Ông Trần Đình Thiên: “Xử lý cục máu đông bằng tiền tươi thóc thật”
Mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% cho thấy quyết tâm của Ngân hàng nhà nước trong việc xử lý “cục máu đông” của nền kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết.
- 16-02-2015Không có ngân sách và cũng không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu
- 10-02-2015"Tiến trình xử lý nợ xấu sẽ còn kéo dài và diễn ra phức tạp"
- 06-02-2015Giải quyết nợ xấu: Quyết định đang nằm trong tay của Bộ Tài chính?
-
Doanh nghiệp của ta yếu, mà mặt bằng lãi suất cao như thế thì làm cho doanh nghiệp Việt Nam khó lớn được
Đã có dịch chuyển quan trọng
Một năm nhìn lại quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nói riêng, ông nhận xét như thế nào về quá trình này?
Năm 2014 quá trình tái cơ cấu diễn ra vẫn chậm bởi vì trước đó đã có 2-3 năm khởi động nhưng vẫn chưa giải quyết được nhiều vấn đề trong khi nền kinh tế càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, so với 2 năm trước, năm 2014 quá trình tái cơ cấu có những dịch chuyển quan trọng bắt đầu từ tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ, Thủ tướng đã chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa, tức là dồn vào một điểm, không tái cơ cấu nói chung.
Chọn cổ phần hóa để cho khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm bớt, thu hẹp phạm vi để khu vực doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn, đúng với chức năng của thị trường hơn là cách đặt vấn đề làm cho môi trường cạnh tranh tốt hơn.
Đồng thời, khi giảm phạm vi của doanh nghiệp nhà nước có điều kiện để nguồn vốn quốc gia được thay đổi chủ sở hữu, nhờ đó có thể thay đổi được hệ thống quản lý sử dụng làm việc quản lý sử dụng tốt hơn.
Như vậy, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cách làm đã khác đi, làm trọng tâm phân bổ lại nguồn lực, để khu vực tư nhân can dự nhiều hơn, về mặt vi mô thay đổi hệ thống quản trị, cách đặt vấn đề giúp cách nhìn về tái cơ cấu mang tính thị trường hơn.
Trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cách làm cũng thay đổi, đơn giản hơn và làm cách tiếp cận mới nên kết quả tốt.
Cụ thể là việc giao trách nhiệm cho những người lãnh đạo không cổ phần hóa theo đúng cam kết sẽ không được giữ chức vụ tức là gắn với cam kết cá nhân. Nhờ áp lực này cổ phần hóa diễn ra tích cực hơn, không bị ràng buộc bởi những quan hệ lợi ích, thái độ thờ ơ.
Hoặc tái cơ cấu đầu tư công đã có những thay đổi trên Nghị định, Quy định là tiền đề cho sự thay đổi trên thực tế. Theo đó, thay đổi quy định đầu tư công phải tính đến trung hạn để phân bổ vốn không theo cơ chế xin cho từng năm, gắn với cam kết thị trường, tính thị trường mạnh, tầm nhìn trung hạn.
Ngoài ra, các Luật liên quan cũng thay đổi như Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Đầu tư công thay đổi, góp phần hỗ trợ mặt phát lý, nền tảng cơ chế cho quá trình đầu tư công tốt hơn.
Hệ thống ngân hàng khá chắc chắn tuy còn nhiều vấn đề như nợ xấu, sở hữu chéo chưa xử lý được nhưng những thay đổi, bước tiến của ngân hàng đã củng cố hệ thống, tạo điều kiện giảm lãi suất theo nhịp giảm của lạm phát.
Năm vừa qua, việc điều hành tiền tệ, bơm hút tiền tương đối kiểm soát được nên không gây ra cú sốc. Ngân hàng Nhà nước đã chủ động và tôi cho rằng đây là thành công lớn giúp đồng tiền Việt Nam không đắt lên và kiểm soát, giữ ổn định được tỷ giá.
Tất nhiên chúng ta cũng mong muốn điều chỉnh tỷ giá thúc đẩy sản xuất trong nước, xuất khẩu nhưng có lẽ trong điều kiện luồng ngoại tệ đổ vào nhiều mà làm được như vậy là thành công.
Ngân hàng Nhà nước trong cách tiếp cận tái cơ cấu khá đáng tin cậy khi đặt vấn đề sáp nhập ngân hàng nhỏ và lớn, ngân hàng mạnh và yếu giúp xử lý được những ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ.
Nói tóm lại, cách nhìn tái cơ cấu nền kinh tế trên 3 trục chính kết quả thực tiễn chưa thay đổi hoàn toàn nhưng những động thái, phương pháp có những thay đổi đúng hướng là điều kiện cơ bản để tới đây chúng ta sẽ làm được hiệu quả hơn.
Một điểm nữa phải nói đến, ngoài 3 trục kể trên, năm 2014 cũng mở ra cách nhìn đúng đắn hơn về tái cơ cấu là phải chuyển động thực sự trong khu vực nhà nước.
Trong khi trọng tâm của Chính phủ là doanh nghiệp nội địa tốt lên nhưng thực tế đóng góp của doanh nghiệp nước ngoài ngày một tăng lên, doanh nghiệp trong nước ngày càng yếu đi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Cấu trúc tương quan giữa khu vực nội địa và đầu tư nước ngoài bị lệch, khu vực đầu tư nước ngoài tăng trưởng tốt, làm cán cân đóng góp GDP, xuất nhập khẩu thay đổi mạnh theo hướng tỷ phần FDI tăng lên.
Trong điều kiện nền kinh tế phát huy nội lực nhưng doanh nghiệp nội địa vẫn cứ yếu đi về lâu dài sẽ rất có vấn đề, thậm chí nghiêm trọng.
Việc tháo gỡ 3 cấu trúc vừa kể trên cũng có hướng tạo ra môi trường cạnh tranh tốt để khu vực tư nhân nội địa có điều kiện vươn lên nhưng quan trọng Nhà nước, Chính phủ trong năm 2014 thay đổi quản trị để giúp cho doanh nghiệp rõ ràng hơn thay vì chỉ hô hào “quyết tâm”.
Ngoài tháo gỡ môi trường pháp lý về luật lệ, đặc biệt Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư những cải cách hành chính và tới đây cải cách bộ máy nhà nước phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.
Năm 2014 đã có cải cách lớn Điển hình nhất là việc giảm giờ thủ tục thuế cho doanh nghiệp Việt Nam. Từ 2013 trở về 4 năm trước, số giờ làm thủ tục thuế giảm 70 tiếng đồng hồ nhưng nửa cuối 2014 đã giảm gần 300 giờ và điều này thể hiện cách tiếp cận vấn đề của Chính phủ hiệu quả hơn nhiều, gắn với trách nhiệm cá nhân, tư duy mỗi cơ quan chức năng làm nhiệm vụ phục vụ doanh nghiệp theo chức năng nếu không sẽ bị trừng phạt.
Thêm quyền cho VAMC
Về vấn đề nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cho biết mục tiêu năm 2015 sẽ giảm nợ xấu về dưới 3%, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?
Tôi cho rằng về mặt quyết tâm phải đưa nợ xấu về mức thấp vì nếu nợ xấu còn nhiều sẽ rất rủi ro. Rủi ro đổ bể ngân hàng, tiếp cận vốn khó do lãi suất cao và nhiều doanh nghiệp vướng vào nợ xấu sẽ không vay được.
Việc giảm nợ xấu về dưới 3% cũng là con số thách thức vì nhiều khi nếu giải quyết nợ xấu theo thao tác cơ cấu lại nợ, không phải cơ bản. Giải quyết nợ xấu phải giải quyết thật, làm thật, không nặng về biện pháp cơ cấu lại, phải thay đổi vai trò, tăng vị thế của VAMC lên là tiền tươi thóc thật mới có quyền mua bán nợ thật. Phân loại nợ theo nguyên tắc thị trường, nợ xấu mới giải quyết được.
Quyết tâm cho thấy đặt vấn đề của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã coi đây là vấn đề xử lý mạnh để giúp “cục máu đông”, rủi ro lớn của nền kinh tế được giải quyết.
Chủ tịch VAMC cho biết VAMC gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ, nhiều trường hợp đã đạt được thỏa thuận nhưng khi bàn giao các doanh nghiệp tìm cách trì hoãn, phải chăng cần tạo áp lực đối với doanh nghiệp?
Ta cam kết không đủ rõ ràng và những trường hợp này phải là những trường hợp cụ thể, nguyên nhân đằng sau đó là gì.
Nhưng nguyên tắc chung cần chế tài cưỡng bức nặng do phải quan tâm đến lợi ích chung của nền kinh tế. Nợ xấu không thể tồn đọng mãi không được, phải đặt lợi ích chung lên trên, sau đó tính đến những vấn đề cụ thể từng trường hợp để xử lý thỏa đáng. Tính nghiêm minh của luật phải được đảm bảo. Nợ xấu cùng với sự lỏng lẻo của luật sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Thảo