Nợ xấu và những con số “giật mình”
Nợ xấu của Agribank là hơn 33.500 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của nhà băng này chỉ 29.605 tỷ.
- 02-10-2013Nợ xấu của Agribank lớn như thế nào?
- 02-10-2013ADB: "Theo chuẩn quốc tế, nợ xấu phải cao gấp 3-4 lần con số công bố"
- 01-10-2013VAMC chính thức bắt tay vào phá băng nợ xấu
- 24-09-2013[Infographic] Tình hình nợ xấu hiện nay ra sao?
Từ đầu tháng 10 này, Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) chính thức bắt tay vào mua nợ xấu. Agribank, ngân hàng có tổng tài sản và vốn điều lệ cao nhất hệ thống đã “mở hàng” cho VAMC với khoản nợ 2.534 tỷ đồng bán với giá 1.723 tỷ đồng, thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt.
Câu chuyện bán nợ của Agribank là một thông tin tích cực với thị trường, giúp làm tăng niềm tin vào quyết tâm phá băng nợ xấu của NHNN. Tuy nhiên, cũng bắt nguồn từ đây, nảy sinh ra một số những lo lắng và hoài nghi về tình hình nợ xấu hiện nay.
Nợ xấu của Agribank nhiều hơn cả vốn điều lệ
Agribank vẫn luôn nhận mình là một ngân hàng thương mại hàng đầu và thực tế điều này cũng hoàn toàn đúng. Cho tới cuối năm 2012, nhà băng này có tổng tài sản lên tới gần 618.000 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động trên 540.000 tỷ, vốn điều lệ 29.605 tỷ đồng, dư nợ tín dụng trên 480.000 tỷ, có hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch cùng đội ngũ cán bộ nhân viên trên 40.000 người. Cập nhật đến tháng 8/2013, huy động vốn của Agribank đã lên gần 573.000 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cuối 2012 và tín dụng tăng 6,7% đạt hơn 512.600 tỷ đồng.
Những con số nói trên bỏ khá xa các ngân hàng top sau như Vietinbank, BIDV, Vietcombank và thực sự khiến cho các ngân hàng phải “ghen tị”.
Không chỉ có thế, vấn đề về chất lượng nợ của Agribank cũng đang “dẫn đầu hệ thống”. Đến cuối tháng 8, nợ xấu của Agribank đã lên tới 33.500 tỷ đồng (làm tròn), chiếm 6,45% trên tổng dư nợ. Xét về số tuyệt đối thì nợ xấu của Agribank chiếm tới 1/4 tổng nợ xấu của toàn hệ thống (nợ xấu của hệ thống hiện khoảng 139.000 tỷ đồng), còn về tỷ lệ nợ xấu thì con số 6,45% cũng cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 4,58% được NHNN vừa mới cập nhật.
Một số chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng cho rằng, nợ xấu ở Agribank cao cũng là lẽ thường vì ngân hàng có dư nợ tín dụng rất cao, trong đó 70% lại cho vay nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, giới quan sát lại cho rằng, nợ xấu cao vượt quá cả vốn điều lệ thì không phải là bình thường mà đây thực sự là vấn đề nghiêm trọng và cần được giải quyết sớm.
Nợ xấu của các ngân hàng thực tế cao hơn rất nhiều
Trong báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm 2/10, ADB công nhận Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp để giải quyết vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, trong đó đáng chú ý là sự ra đời của VAMC.
Tuy nhiên, theo ADB, tỷ lệ nợ xấu thực tế đang rất cao và các nhà phân tích độc lập cho rằng số nợ xấu sẽ tăng gấp 3-4 lần so với con số NHNN tuyên bố, nếu áp dụng các chuẩn mực kế toán và trích lập dự phòng quốc tế. Điều này có nghĩa là, nếu áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, thì nợ xấu của Việt Nam có thể lên tới 400.000 – 500.000 tỷ đồng – một con số khổng lồ.
Không chỉ bây giờ mới có nhận xét về nợ xấu thực tế của Việt Nam, các tổ chức quốc tế khác trong đó có Fitch cũng cho rằng tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam có thể lên tới hai chữ số. Các chuyên gia trong nước cũng từng khuyến cáo nợ xấu thực sự của các ngân hàng cao hơn rất nhiều so với công bố.
Thực tế cho thấy nợ xấu của các ngân hàng cũng cao hơn báo cáo và các báo cáo gửi tới các đối tượng khác nhau thì có kết quả khác nhau. Chẳng hạn như theo báo cáo tài chính bán niên 2013 của các ngân hàng thì nợ xấu hầu hết là dưới 3%, chỉ một số nhà băng “mạnh dạn” đưa ra số liệu nợ xấu cao như PGBank, SHB, SCB... nhưng số liệu do chính các tổ chức tín dụng báo cáo về NHNN thì lại lên tới gần 5%!
Cần số liệu chính xác mới mong giải quyết triệt để
Theo các chuyên gia, việc có nhiều số liệu khác nhau về nợ xấu của ngân hàng đang là một trong những yếu tố chính cản trở quá trình xử lý nợ xấu. Các ngân hàng nên trung thực công bố nợ xấu và NHNN cũng phải yêu cầu các ngân hàng áp dụng các tiêu chí phân loại nợ giống nhau để đưa ra một con số thống nhất về nợ xấu, từ đó mới tìm ra biện pháp hữu hiệu để nhanh chóng phá băng “cục máu đông” của nền kinh tế.
Sự ra đời của VAMC để giải quyết nợ là hoàn toàn đúng đắn song với vốn điều lệ vỏn vẹn 500 tỷ đồng thì mục tiêu xử lý nợ xấu dường như quá mong manh. Hơn nữa, nếu như khoản nợ xấu thực tế giống như các tổ chức quốc tế và các chuyên gia nhận định thì VAMC sẽ khó đạt được mục đích xử lý nửa số nợ xấu của toàn hệ thống.
Bên cạnh sự hỗ trợ của VAMC, các ngân hàng hơn ai hết phải nhìn thẳng vào sự thật và quyết tâm tự “cắt khối u nợ xấu” để sớm làm lành mạnh hóa hệ thống. Với các ngân hàng quá yếu kém để cho nợ xấu vượt cả vốn điều lệ, NHNN cần quyết liệt yêu cầu phải tái cơ cấu.
Nguyễn Hằng