MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu tiềm ẩn từ tín dụng tiêu dùng

22-03-2015 - 11:52 AM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng tiêu dùng tín chấp đang được các công ty tài chính (CTTC) và ngân hàng (NH) đẩy mạnh là phương tiện hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng. Nhưng nếu chạy đua giành thị phần mà không kiểm soát được rủi ro sẽ dễ dàng dẫn đến nguy cơ "bong bóng tín dụng".

Cuối năm 2013, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Tây Ninh tiếp nhận đơn tố giác về một nhóm lừa đảo chiếm đoạt tiền vay thông qua việc mua trả góp tại các cửa hàng có liên kết.

Biết được sơ hở trong khâu thẩm định, giải quyết thủ tục cho vay chỉ thông qua điện thoại di động, Trần Thiện Chí cùng đồng bọn đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản là khoản tiền vay của CTTC. Chúng cấu kết dùng sổ hộ khẩu, giấy CMND, hóa đơn tiền điện hợp lệ, hướng dẫn cách thức trả lời các thông tin liên quan đến người thân của người mua hàng...

Ngoài việc cử người trong nhóm tìm người đứng tên vay tiền mua hàng trả góp, Chí còn thỏa thuận với nhân viên của CTTC để bỏ qua các bước kiểm tra khi giải quyết thủ tục cho vay và mỗi trường hợp Chí chia cho nhân viên CTTC 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Tổng cộng Chí và đồng bọn đã tham gia 13 vụ, chiếm đoạt trên 157 triệu đồng của ACS, Home Credit và JACCS...

Đáng nói là nhằm đẩy nhanh giành thị phần, nhiều CTTC hiện nay vẫn sẵn sàng chấp nhận các rủi ro tương tự. Với khoản vay nhỏ lẻ, so với các loại hình tín dụng thông thường khác, vốn tín dụng tiêu dùng được CTTC triển khai khá dễ dàng, trở thành khe hở cho các đối tượng bất chính lợi dụng, chiếm đoạt vốn.

Hiện nay, nhiều CTCT chấp nhận cho khách hàng cá nhân dễ dàng được tiếp cận khoản vay tín chấp trong vòng 10 -15 phút, chỉ cần có CMND, hộ khẩu hoặc KT3 photo không cần chứng thực. Prudential Finance tạo ra nhiều cơ hội cho người vay hơn vì chỉ cần CMND, bằng lái xe, hộ khẩu, sao kê lương 3 - 6 tháng.

Khách hàng chỉ cần thu nhập 4 triệu đồng trở lên đã được vay gấp 6 - 10 lần lương. Còn nếu thu nhập từ 15 triệu đồng, hạn mức tín chấp lên tới 400 triệu đồng. Lãi suất dao động theo lương 1,2 - 1,6%/tháng trên dư nợ ban đầu, thời gian vay 12 - 48 tháng...

Một số NH đang trong giai đoạn hoàn thành các thủ tục để thành lập hoặc mua lại CTTC chuyển đổi mô hình sang cho vay tiêu dùng. OCB và một số NH khác như Nam A Bank, Sacombank, Techcombank, VIB, SHB, Maritime Bank… đang hoàn tất thủ tục để mua lại hoặc thành lập CTTC trực thuộc.

Trước xu hướng các CTTC đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng bất chấp rủi ro, nhiều người lo ngại về nguy cơ vay dưới chuẩn và "bong bóng" tín dụng tiêu dùng, cũng như phát sinh nợ xấu. Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam đang tăng trưởng đều đặn mỗi năm.

Vì thế, khi tình hình kinh tế tốt lên, khả năng tỷ lệ tăng trưởng còn gia tăng nên quản lý rủi ro để hạn chế nợ xấu hết sức quan trọng. Do đó, CTTC, NH sẽ phải có những đầu tư đúng đắn, phát triển bền vững tín dụng tiêu dùng, thay vì chấp nhận rủi ro khó kiểm soát vốn.

Lãi suất cho vay được các CTTC áp dụng đối với khoản vay tiêu dùng thường cao hơn NH là do họ cung cấp sản phẩm mà NH không có hoặc NH không thể đáp ứng. FE Credit áp dụng mức lãi suất cho vay tiêu dùng thấp nhất 24%/năm, nhưng cũng có thể lên 40 - 45%/năm tùy từng đối tượng khách hàng.

Tương tự, tại Home Credit áp dụng mức lãi suất cơ bản từ 20% trở lên, và lãi suất này có thể lên tới 50% nếu khoản vay đó có mức độ rủi ro cao. Thực tế cho thấy, việc áp dụng lãi suất cao cũng là công cụ để CTTC cảm thấy chắc chắn về rủi ro đối với từng loại khách hàng và kiếm được lợi nhuận.

Ví dụ, qua số liệu, có thể thấy tỷ lệ nợ xấu của Home Credit Việt Nam trong năm qua dao động ở mức khoảng 4-5%, thấp hơn so với cuối năm 2013. Năm 2014, trong khi không ít NH báo lỗ quý III do nợ xấu và tín dụng âm, thì những NH đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nhỏ lẻ, lợi nhuận tăng vọt, nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Mảng tín dụng tiêu dùng đang mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều CTTC. Như Home Credit đạt trên 700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2013, hay sau một thời gian chuyển đổi thành CTTC trực thuộc, HDFinance đóng góp gần 80 tỷ đồng lợi nhuận cho HDBank...

Việt Nam là thị trường tiềm năng cho dịch vụ NH bán lẻ, bởi dân số trẻ và thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện. Vì thế, để có thể thu lợi nhuận, NH phải đẩy mạnh mảng bán lẻ, mở rộng dịch vụ cho nhóm khách hàng cá nhân.

Lãnh đạo các CTTC cho rằng, có thể với NH khi tỷ lệ nợ xấu tăng 6 - 8% là điều đáng lo ngại, nhưng với CTTC cho vay tiêu dùng khi tỷ lệ vượt ngưỡng này cũng bình thường.

Thế nhưng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, dư nợ tiêu dùng vẫn tăng trưởng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nợ xấu đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân lại có xu hướng tăng trở lại. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đang quá trình thanh tra về hoạt động cho vay tiêu dùng tại CTTC và NH cho vay tiêu dùng.

>>> Lãi như ‘tín dụng đen’: Đua nhau cho vay chặt chém

Theo Linh Chi

PV

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên