MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu đang được xử lý thế nào?

30-10-2013 - 10:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Tốc độ phát sinh nợ xấu chậm lại là kết quả của việc hệ thống ngân hàng đã kiên trì giữ “chuẩn tín dụng” trong các khoản cho vay mới.

Tốc độ tăng của nợ xấu đã giảm đáng kể

Tính đến ngày 28/10/2013, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua nợ xấu của các ngân hàng với số dư nợ gốc 9.887 tỷ đồng và giá mua là 8.200 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2013, VAMC mua khoảng 30.000 tỷ đồng nợ xấu.

Có thể nói công cụ góp phần giải quyết “cục máu đông” vốn được xem là thủ phạm gây ách tắc dòng vốn trong nền kinh tế đang được phát huy tác dụng, thậm chí đang được kỳ vọng sẽ tạo cú hích thúc đẩy tiến trình giải quyết nhanh và mạnh hơn.

Tuy nhiên, không phải đợi đến khi có VMAC đi vào hoạt động thì vấn đề xử lý nợ xấu (XLNX) mới có chuyển biến tích cực. Theo báo cáo mới nhất của các TCTD, đến cuối tháng 8/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 142,27 nghìn tỷ đồng chiếm 4,64% tổng dư nợ, tăng 20,15% so với cuối năm 2012. Như vậy, tốc độ tăng của nợ xấu đã giảm đáng kể, chỉ bằng 1/3 so với 8 tháng đầu năm 2012 (tăng 59,2%).

Theo các chuyên gia kinh tế, tốc độ phát sinh nợ xấu chậm lại là kết quả của việc hệ thống ngân hàng đã kiên trì giữ “chuẩn tín dụng” trong các khoản cho vay mới để kiềm chế nợ xấu gia tăng, đồng thời chủ động XLNX còn tồn đọng như: triển khai các giải pháp thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm...; cơ cấu lại nợ để hỗ trợ DN tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất; kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động để tích cực trích lập dự phòng tạo nguồn XLNX.

Theo đó, để hạn chế nợ xấu phát sinh mới, các TCTD đã thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng.

Đặc biệt, với việc thực hiện Quyết định số 780/QĐ-NHNN về việc phân loại đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn hoặc gia hạn trả, một khối lượng lớn dư nợ tín dụng quá hạn đã được các TCTD cơ cấu lại giữ nguyên nhóm, góp phần kiềm chế nợ xấu gia tăng, đồng thời giúp cho hàng ngàn khách hàng không phải chịu lãi suất phạt quá hạn và tiếp tục được tiếp cận vay vốn.

Tính đến cuối tháng 8/2013, tổng số dư các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN của toàn hệ thống TCTD là 296,35 nghìn tỷ đồng, tăng 16,86% so với cuối năm 2012. Đây là những con số rất có ý nghĩa bởi, theo NHNN cho biết, nếu không thực hiện theo Quyết định 780 thì tổng nợ xấu của toàn hệ thống sẽ lên 299,15 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,76% tổng dư nợ được phân loại.

Bên cạnh đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn thu từ hoạt động tín dụng, nhưng công tác trích lập dự phòng rủi ro cũng được các TCTD đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, tổng số nợ xấu đã được các TCTD xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013 đã đạt 95,1 nghìn tỷ đồng, mà nếu không có nguồn này thì nợ xấu toàn hệ thống đến nay có thể lên tới 237,37 nghìn tỷ đồng và chiếm 7,51% tổng dư nợ.

Bên cạnh các giải pháp XLNX nêu trên, các TCTD đã triển khai các biện pháp khác nhằm phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới gia tăng và nâng cao chất lượng tín dụng như củng cố, chấn chỉnh các chính sách, quy trình, thủ tục cấp tín dụng và quản lý tín dụng.

Đặc biệt, các NHTM đã bổ sung nhân lực nâng cao năng lực phân tích, thẩm định tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng. Mặt khác, các mục tiêu về tốc độ tăng trưởng, bố trí cơ cấu tín dụng cũng được các TCTD điều chỉnh theo hướng tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên và các đối tượng khách hàng có mức độ rủi ro thấp...

Nợ xấu sẽ ở mức an toàn vào năm 2015

Điều rất đáng ghi nhận là trong quá trình XLNX vừa qua, các TCTD phải “tự thân vận động”, không có nguồn lực tài chính hỗ trợ từ bên ngoài; đồng thời vẫn bảo đảm cũng ứng vốn cho nền kinh tế với lãi suất giảm nhanh.

Song, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, sức cầu chưa được cải thiện nhiều, tỷ lệ hàng tồn kho lớn, tình hình nợ xấu còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp khi nợ xấu, dù có giảm về tốc độ, nhưng vẫn nằm trong xu hướng tăng trong 8 tháng đầu năm 2013.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của NHNN nhận định, với nguồn dự phòng rủi ro đã trích lập hiện có, việc đưa VAMC vào hoạt động, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp kinh tế vĩ mô như giải quyết hàng tồn kho, khai thông thị trường bất động sản, tái cơ cấu đầu tư... thì nợ xấu của hệ thống ngân hàng có khả năng bắt đầu giảm từ cuối năm 2013 và đạt mức an toàn vào cuối năm 2015.

Để đạt được mục tiêu trên, trong một cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo NHNN, các NHTM và VAMC, NHNN cho biết, cơ quan này tiếp tục thực hiện các giải pháp XLNX từ phía TCTD và đẩy mạnh công tác thanh tra...

Trong đó, NHNN yêu cầu các TCTD phải thường xuyên đánh giá lại, phân loại đúng chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ. Các TCTD phải tiếp tục cơ cấu lại nợ; tìm cách hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để XLNX.

“NHNN đã chỉ đạo các TCTD tăng cường năng lực quản trị rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng, nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với VAMC để triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp XLNX theo quy định của pháp luật” – lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.

Đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, công tác thanh tra, giám sát các TCTD đã được tăng cường, đổi mới về tổ chức và hoạt động nhằm phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế, quy định an toàn hoạt động ngân hàng như: phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, quy chế cho vay, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác; xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo giữa các TCTD...

Theo Quang Cảnh

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên