lấy lãi.

Nhu cầu vàng của người dân, ngân hàng như “thùng không đáy” phải chăng là một trong những lí do khiến giá vàng Việt Nam luôn cao hơn giá thế giới rất nhiều?

Đúng vậy. Phải nói một điều rằng “thùng không đáy” của ngân hàng quá tham lam, ngân hàng thương mại liên tục vơ vét vàng khi NHNN muốn bình ổn thị trường bằng cách tăng cường bán ra. Tuy nhiên, có thể do thiếu sự kiểm soát nên các ngân hàng cứ mua vào mà không biết bao nhiêu là đủ. Dân chúng thì có tâm lí “tích trữ phòng cơ”. Cho nên mỗi năm nhập vàng về bao nhiêu cũng không xuể.

Xin cảm ơn ông!

Theo Lương Bằng

hangnt

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên