MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xây dựng cơ bản và sở hữu chéo cản bước xử lý nợ xấu

10-10-2013 - 08:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Các NHTM xử lý những khoản nợ xấu nhỏ, VAMC xử lý xấu lớn nhưng nếu Chính phủ làm ngơ việc xử lý nợ xấu từ xây dựng cơ bản sẽ làm toàn bộ chương trình xử lý nợ xấu gặp khó khăn.

Theo ông Bùi Huy Thọ - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - NHNN), tốc độ tăng nợ xấu trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm đáng kể, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 59,2%).

Trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013 các tổ chức tín dụng đã chủ động xử lý được 95,1 nghìn tỷ đồng bằng dự phòng rủi ro, trong đó năm 2012 là 69,2 nghìn tỷ đồng và 8 tháng đầu năm 2013 là 25,9 nghìn tỷ đồng.

Và Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã ra đời với hợp đồng mua bán nợ xấu đầu tiên được ký với Ngân hàng Agribank trị giá 1.723 tỷ đồng. Dự kiến trong quý IV năm nay, công ty này sẽ mua thêm 30 – 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu đủ điều kiện.

Đánh giá cao những động thái tự xử lý nợ xấu của các NHTM cũng như công ty VAMC nhưng chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cũng nhấn mạnh đến việc song song với đó Việt Nam cần phải bắt tay vào giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản của ngân sách nhà nước.

“Hiện có nhiều con số thống kê về số nợ này có người nói là khoảng 91.000 tỷ đồng, có người nói là 150.000 tỷ đồng và khó có thể phân biệt được đâu là nợ của ngân sách Trung ương, đâu là nợ của địa phương. Tuy nhiên, cần phải lọc số nợ này ra khỏi các ngân hàng” – Ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng, nếu các NHTM nỗ lực xử lý những khoản nợ xấu nhỏ, VAMC nỗ lực xử lý nợ xấu lớn nhưng Chính phủ làm ngơ việc xử lý nợ xấu từ xây dựng cơ bản sẽ làm toàn bộ chương trình xử lý nợ xấu của chúng ta gặp khó khăn.

Rào cản sở hữu chéo

Ở một góc độ khác, ông Nghĩa chỉ ra rằng sở hữu chéo sẽ tiếp tục là rào cản đối với quá trình giải quyết nợ xấu cũng như tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Bởi lẽ, phần lớn nợ xấu của các ngân hàng là nợ xấu của chính các ông chủ của ngân hàng. Họ là người có đủ quyền lực biến số nợ xấu đó thành nợ xấu trung dài hạn nhưng chúng sẽ là nợ xấu trong tương lai.

“Nếu nền kinh tế phục hồi chậm, nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi thì số nợ đó sẽ là thách thức lớn. Do đó, cần hết sức quan tâm tới những khoản tín dụng hiện hành chưa phải nợ xấu, nằm trong các tập đoàn tư nhân lớn” – Ông Nghĩa chỉ ra.

Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng cho rằng, dù quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước là rất lớn, song thực tế triển khai tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không dễ bởi nhiều nguyên nhân, như thiếu thông tin, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, phối hợp chính sách yếu, nguồn lực hạn chế.

Chính vì thế, nhiều chuyên gia tài chính khác cũng nhìn nhận: Thời gian tới hệ thống ngân hàng vừa xử lý nợ xấu vừa đưa vào thực hiện Thông tư 02 để đảm bảo ko phát sinh nợ xấu mới sẽ là một thách thức lớn. Vì nhiều ngân hàng, chính chủ ngân hàng là con nợ của ngân hàng thì đương nhiên họ sẽ phản đối.

“Phải giải quyết được vấn đề sở hữu chéo thì việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mới thành công và bền lâu” – Một chuyên gia tài chính nhận định.

Nói về hướng giải quyết, theo ông Nghĩa, hiện cở sở pháp lý xử lý sở hữu chéo còn thiếu. Nếu hình sự hóa sẽ sợ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống ngân hàng.

“Có một cách giải quyết khác đó là phải dứt khoát đưa họ (những ông chủ ngân hàng có sở hữu chéo) ra khỏi hệ thống ngân hàng, tài chính để họ quay trở về với tập đoàn của họ. Sắp tới đây, có thể một số các ngân hàng sẽ được xử lý theo hướng này để tránh tổn thất dài hạn cũng như cú sốc ngắn hạn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.” – Ông Nghĩa nói.

Khánh Linh

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên