MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu vẫn cản dòng tín dụng

07-07-2014 - 12:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất hiện nay đã giảm khá nhiều so với lịch sử đỉnh cao của những năm 2009-2010, song vốn tín dụng vẫn không ra được nền kinh tế.

Một phần, do cục máu đông nợ xấu cản dòng chảy tín dụng, bên cạnh sức mua và tồn kho chưa được cải thiện.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng kỳ vọng 12-14% năm nay được một chuyên gia trong lĩnh vực NH đánh giá là điều rất khó đạt được. Bởi 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới hơn 3%. Như vậy, để đạt được mục tiêu 12-14% lượng tiền đưa ra 6 tháng cuối năm sẽ rất lớn, đó là chưa nói đến vấn đề bội thực thị trường. Vì thế, tín dụng sẽ khó tránh tình trạng tăng ảo và giật cục như năm trước.

Bởi thực tế cho thấy, tại các doanh nghiệp lớn nguồn tiền vẫn thừa mứa, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ lại chết vì không có vốn hoạt động.

Chính phủ vừa có chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách xem xét để cho vay tín chấp. Tuy nhiên, với hoạt động NH hiện nay không thể cho vay mà không có tài sản đảm bảo. Do đó, các NH không dễ triển khai tín dụng tín chấp một cách ồ ạt mà phải có sự chọn lọc rất gắt gao, nhất là trong tình hình nợ xấu của ngành vẫn đang trong xu hướng tăng lên. Mặc dù một lượng lớn nợ xấu đã được bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).

Theo đó, tính đến cuối tháng 6-2014, VAMC đã mua tổng cộng trên 50.000 tỷ đồng nợ xấu của các NHTM. Thế nhưng để giải quyết triệt để các khoản nợ xấu VAMC đã mua vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có thị trường mua - bán nợ.

Tín dụng không tăng trưởng được do xuất phát từ cả 2 nguyên nhân, rào cản nợ xấu vẫn là cục máu đông và sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều. Vì nợ xấu của các NHTM cũng chính là nợ vay của doanh nghiệp xấu và khi nợ xấu tăng, không chỉ NH mà chính các doanh nghiệp là nạn nhân sẽ đối mặt khó khăn nhiều hơn.

Ông Huỳnh Bửu,
chuyên gia tài chính - NH
  

Từ thực trạng trên, đã có nhiều ý kiến cho rằng hoạt động tín dụng của các NH hiện nay không khác gì tiệm cầm đồ. Nhưng theo vị chuyên gia trên, với vai trò của NH, yếu tố cần và đủ đầu tiên trong hoạt động tín dụng chính là tài sản đảm bảo khi vay.

Bởi nợ xấu vẫn là mối lo lớn của NHTM trong phát triển tín dụng. Vì vậy, ngoài yếu tố sức mua và tồn kho chưa cải thiện, dù lãi suất giảm thấp, tín dụng vẫn không tăng trưởng được và tiền còn tồn đọng trong hệ thống khá lớn. Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu của ngành NH hiện nay cũng chỉ giúp các NHTM được giãn thời gian, kể cả việc bán nợ xấu cho VAMC.

Vì thế, khi nợ xấu tăng đã khiến các NHTM chùn tay trong cho vay, dù vốn huy động dôi dư. Nhưng nếu huy động về mà không cho vay ra chắc chắn NH sẽ chết. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, hiện nay cạnh tranh giành thị phần cho vay khá gay gắt nên lãi suất khó có thể duy trì ở mức cao.

Thực tế thời gian qua cho thấy chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đã dần thu hẹp, hoạt động tín dụng của NH không còn thuận lợi như trước, nên biên lợi nhuận trong cho vay dần thu hẹp, khoảng 1-2%/năm, thậm chí một số NHTM còn cho vay dưới giá vốn.

Chính điều này đã tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp lớn, có nguồn tiền dư thừa hiện nay đem gửi vào NH. Bởi họ nhận thấy rằng vay vốn hiện nay ở nhiều NH rất cạnh tranh và chỉ cho vay lãi suất 5,5-7%/năm đối với những doanh nghiệp tốt. Do đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã vay vốn NH để sản xuất, kinh doanh, trong khi đem nguồn tiền thừa của mình gửi vào các NH quy mô nhỏ hơn để hưởng lãi suất 7-8%/năm, thay vì sử dụng nguồn vốn này để sản xuất, kinh doanh.

“Nhìn vào thực tế cân đối sổ sách của không ít doanh nghiệp vẫn lớn cho thấy nguồn tiền gửi và nguồn tiền vay luôn ngang ngửa nhau. Điều đó cũng được chứng minh qua tăng trưởng huy động vốn của ngành NH hiện nay vẫn ở mức khá cao (5 tháng đầu năm 2014 vốn huy động tăng trên 4%) dù doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp vừa sản xuất có lời vừa thu được từ lãi suất cao” - một lãnh đạo lĩnh vực tiền tệ nói.

Tuy nhiên, điều đó cũng không thể đánh giá các doanh nghiệp này đang lạm dụng mà chính cơ chế thị trường đã tạo ra cơ hội để họ kiếm lợi nhuận. Không ít doanh nghiệp cho rằng trước tình hình hiện nay, tranh thủ đi du lịch hơn là mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vì đem tiền nhàn rỗi gửi NH lãi suất cao hơn so với đầu tư, sản xuất, kinh doanh. 

Theo Bảo Lâm

thanhhuong

Sài gòn Đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên