Ông Lê Xuân Nghĩa: NH nào có tỷ lệ nợ xấu quá 5% thì phải tái cấu trúc
Nếu đặt ra tiêu chí chất lượng tài sản thì có rất nhiều ngân hàng có chất lượng tài sản ở mức cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc.
Xoay quanh câu chuyện tái cấu trúc, sáp nhập các NHTM được nhắc nhiều trong thời gian trở lại đây Ts. Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, có 4 lý do chính để Việt Nam phải tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.
Thứ nhất, không phải vì quy mô ngân hàng quá nhỏ mà là do chất lượng tài sản của các hệ thống ngân hàng yếu, đặc biệt là năng lực quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp kém.
Nếu đặt ra tiêu chí chất lượng tài sản thì có rất nhiều ngân hàng có chất lượng tài sản ở mức cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc. Nhiều ngân hàng gọi là nhỏ nhưng so với những ngân hàng nhỏ của Mỹ thì vẫn là hạng trung bình. Ví dụ ở Mỹ, ngân hàng nhỏ của nó có vốn tự có chỉ từ 10 – 15 triệu USD, ở Việt Nam thì vốn tự có của những ngân hàng nhỏ này cũng xấp xỉ 100 triệu USD, nên không thể nào gọi nó là nhỏ được.
Thứ hai, nhiều ngân hàng vấn đề quản trị doanh nghiệp rất yếu và có 1 xu thế, cổ đông lớn không quan tâm tới lợi ích cộng đồng và những cổ đông nhỏ, chỉ quan tâm tới lợi ích của chính mình, cho nên họ biến tướng rất nhiều để cho vay những lĩnh vực rất nguy hiểm đối với ngân hàng hoặc cho vay chéo chính những công ty con của mình. Mặc dù NHNN có quy định rất chặt chẽ trong việc cho vay với doanh nghiệp là cổ đông nhưng họ lại lách bằng cách nào đó để không có tên trong danh sách cổ đông ở những ngân hàng đấy, mượn người khác đứng tên. Làm cho rủi ro của những ngân hàng này cả về ngắn hạn lẫn dài hạn là rất lớn.
Thứ ba, ngay cả vấn đề trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng Việt Nam không đủ để bù đắp rủi ro nói chung và rủi ro riêng cho từng dự án của một ngân hàng. Điều đó làm cho lợi nhuận của các ngân hàng này là không đúng, hạch toán chưa chính xác. Nếu họ trích lập dự phòng đầy đủ thì lợi nhuận sẽ thấp hơn nhiều.
Thứ tư, ngân hàng loại nhỏ thường mới tăng vốn và tăng vốn theo quy định, vì vậy nhu cầu mở rộng mạng lưới, tổng tài sản tương ứng. rủi ro lớn của những ngân hàng này là cho dù trụ sở chính đặt ở đâu thì cũng tập trung ở những đô thị lớn để mở chi nhánh, phòng giao dịch. Điều này làm cho mức độ cạnh tranh rất khốc liệt và không lành mạnh.
Vậy nếu hiểu tái cấu trúc đồng nghĩa với việc sáp nhập hay giải thể bớt ngân hàng, có đúng không, thưa ông?
Sau khi tiến hành tất cả các cấu phần của tài cấu trúc thì một số ngân hàng thương mại sẽ tự thấy rằng mình không đủ khả năng tồn tại lâu dài hoặc là Chính phủ và NHNN thấy rằng một số NH không đủ khả năng đảm bảo cho hệ thống ngân hàng an toàn thì họ phải tính đến chuyện sáp nhập, giải thể, thậm chí là cho phá sản.
Việc giảm bớt số lượng ngân hàng là kết cục của bất kỳ một cuộc tái cấu trúc nào chứ không phải là cuộc tái cấu trúc này chỉ để loại bỏ bớt số lượng các ngân hàng nhỏ. Đấy là điều phi lý.
Tuy nhiên, khi thông tin về cần phải sáp nhập và giải thể thì nhiều cặp mắt đang dồn vào những NHTM nhỏ. Ông có cho rằng những NH này sẽ là những đối tượng đầu tiên được “nhắm” đến không?
“Người nhỏ vác được 50kg, người lớn vác được 100kg. Người to mà bệnh tật thì không vác được 100kg mà có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào. Người nhỏ mà không bệnh tật thì có thể không việc gì. Ngân hàng cũng vậy. Vì vậy, tốt nhất là Việt Nam có được những ngân hàng lớn, khỏe mạnh; tốt thứ nhì là những ngân hàng nhỏ cũng khỏe mạnh” - T.S Lê Xuân Nghĩa nói |
Tôi cho rằng, tái cấu trúc thì không hẳn là nhắm vào các NHTM nhỏ mà nên tập trung vào những ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu vượt quá 5% thì phải thuộc diện phải tập trung tái cấu trúc lại tài chính và các định chế quản lý tài chính như quản trị rủi ro.
Những ngân hàng nhỏ mà khỏe thì sao lại phải bỏ bởi bản thân các ngân hàng này có những phân khúc khách hàng của họ. Còn nếu những ngân hàng này yếu thì buộc phải giải thế, buộc phải phá sản là đương nhiên.
“Phá sản” là một từ rất nhạy cảm đối với lĩnh vực này, đặc biệt nó sẽ tác động mạnh đến tâm lý người gửi tiền. Ông có cho rằng việc cho một NH phá sản hay sáp nhập sẽ là dễ dàng vào thời điểm này không?
Đúng thế, thông tin về ngân hàng bị mất thanh khoản hay phá sản sẽ tác động mạnh và tác động dây chuyền đến tâm lý người gửi tiền. Hơn nữa, vấn đề sáp nhập, giải thể, phá sản, mua đi bán lại thì khung pháp lý của việt Nam hiện nay cũng chưa thật rõ ràng. Chúng ta mới có kinh nghiệm là dùng ngân hàng lớn thôn tính ngân hàng nhỏ vì đã làm trong đợt tái cấu trúc lần trước. Đợt tái cấu trúc lần trước thì số lượng ngân hàng bị xóa tên khỏi danh sách NHTM khoảng 14 – 16 ngân hàng.
Vậy theo ông, nếu thực hiện tái cấu trúc lần này những vấn đề gì sẽ được đặt ra?
Chúng tôi có kiến nghị, tái cấu trúc phải chiểu theo Luật của NHNN, Luật các tổ chức tín dụng để thực hiện. Chúng ta phải xác định lại toàn bộ tỉ lệ chiếm hữu cổ phần của một cổ đông trong ngân hàng, luật mới quy định 5% và các ngân hàng phải đưa về đúng tỷ lệ đó.
Nguồn tiền góp vốn vào ngân hàng cũng phải truy đến cùng để xem nguồn tiền có sạch không và có phải vốn thật sự của doanh nghiệp đó không hay vốn ảo, núp dưới hình thức phát hành trái phiếu cho các công ty con của mình, hay đá chéo vốn cho nhau…
Ngoài ra, vấn đề về khái niệm quản trị doanh nghiệp theo chuẩn OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) cũng được đặt ra: tỷ lệ vốn góp của một cổ đông cá nhân là bao nhiêu, cổ đông doanh nghiệp tối đa la bao nhiêu, thành viên HĐQT có những tiêu chuẩn gì, mối quan hệ giữa thành viên HĐQT và ban điều hành phải đựoc quy định rất rõ ràng, các báo cáo tài chính, báo cáo mà thành viên HĐQT cần phải có là gì, bộ phận giám sát của các ngân hàng cần phải vừa giám thành viên HĐQT vừa giám sát ban điều hành và họ là bộ phận đại diện cho toàn bộ cổ đông của ngân hàng…
Tất cả các vấn đề này cần phải đưa về chuẩn để lần tái cấu trúc này đạt được hiệu quả cao, nếu không cứ được một thời gian lại tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thì lấy đâu ra ngân sách.
Xin cảm ơn ông!