MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu của của Việt Nam: Các chuyên gia nói gì?

21-05-2015 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tính đến hết tháng 1/2015 nợ xấu đã tăng mạnh lên mức 3,49%. Dù dữ liệu này mới chỉ cập nhật đến tháng 1/2015, có độ trễ khá lớn so với thời gian thực, nhưng là con số mới nhất về tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng đầu năm nay.

Nợ xấu tăng trở lại: Bất ngờ của thị trường?

Khi được công bố lần đầu tiên vào năm 2011, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng chỉ chiếm tầm 3% trên tổng dư nợ tín dụng. Bước sang mỗi năm, tỷ lệ nợ xấu lại dần tăng cao. 6 tháng đầu năm 2014 cũng chứng kiến sự tăng vọt của tỷ lệ nợ xấu từ 3,6% lên tới đỉnh 4,17% vào tháng 6/2014.

Tuy nhiên ngay sau đó nợ xấu bắt đầu giảm khá mạnh, đến tháng 9/2014 còn 3,88% và đến hết tháng 12/2014 là 3,25%. Thị trường chưa vui mừng được bao lâu thì theo dữ liệu mà NHNN cập nhật từ báo cáo cuả các TCTD, đến hết tháng 1/2015 tỷ lệ nợ xấu đã tăng trở lại khá mạnh. Từ con số 3,25% của tháng liền trước lên 3,49%. Vậy nguyên nhân nào khiến cho nợ xấu bất ngờ tăng trở lại, đây có phải là tín hiệu tiêu cực của thị trường.

Theo phía chuyên gia nhận định, việc nợ xấu tăng mạnh trở lại trong tháng 1 và có nguy cơ phình to hơn trong quý II/2015 là điếu hết sức bình thường. Bởi Quyết định 780 về cơ cấu nợ đã hết hiệu lực từ ngày 1/4/2015, trong khi việc phân loại nợ sẽ được siết chặt theo thông tư 02.

Ngay sau khi Quyết định 780 kết thúc, nhiều khoản nợ từ nhóm 1, nhóm 2 sẽ được chuyển sang nợ xấu (nhóm 3, 4 hoặc 5) trong một vài tháng tới. Điều này cũng có nghĩa, tổng nợ xấu của toàn hệ thống sẽ tăng mạnh.

Nhiều chuyên gia có cái nhìn và nhận định về tình hình nợ xấu, là một thực tại và điều quan trọng là mình đưa ra hướng giải quyết như thế nào.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Dong A Bank.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Dong A Bank cho rằng: "Nó phản ánh đúng thực tế nợ xấu, nó thể hiện thông tư 02 vừa đảm bảo chặt chẽ, đảm bảo đúng thông lệ quốc tế, việc phân loại nợ theo chuẩn mới thì tất nhiên nợ xấu sẽ tăng lên, cộng với 1 vài đơn vị doanh nghiệp nhỏ và vừa không phục hồi kịp thì tất nhiên nó tăng lên là đúng rồi".

Bên cạnh đó, hoạt động của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa thực sự phục hồi cũng có những ảnh hưởng nhất định đến việc giải quyết nợ xấu. Theo báo cáo mới nhất của Bộ kế hoạch đầu tư, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong quý I/2015 của cả nước là 2.565 doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp phá sản đều có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động là 16.175 doanh nghiệp, tăng 14,2% so với quý I/2014

Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty Luật Basico cho biết: "Con số nợ xấu của chúng ta đôi khi nó không phản án được thực trạng vấn đề, đôi khi nó không nắm được đâu là căn nguyên, nó tăng là đương nhiên, cái ngày tháng trôi đi sản xuất kinh doanh không khôi phục được thì nó sẽ ứ đọng, tăng nợ xấu còn khi nó giảm thì chủ yếu ở yếu tố kỹ thuật như bán cho VAMC, hạch toán dự phòng…".

Việc con số nợ xấu tăng dù khá bất ngờ nhưng các chuyên gia cho rằng đây cũng là yếu tố hết sức bình thường, giúp cho thị trường có cách nhìn đúng đắn hơn về con số nợ xấu. Điều quan trọng là phải biết được nợ xấu tập trung vào lĩnh vực nào để nhà điều hành có cách xử lý dứt điểm. "Việc tăng lên là bình thường, nếu đứng về mặt quản lý thì là tốt vì nó phản ánh đúng thực trạng nợ xấu nền kinh tế, để chúng ta có cơ chế tháo gỡ đúng hơn", ông Cao Sỹ Kiêm nói.

Theo chỉ thị 02 về tăng cường xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành, đến 30/6 hệ thống ngân hàng phải xử lý được tối thiểu 60% con số nợ xấu. Tuy nhiên trong bối cảnh nợ xấu tăng trở lại thì nhiều người nghi ngờ, liệu chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến hạn, mục tiêu có đạt được hay không.

Mục tiêu xử lý nợ xấu có khả thi?

Theo ý kiến của các chuyên gia nếu như để cho các ngân hàng tự xử lý nợ xấu thì khả năng đạt được mục tiêu là rất khó, nhưng nếu như có sự hỗ trợ của VAMC thì việc hoàn thành 60% con số nợ xấu vẫn có thể thực hiện được.

Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty Luật Basico.

Ông Trương Thanh Đức cho rằng: Nếu như tự xử lý thì khó đạt được nhưng nếu như bán nợ xấu cho VAMC như chỉ đạo của NHNN thì hoàn toàn đạt được.

Cùng quan điểm với ông Đức, ông Cao Sỹ Kiêm bày tỏ: "Theo tôi là có khả năng xử lý được, bởi nợ xấu tăng lên chủ yếu là nợ cũ. Tuy nhiên nếu thông qua tự xử lý thì nó sẽ giảm rất nhanh. Việc sắp xếp nợ xấu của NHNN với các NHTM thì nó có thể làm cho nợ xấu của Việt Nam sẽ giảm đi nhanh chóng".

Tuy nhiên nếu tình hình của các doanh nghiệp trong thời gian tới vẫn chưa thực sự được cải thiện thì chắc chắn thách thức trong việc giải quyết cục máu đông sẽ vẫn lớn.

Ông S. Fredric W.Swierczek, Giám đốc viện công nghệ - kinh tế Châu Á - Việt Nam cho rằng: Việc giải quyết nợ xấu thực sự dễ dàng, bởi nợ xấu không chỉ là chuyện của mỗi ngân hàng mà nếu doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn thì tất nhiên sẽ rất khó giải quyết.

Quan trọng nhất lúc này là sự phối hợp đồng bộ giữa các bên để mang lại hiệu quả cao nhất cho việc giải quyết nợ xấu.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng: Mốc 30/6 cũng ko có gì, các bên có khả năng làm được, nhưng phải có sự quyết tâm từ 3 bên, một là từ các TCTD, hai là VAMC và 3 là NHNN phải cùng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn nợ xấu cho DN.

Mục tiêu xử lý nợ xấu của NHNN trong năm nay khá tham vọng. Tuy nhiên con số này là khả thi, dựa trên tình hình hoạt động của các NHTM thời gian qua. Đây cũng là điều kiện quan trọng để nợ xấu toàn hệ thống xuống dưới 3% vào cuối năm.

Dù NHNN đã nỗ lực hết sức trong việc giải quyết nợ xấu nhưng cho đến thời điểm hiện tại nợ xấu vẫn còn là thách thức lớn với toàn hệ thống. Từ nay đến cuối năm chỉ còn 7 tháng nữa để phía chức năng tiếp tục những biện pháp quyết liệt của mình để giải quyết nợ xấu.

Đến tháng 2/2015, nợ xấu giảm còn 3,59%

 

Theo Duy Khương

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên