MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới phải đi kèm kiểm soát

23-10-2013 - 15:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Đa số ý kiến của Đại biểu Quốc hội tỏ ra tán đồng việc phát hành thêm trái phiếu Chính phủ.

Nâng bội chi ngân sách Nhà nước năm 2014 lên 5,3% GDP và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ mà không làm vượt trần nợ công cho phép (65% GDP) là một trong những giải pháp phục hồi tăng trưởng, được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiến nghị Quốc hội thông qua. 

Nhiều ý kiến cũng tán thành rằng, trong điều kiện kinh tế hiện nay, tăng đầu tư công, phát hành thêm trái phiếu dường như là lối thoát duy nhất. Nhưng ngay cả những ý kiến ủng hộ cũng kèm theo lưu ý “sử dụng hiệu quả, giám sát chặt chẽ” nguồn vốn này.

Nhìn lại kế hoạch phát hành trái phiếu cho giai đoạn 2011 - 2015 mà Quốc hội đã phê duyệt, con số chỉ dừng ở 225.000 tỷ đồng. Nhưng theo nhu cầu vốn đầu tư thực tế, lượng trái phiếu phát hành cho đến hết năm 2013 này vào khoảng 150.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu vẫn giữ như kế hoạch 5 năm đã được Quốc hội thông qua, trong vòng 2 năm tới Chính phủ chỉ được phát hành thêm 75.000 tỷ đồng trái phiếu nữa. Con số này được cho rằng thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu vốn hiện nay.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát và đề nghị trong các năm từ 2014 - 2016 cần phát hành 220.000 tỷ đồng cho các dự án mới. Riêng số vốn cần phát hành thêm để hoàn thành chính các dự án đã đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ trong danh mục được Quốc hội phê duyệt đã là 190.000 tỷ đồng.

Như vậy, số trái phiếu đề nghị phát hành thêm là rất lớn, vượt kế hoạch 5 năm đã được thông qua trước đây. Đi kèm với đó là khả năng phát hành, vấn đề trả nợ và sự an toàn của nợ công. Về vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, nếu tính toán theo trần nợ công 65% GDP thì trong các năm 2014 - 2016 còn một khoảng để phát hành 360.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Trừ đi 75.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua trong giai đoạn 2012 - 2015, dự kiến số trái phiếu Chính phủ còn được phát hành thêm là 285.000 tỷ đồng.

Nhưng cũng theo ông Vinh, con số này chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ của các bộ, ngành và địa phương. Để giải quyết các công trình đầu tư dang dở hiện nay, cũng như giảm thiểu việc giải ngân vốn ODA trì trệ do thiếu vốn đối ứng… nhiều Đại biểu đồng tình với Chính phủ phát hành thêm trái phiếu. Nhất là đề nghị phát hành tổng cộng khoảng 500 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2011 đến 2016 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát nhu cầu hơn 442,23 ngàn tỷ đồng).

TS. Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phân tích, nếu phát hành thêm trái phiếu, trong vòng 3 năm tới Chính phủ sẽ có nguồn vốn để hoàn thành các dự án quốc lộ 1A và quốc lộ 14. Đây là các dự án cấp bách để lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân, giảm thiểu tai nạn giao thông... Ngoài ra còn một số dự án bệnh viện đang đầu tư mà thiếu vốn cũng sẽ được cấp vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng. Một số Đại biểu Quốc hội cũng đồng tình rằng, trong lúc này kinh tế đang còn khó khăn thì cần tăng mức bội chi và trái phiếu Chính phủ để tạo vốn “sạch” khắc phục khó khăn, khơi đà phát triển cho những năm sau.

Ở điểm này, TS. Vũ Viết Ngoạn, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết thêm, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép phát hành thêm trái phiếu đầu tư cho các công trình dự án và cũng là để thực hiện 3 khâu đột phá, trong đó có hạ tầng cơ sở và tập trung cho một số dự án, công trình thiết yếu, quan trọng quốc gia, đồng thời góp phần tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Đồng thuận với quan điểm phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, ông Trần Văn cho rằng, vấn đề chính là vẫn không vượt trần nợ công. “Chính phủ cũng tính đến khả năng phát hành và bố trí trả nợ. Theo tôi, việc phát hành trái phiếu lần này không có vấn đề gì nếu nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, đảm bảo tinh thần chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ”, ông nói.

Nhưng Đại biểu Trần Du Lịch còn tỏ ra băn khoăn: “Nhu cầu chi rất lớn, nếu cứ theo rà soát của các bộ, ngành thì không biết bao nhiêu cho đủ. Vấn đề được quan tâm nhất là khối lượng phát hành và kiểm soát chất lượng sử dụng nguồn vốn như thế nào cho hiệu quả”.

Ông Ngoạn cũng lưu ý, về dài hạn phải tính toán một cách tổng thể cả nợ quốc gia, nợ công. Ông cho biết đã từng đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ xây dựng một kế hoạch ngân sách trung, dài hạn ít nhất là 5 năm; tính cân đối thu chi từng năm cho từng hạng mục lớn như thu nội địa, thu xuất nhập khẩu, thu đất đai… Về phía chi cũng vậy, phải xem xét các khoản chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên… “Có như vậy chúng ta mới tính toán được dòng tiền và cảnh báo được kế hoạch”, ông Ngoạn khuyến nghị.

Cùng đồng ý với kế hoạch phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, một số ý kiến cũng đề nghị tăng phần trách nhiệm đối với việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các bộ, ngành, địa phương và các chủ dự án; đồng thời đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ hơn của Quốc hội. Một số Đại biểu lưu ý đến việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ phải tập trung, đặc biệt là cho các dự án đầu tư công, để hoàn thành các công trình quan trọng, có sức lan tỏa cao; nhưng cũng phải quan tâm đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, các khu kinh tế trọng điểm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng để DN sớm đi vào hoạt động hoặc tạo điều kiện cho họ mở rộng sản xuất…

Theo Nhóm PV thời sự

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên