MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những lỗ hổng mất tiền tỷ ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam

07-04-2014 - 19:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Không phải đôn đáo tìm kiếm nguồn huy động, cũng không phải ngược xuôi kiếm khách vay vốn, không phải dự trữ bắt buộc và tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách…

Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam lại để xảy ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng, gây thất thoát một lượng tiền lớn của Nhà nước.

Kỳ 1: Liên tục để mất vốn

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt cán bộ, nhân viên của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã bị truy tố và xét xử. Có người đã phải lĩnh án tử hình.

Hàng loạt lãnh đạo bị bắt

Cuối tháng 3 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên Chi nhánh VDB khu vực Minh Hải, TP Cà Mau, về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, từ giữa năm 1999, Quỹ hỗ trợ Đầu tư và Phát triển (tiền thân của VDB) thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất thấp đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Song, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích, làm ăn thua lỗ, bên bờ vực phá sản nên đến nay, VDB Minh Hải chưa thu hồi được nợ.
Năm 2012, tổng nguồn vốn của VDB tăng từ hơn 274 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên hơn 291 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là vốn ủy thác đầu tư và phát hành giấy tờ có giá hơn 240 nghìn tỷ đồng; còn lại một số nguồn khác như: Vốn ODA 7,4 tỷ USD; vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh 34.880 tỷ đồng; vay ngân sách, tổ chức tài chính, tín dụng hơn 12.000 tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế, khách hàng chỉ hơn 4.500 tỷ đồng. Năm 2012, ngân hàng đã giải ngân 21.819 tỷ đồng, tăng 10,4% so với 2011.

Đơn cử như Xí nghiệp Kinh doanh và chế biến thủy sản xuất khẩu Ngọc Sinh (xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau) được cho vay hơn 291 tỷ đồng, quá hạn và lãi treo 126 tỷ đồng, song đã ngưng hoạt động vài năm nay. Công ty TNHH Nhật Đức được cho vay 21 lần, tổng vốn hơn 176 tỷ đồng, quá hạn và lãi treo hơn 81 tỷ đồng, nhưng nay hoạt động cầm chừng. Công ty Việt Hải nợ 118 tỷ đồng; Công ty Minh Châu nợ 108 tỷ đồng…

Điều đáng buồn với VDB là mới hơn chục ngày trước đó, nguyên Giám đốc VDB Đắk Lăk - Đắk Nông Vũ Việt Hùng và một loạt cán bộ Chi nhánh ngân hàng này đã bị xét xử sơ thẩm trong vụ “đại án” lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông, trong đó Vũ Việt Hùng đã phải chịu mức án cao nhất là tử hình.

Hồ sơ vụ án cho thấy, từ năm 2008 - 2010, Vũ Việt Hùng đã ký duyệt cho hai doanh nghiệp vay gần 2.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 357 tỷ đồng của VDB Đắk Lắk - Đắk Nông, đồng thời ký khống giấy tờ về dư nợ tại ngân hàng để 3 doanh nghiệp khác chiếm đoạt 580 tỷ đồng của một số ngân hàng khác.

Hai vụ “đại án” kể trên không phải trường hợp “hiếm hoi” trong hệ thống VDB, khiến ngân hàng mất tiền, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ ngân hàng rơi vào vòng lao lý: Đầu tháng 11/2013, nguyên Giám đốc VDB Chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang Lương Quang Minh cùng nhiều nhân viên Chi nhánh bị truy tố vì tạo điều kiện cho một doanh nghiệp trên địa bàn vay vốn 118 tỷ đồng, song sử dụng sai mục đích, làm ăn thua lỗ, nguy cơ mất cả gốc và lãi.

Chưa đầy một tháng sau đó, Giám đốc VDB Sóc Trăng Nguyễn Thế Thắng cùng một loạt cán bộ Chi nhánh ngân hàng bị khởi tố vì để Công ty cổ phần Thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) lập hồ sơ khống số lượng thủy sản tồn kho thế chấp số tiền 700 tỷ đồng để vay vốn, trong khi tồn kho thực tế chỉ khoảng 22 tỷ đồng...

Nguy cơ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng

Điểm lại hàng loạt những vụ cho vay thất thoát cả trăm, nghìn tỷ đồng của VDB, xảy ra tại nhiều chi nhánh trong một thời gian ngắn, để thấy rằng, những sai phạm có tính hệ thống, do quản lý lỏng lẻo, từ thẩm định dự án, tiến hành thủ tục đầu tư, cho vay đến kiểm tra, kiểm soát...

Lấy ví dụ về vụ “đại án” tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông, hồ sơ vụ án thể hiện, VDB giao thẩm quyền hạn mức cho vay quá lớn là 20 tỷ đồng - cho nguyên Giám đốc Chi nhánh Vũ Việt Hùng, nhưng lại không quy định mức tối đa đối với một khách hàng. Lợi dụng sơ hở này, Vũ Việt Hùng đã cho vay một khách hàng nhiều khoản cộng dồn lên tới cả nghìn tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Năm 2009, tổng dư nợ tín dụng xuất khẩu của VDB là 14.467 tỷ đồng, song chỉ riêng chi nhánh VDB Đắk Lắk, Đắk Nông đã cho vay tới 1.580 tỷ đồng, chiếm 10% dư nợ toàn hệ thống.

Trong khi đó, từ 2008 - 2010, hội sở chính ngân hàng chỉ thể hiện duy nhất một biên bản kiểm tra về nghiệp vụ tín dụng xuất khẩu tại Chi nhánh VDB Đắk Lắk - Đắk Nông vào tháng 7/2010. Mặc dù qua kiểm tra đã phát hiện hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp có nhiều vấn đề như: Thiếu báo cáo tài chính, tờ trình duyệt vay chưa chuẩn xác, không hợp lý; khách hàng không bảo đảm nguồn vốn tự có tham gia phương án kinh doanh… nhưng vẫn được duyệt vay, song cũng không xử lý tới nơi tới chốn, dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng kể trên.

Tính chung giai đoạn 2008 - 2010, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, 38 khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích với số vốn vi phạm 7.339 tỷ đồng. Cùng với đó, có 35 dự án đóng mới tàu biển, tàu sông... được cho vay 2.509 tỷ đồng tính đến 30/6/2011 có nhiều vi phạm, dẫn đến khả năng mất vốn.

Theo Thảo Nguyên

hangnt

Giao thông vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên