MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải đưa nợ xấu về dưới 3%

09-06-2015 - 11:27 AM | Tài chính - ngân hàng

“Quản trị, điều hành ngân hàng đã đổi mới sau tái cơ cấu, ngành ngân hàng phải phấn đấu đạt mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% hết năm 2015”- ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội lưu ý.

Kiểm soát nguy cơ đổ vỡ

Một trong những nội dung được cử tri, đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm từ kỳ họp trước đến nay là thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Ông có đánh giá gì về các giải pháp của NHNN đối với lĩnh vực này?

Sau Quyết định 254/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 1/3/2012 phê duyệt Đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2011 - 2015, Thống đốc NHNN đã ban hành các giải pháp triển khai và đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Đó là nguy cơ đổ vỡ hệ thống các TCTD được kiểm soát. Việc tái cơ cấu hệ thống được thực hiện bằng các biện pháp như mua bán, sáp nhập, hợp nhất theo nguyên tắc tự nguyện của các TCTD đã phát huy được lợi thế về mặt quy mô khi có một số NHTM sau hợp nhất, sáp nhập đã tương đương với các NH trong khu vực.

Đặc biệt, sau tái cơ cấu, hệ thống kiểm soát, quản trị, điều hành của ngân hàng từng bước được đổi mới. Các ngân hàng đã cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, định hướng lại chiến lược kinh doanh, bước đầu nâng cao được năng lực cạnh tranh.

NHNN từng bước xử lý có hiệu quả đầu tư chéo, sở hữu chéo , sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa NH và DN. Năng lực tài chính của các TCTD không ngừng tăng kể cả vốn điều lệ và tổng tài sản. Có đủ khả năng đối phó với các rủi ro trong hoạt động.

Vậy vấn đề xử lý nợ xấu được đánh giá như thế nào sau những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng?

Với sự nỗ lực của NHNN, vấn đề xử lý nợ xấu đã được thực hiện một bước tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động lành mạnh và hiệu quả, từng bước áp dụng được chuẩn mực về quản trị phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

 

Ông Mai Xuân Hùng

Ông Mai Xuân Hùng

 

 

Sau khi Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu và cho phép thành lập Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC), NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp kiềm chế sự gia tăng của nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản đảm bảo, sử dụng dự phòng rủi ro và áp dụng các biện pháp trong xử lý nợ xấu. Bằng hoạt động của VAMC, gần 2 năm qua, bước đầu đã thu được kết quả tích cực. Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đã đưa về mức 3,59% vào tháng 12/2014 và tôi tin rằng mục tiêu phấn đấu đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2015 là khả thi.

Các giải pháp trong thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đã góp phần đưa 11 NH của Việt Nam được vào danh sách 1.000 ngân hàng thế giới do tạp chí The Banker công bố và trong xếp hạng ngân hàng khu vực Đông Nam Á về Chỉ số an toàn vốn cấp 1, các ngân hàng Việt Nam chiếm đa số trong top 10. Một số NH, năm 2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức xếp hạng nhà phát hành tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn từ mức “ổn định” lên mức “tích cực”.

Lập kỷ cương cho thị trường tiền tệ

Với mục tiêu hoàn thiện tái cơ cấu hệ thống TCTD được Chính phủ giao và đưa nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm, ngành NH phải lưu ý những gì, thưa ông?

Đầu tiên, NHNN cần tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT, đảm bảo thanh khoản cho các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Khi đảm bảo thị trường ngoại hối ổn định tỷ giá linh hoạt sẽ hỗ trợ cho việc tăng dự trữ ngoại hối quốc gia; Tạo năng lực hỗ trợ vốn cho DN tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, từng bước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với VND.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát tính tuân thủ của các TCTD, thiết lập kỷ cương cho thị trường tiền tệ và chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để điều hành CSTT và tỷ giá cho phù hợp với đặc điểm tình hình; Tiếp tục nâng cao vai trò quản lý, từng bước hoàn thiện đề án tổng thể quản lý thị trường vàng, nhằm huy động tối đa nguồn lực này cho mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế. Tăng cường các biện pháp truyền thông cùng với các cơ chế chính sách xây dựng các chương trình kết nối NH - DN nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ, phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ DNVVN… Đi đôi với đó là kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra và hỗ trợ phát triển kinh tế theo các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Cuối cùng, tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ sở pháp lý, triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu của các TCTD theo đúng mục tiêu để VAMC thực sự trở thành một công cụ hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu, phấn đấu đạt mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% trong năm 2015.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Quang Cảnh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên