Những người không có Tết
Màu thời gian in hằn trên tờ bạc cũ không chỉ biểu lộ công sức của biết bao người đã góp sức làm ra đồng tiền và đưa nó đến với người dân, mà còn mặn hơi cuộc sống của bà cụ tần tảo ven sông, chị vợ sớm hôm chạy chợ nuôi chồng con…
- 01-02-2016Bắt khẩn cấp thanh niên rao bán tiền giả trên Facebook
- 30-01-2016Thưởng tết ngân hàng vẫn còn nhiều ẩn số
- 28-01-2016NHNN nói gì về hiện tượng rao bán tiền giả qua facebook?
- 28-01-2016Vụ "đổi tiền giả" trên facebook: Đã bắt được một đối tượng
- 21-01-2016Thưởng Tết của cổ đông ngân hàng ở đâu?
- 18-01-2016Hé lộ “chiêu” chia lương kinh doanh thay tiền thưởng Tết của ngân hàng
Những ngày sát Tết, núi rừng Tây Bắc cứ phủ dần một màu trắng tinh khôi của hoa mận trắng, của màu hoa đào thắm trên những thân cành khẳng khiu. Ông Cục phó Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN) Nguyễn Tất Huynh lại đếm thêm những ngày Tết xa gia đình. Cũng chẳng biết đã có bao nhiêu cái tết ông không cùng gia đình đoàn viên, mãi rồi thành quen… Đã nhiều năm nay, cứ đúng thời khắc mọi người tất bật đón “Tết” thì ông Huynh lại phải trực, rồi phải chốt kho vào đúng thời khắc 0h chuyển giao năm cũ và mới…
Đốt thời gian giữa cô liêu núi rừng Tây Bắc sang xuân, ông Huynh lần tờ bạc 200 đồng, xem những đường nét thiết kế hoa văn chìm nổi, rồi yếu tố chống giả, cảm nhận loại giấy in tiền có khả năng cho vào máy giặt vẫn có thể xác định, truy nguyên được số seri mệnh giá, không phai mực…
Mầu thời gian in hằn trên tờ bạc cũ không chỉ biểu lộ công sức của biết bao người đã góp sức làm ra đồng tiền và đưa nó đến với người dân, mà còn mặn hơi cuộc sống của bà cụ tần tảo ven sông, chị vợ sớm hôm chạy chợ nuôi chồng con…
Cuộc sống đòi hỏi mỗi tờ tiền phải bền với thời gian, chịu được mưa nắng của đò ngang, bến dọc; đồng thời phải đảm bảo sức lao động không bị “trả rẻ” trong tương lai. Nên những cán bộ phát hành, kho quỹ lại phải lăn lưng ra “tính” làm sao để lượng tiền trong lưu thông vừa phải, không được nhiều quá cũng không được ít quá. Rồi lượng tiền nằm ở các tỉnh phải cân đối, không được chỗ quá nhiều chỗ lại không có.
Bên cạnh đó cũng phải tính tới yếu tố vùng miền như miền núi, nơi đời sống người dân còn thấp, thì phải nhiều tiền mệnh giá nhỏ và ngược lại tại các khu đô thị lớn thì phải cung ứng nhiều tiền mệnh giá lớn hơn. Đấy là chưa kể vô vàn những hiểm nguy khi vận chuyển tiền về các địa phương…
Ngắm nhìn những nụ hoa đào đang chúm chím trong hơi sương, Cục phó Nguyễn Tất Huynh trầm tư, ngày 25 Tết cách đây ít lâu, khi mọi người đang tưng bừng mua sắm đón Tân Xuân thì Cục nhận được tin Kho III hết tiền. Các phương án cung tiền cho kho được đặt ra, đi tàu hỏa thì không kịp nữa và phương án được chọn là ô tô. Tranh thủ lúc các xe vào đóng hàng, ông chạy lên vườn đào Nhật Tân (Hà Nội) mua lấy chục gốc đào để mang theo. Chiều 25 tết, cả đoàn xe lên đường, cứ đến điểm nghỉ ông Cục phó lại mang cây đào Nhật Tân ra tặng anh em kho quỹ địa phương.
Nhận những cây đào ấy, mọi người như cảm thấy cái xuân gần kề hơn và quên hết đi những mệt nhọc trên chặng đường dài. Những cán bộ kho quỹ tại địa phương cũng cảm thấy ấm lòng hơn… xe vào được kho, giao nhận hàng xong quay lại được NHNN Trung ương thì đã là chiều muộn ngày 30 tết.
Thế nhưng điều làm ông xúc động là tuy đã chiều muộn rồi nhưng gần như toàn Cục, lãnh đạo NHNN vẫn có mặt chúc mừng đoàn hoàn thành nhiệm vụ trở về an toàn. Không những thế, một chiếc xe con (ngày ấy ông mới là Trưởng phòng) đã được bố trí sẵn để đưa ông về quê, kịp đón giao thừa với người thân...
Ông Nguyễn Tất Huynh kể lại, có đi vận chuyển mới thấy hết sự khó khăn phức tạp khi vận chuyển hàng đặc biệt. Còn nhớ lần đó đoàn xe chở hàng “đặc biệt” vào đến Quảng Bình thì gặp cây cầu có hạn chế tải trọng là 13 tấn. Thế nhưng oái oăm là xe hàng cân nặng 13,5 tấn (cân theo cách cũ, cân từng bánh rồi cộng tải trọng). Và người quản lý cây cầu thì kiên quyết không cho xe qua dù là xe vận chuyển hàng loại A, loại hàng không thể tháo dỡ khi chưa đến điểm giao nhận. Loay hoay một hồi cả đoàn đành chấp nhận phải quay ngược lại để đi phà vượt sông…
Ông Cục phó Huynh chia sẻ, nếu như người Việt mình dễ dàng chấp nhận vài cái kẹo thay cho 200 - 500 đồng trả lại khi mua hàng ở siêu thị thì ngược lại, những du khách người nước ngoài sẵn sàng chờ 5 - 10 phút chỉ để nhận lại đúng 200, 500 đồng. Chính vì thế trong lưu thông luôn phải đảm bảo đủ cơ cấu mệnh giá tiền để đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Đây cũng là áp lực không hề nhỏ đối với những cán bộ Cục Phát hành và Kho quỹ. Đấy là chưa kể trong những tình huống “đặc biệt” thì toàn Cục phải trong tình trạng sẵn sàng cao nhất.
Đơn cử như khi có tin đồn thất thiệt về một ngân hàng cách đây vài năm thì ngay khi có “biến”, toàn Cục đã phải nắm ngay số liệu về tổng số tiền gửi của người dân, tổng mức tiền tại các kho, tiền mặt tại các NHTM nằm gần đó… Bên cạnh đó, các phương án vận chuyển cung ứng tiền như thế nào cho ngân hàng cũng được lên kế hoạch cụ thể, chi tiết để sẵn sàng thực hiện chức năng “người cho vay cuối cùng” của NHNN Trung ương...
Bên cạnh việc thiết kế, in ấn, vận chuyển, đảm bảo cơ cấu mệnh giá tiền thì việc giữ cho đồng tiền luôn sạch đẹp, đảm bảo hình ảnh đồng tiền cũng luôn là một trong những yêu cầu cấp thiết mà Cục đặt ra. Chỉ riêng trong năm 2015 vừa qua tỉnh Hải Dương đã thu hồi hơn 5.000 tỷ đồng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông về tiêu hủy. Điều đó đã cho thấy áp lực không hề nhỏ trong công tác phân loại, thu hồi tiền rách, nát, không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Để việc thu hồi tiền không đủ tiêu chuẩn trong lưu thông thuận lợi, Cục Phát hành và Kho quỹ đã xây dựng bộ quy chuẩn về tiền trong lưu thông đồng thời xây dựng hành lang pháp lý cho NHNN các tỉnh, thành phố thực hiện thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, qua đó tạo thuận lợi đáng kể cho NHNN, các tổ chức tín dụng phân loại, thu hồi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Đảm bảo đồng tiền đưa ra luôn sạch đẹp.
Trong chuyến xe đi tới vùng địa đầu của Tổ quốc mới đây, chúng tôi gặp Phó giám đốc Chi nhánh NHNN Quảng Ninh, ông Phạm Như Huy.
Ông tâm sự: Những người làm tiền (cách ông gọi các cán bộ Phát hành và Kho quỹ) thường phải làm việc trong một môi trường có áp lực cao về tính trách nhiệm, chính xác về con số, về thời gian nếu lúc nào cũng khó đăm đăm thì sẽ tạo thêm áp lực cho anh em. Đó là công tác đối nội kho quỹ, thu chi tiền mặt của đầu mối NHNN. Còn với việc phân loại tiền, kiểm tra an toàn kho quỹ là một trong những khâu công tác đòi hỏi sự sâu sát, nhạy bén cao.
Thậm chí, bản thân lãnh đạo NHNN còn phải xây dựng được cả một hệ thống thông tin tới từng cá nhân làm công tác liên quan đến tiền mặt, kho quỹ ở các NHTM và tổ chức tín dụng có như vậy chúng tôi mới kịp thời phát hiện được các vi phạm để kịp thời chấn chỉnh.
Ông Huy chia sẻ, Quảng Ninh là một vùng đất có nhiều đền, chùa, danh thắng nên vào những dịp đầu năm lượng tiền lẻ thu vào từ những khu vực tín ngưỡng khá lớn tạo áp lực cho công tác kiểm đếm và kho tàng. Việc có kế hoạch đưa các đồng tiền lẻ trở lại phục vụ lưu thông là một công việc cần thiết. Có những đợt bản thân ông phải cùng với các cán bộ tiền tệ, kho quỹ đi đến từng điểm bán lẻ lớn và các siêu thị để khảo sát nhu cầu tiền lẻ và kết quả một lượng tiền lẻ đáng kể lại được chủ động đưa ra phục vụ công tác thanh toán.
Bản thân các quy trình quản lý phát hành, kiểm đếm, kho quỹ NHNN đã đưa ra hoàn thiện và chặt chẽ. Những người làm công tác liên quan đến tiền mặt trước tiên phải có cái tâm và ý chí bởi việc hàng ngày tiếp xúc với đồng tiền đã là một sự cám dỗ nguy hiểm nếu không có tâm sáng và ý chí cao thì rất dễ gục ngã.
Thời báo ngân hàng