MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Cao Sỹ Kiêm: Nhà lãnh đạo kinh tế phải quyết đoán và phán đoán chính xác

20-02-2015 - 08:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Cạm bẫy thì ở đâu cũng có, cái quan trọng là con người. Nếu như cho rằng có những rủi ro từ chính sách thì chúng ta phải chấp nhận. Hãy coi như đó là những khó khăn, thử thách mà chúng ta phải vượt qua trong quá trình trưởng thành, đi lên.

Nội dung nổi bật:

- Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, quản trị là sự kết hợp của quá trình kiểm tra, quản lý, cách lắng nghe cấp dưới, cách nắm bắt thông tin, cách theo sát các hoạt động.

- Cạm bẫy thì ở đâu cũng có. Nhưng riêng với hoạt động ngân hàng do dính sát với tiền nên nó xảy ra nhiều hơn, thường xuyên hơn và có khả năng dụ dỗ con người lớn hơn.

- Người lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế, ngoài hiểu biết cần phải có tư tưởng quyết đoán, phán đoán chính xác.

- Hoạt động ngân hàng phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế khởi sắc thì ngân hàng mới khởi sắc, nền kinh tế suy sụp thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn.


Quản trị là yếu tố sống còn quyết định thành bại của mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm sao để có một chiến lược quản trị tốt, làm sao để xây dựng một tổ chức mạnh trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội đầy biến động và phức tạp như hiện nay luôn là một câu hỏi khó.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Cao Sĩ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Phó trưởng ban kinh tế trung ương; Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ và hiện nay là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á.

Thưa ông, với vai trò từng là người đứng đầu ngành ngân hàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Đại biểu quốc hội và hiện nay lại là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á, ông đánh giá như nào về công tác quản trị? Ông sắp xếp công việc như thế nào để có thể hài hòa giữa nhiều vai trò như vậy?

Quản trị là sự kết hợp của quá trình kiểm tra, quản lý, cách lắng nghe cấp dưới, cách nắm bắt thông tin, cách theo sát các hoạt động. Mình không trực tiếp làm nhưng vẫn có thể thông qua con người, thông qua Đảng và đoàn thể, thông qua cách sinh hoạt … để nắm diễn biến cụ thể và xử lý uốn nắn kịp thời.

Làm quản lý thì những công việc sự vụ không nhiều nên tôi có thể dành thời gian hợp lý cho việc điều hành vĩ mô. Đối với công việc ở ngân hàng thì tôi làm được khoảng 3 ngày/tuần; ở hiệp hội làm 1 ngày/tuần; còn các ngày khác đi họp hành, hội thảo, họp Chính phủ. Trong thời điểm họp Quốc hội thì một tuần tôi lên ngân hàng 1 lần.

Có một thực tế khá thú vị là hầu hết các nhà lãnh đạo đều về làm trong lĩnh vực tài chính? Liệu đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên không, thưa ông?

Khi đã có kiến thức, kinh nghiệm về những cái chung, cái vĩ mô, các nhà quản lý thường muốn kiểm nghiệm lại thực tiễn cụ thể để bổ sung kiến thức, kinh nghiệm còn khiếm khuyết. Bên cạnh đó, cũng nhằm phát huy kiến thức vĩ mô ở khía cạnh thực tế.

Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm và nhiều cạm bẫy; cái giá phả trả khá cao và rủi ro? Ông nhận định về vấn đề này như thế nào? Và liệu rủi ro có phải xuất phát từ chính sách không?

Cạm bẫy thì ở đâu cũng có. Nhưng riêng với hoạt động ngân hàng do dính sát với tiền nên nó xảy ra nhiều hơn, thường xuyên hơn và có khả năng dụ dỗ con người lớn hơn.

Ở đây, cái quan trọng là con người. Nếu cán bộ có nhận thức đúng, có kinh nghiệm, có ý chí chấp hành tốt thì sẽ không sao cả. Trong một số trường hợp, nếu vấp váp không quá nghiêm trọng, không cơ bản, không vi phạm bản chất, đạo đức… thì có thể khắc phục được.

Nếu như cho rằng có những rủi ro từ chính sách thì chúng ta phải chấp nhận. Hãy coi như đó là những khó khăn, thử thách mà chúng ta phải vượt qua trong quá trình trưởng thành, đi lên. Xã hội có phân công rõ ràng, ai có khả năng làm gì thì sẽ đạt thành công trên lĩnh vực đó. Ngân hàng là nơi nhiều cạm bẫy nhưng nó cũng là nơi làm cho con người phát triển tốt và mang lại thu nhập cao.

Hoạt động quản trị liên quan nhiều đến công tác quản lý, chứ không phụ trách điều hành trực tiếp. Vậy công tác quản trị và điều hành trong lĩnh vực ngân hàng có khoảng cách không, thưa ông?

Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, một bên là chủ trương và một bên là hành động. Những người ra chủ trương là những người đã tham gia hoạt động, đã có kinh nghiệm thực tế. Do vậy, các nhà quản trị thường nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách rất nhanh chóng.

Người lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế, ngoài hiểu biết cần phải có tư tưởng quyết đoán, phán đoán chính xác. Trong những thời khắc quan trọng, nếu quyết đoán đúng thì có thể thu được hàng tỷ đồng, quyết đoán sai cũng có thể mất hàng tỷ đồng. Và nếu làm mất hàng tỷ đồng của nhà nước thì anh phải chấp nhận đi tù thôi.

Theo ông, làm việc ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có gì khác so với các lĩnh vực còn lại?

Mỗi người có một lĩnh vực chuyên môn và khi đã kinh doanh tức là có đam mê. Lĩnh vực nào cũng đòi hỏi hiểu biết về chuyên môn, kinh nghiệm thực tế và đam mê gắn bó với nó. Riêng lĩnh vực ngân hàng, do tính chất đặc thì nên có nhiều rủi ro cũng như nhiều cạm bẫy hơn các lĩnh vực khác một chút.

Nếu có một quỹ đầu tư mời ông về quản lý, liệu ông có về không?

Chắc chắn là không. Tôi làm những gì mà mình đam mê và có kinh nghiệm. Cái gì không nắm được thì tôi sẽ không làm.

Đông Á là 1 ngân hàng lớn nhưng từ năm 2010 đến nay, doanh thu, lợi nhuận có phần giảm đi. Từ năm 2014 ông lên nắm quyền quản trị Ngân hàng Đông Á, ông có chiến lược gì cho sự phát triển của Ngân hàng?

Hoạt động ngân hàng phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế khởi sắc thì ngân hàng mới khởi sắc, nền kinh tế suy sụp thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn. Cách xử lý của tôi là theo phương pháp, chứ thay đổi đột ngột thì chưa thể thực hiện được. Với môi trường này, cơ chế này thì không thể lấy gậy chống trời được, mà phải tuân theo xu thế chung.

Nhìn thấy những điểm tồn tại từ những kinh nghiệm đã có, cái nhìn của nhà lãnh đạo phải bài bản hơn và phát huy được kinh nghiệm thực tiễn kịp thời hơn. Đó là mấu chốt của chiến lược quản trị.

Từng là người đứng đầu ngành ngân hàng, giữa nhiệm kỳ mà ông công tác với bối cảnh của ngành ngân hàng bây giờ có phức tạp hơn nhiều không? Và theo ông, đâu là nút thắt để giải quyết “mớ bòng bong” của ngành ngân hàng hiện nay?

Bối cảnh ngành ngân hàng hiện nay phức tạp hơn nhiều. Trước đây, mọi thứ đơn giản hơn, và không bị nhiều bị áp lực. Do vậy, công việc lãnh đạo, chỉ đạo thoáng hơn; trong khi bây giờ ngành nào cũng có nhiều cạm bẫy và mức độ rủi ro cao hơn.

Để giải quyết mớ bòng bong ngân hàng trong bối cảnh hiện nay không phải là việc đơn giản. Chúng ta phải tạo 1 nguồn cán bộ có đạo đức, kỹ năng bởi con người là yếu tố quyết định; sau đó mới đến công nghệ, luật phát... Nếu có đội ngũ cán bộ tốt, tôi tin rằng ngành ngân hàng sẽ phát triển bền vững.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

>>>Quản trị giai đoạn chuyển đổi của Doanh nghiệp

Thảo Anh (thực hiện)

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên