MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó chủ tịch UBGSTCQG: Thị trường tài chính Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn

30-01-2014 - 07:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Cá biệt một số trường hợp quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro đã bị qua mặt bởi một nhóm cổ đông lớn.

Theo thống kê, sau hơn 20 năm phát triển, hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) có vai trò chủ chốt trong điều phối nguồn lực tăng trưởng kinh tế, với tín dụng chiếm tới xấp xỉ 100% GDP (2012).

Thị trường chứng khoán (TTCK) và bảo hiểm từng bước trưởng thành, đảm nhận vai trò là một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho việc phát triển kinh tế đất nước với mức vốn hóa TTCK đạt trên 32% GDP (tháng 11/2013) và doanh thu phí bảo hiểm chiếm đạt khoảng 1,6% GDP.

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc Gia Trương Văn Phước, sau một thời gian tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường còn tồn tại một số khiếm khuyết có thể gây ra rủi ro bất ổn.

“Thị trường tài chính đã xuất hiện một số tập đoàn tổng công ty với mô hình công ty mẹ là những ngân hàng thương mại, và các công ty con, công ty liên kết là các công ty chứng khoán, bảo hiểm và mô hình này tạo điều kiện phát triển nhiều loại rủi ro như rủi ro trong giao dịch nội bộ, rủi ro chéo. Trong khi đó, quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế”.

Nhìn lại cấu trúc hiện tại của hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam thì chủ yếu dựa trên mô hình giám sát theo chuyên ngành: NHNN thực hiện giám sát lĩnh vực ngân hàng; UBCKNN (Bộ tài chính) chịu trách nhiệm giám sát TTCK, các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ; Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ tài chính) chịu trách nhiệm giám sát các công ty bảo hiểm.

Thêm vào đó, tháng 3/2008 UBGSTCQG được thành lập với vai trò tư vấn cho Thủ tướng về giám sát chung và điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính.

Hiện tại, cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành và cơ quan quản lý khác được thực hiện dựa trên ba kênh chính là các thông tư liên tịch về phối hợp, trao đổi thông tin, giám sát, xử lý vi phạm; Cơ chế lấy ý kiến đóng góp đối với chính sách, các dự thảo văn bản pháp quy và Cơ chế điều phối hoạt động giám sát của UBGSTCQG.

Hiện nay, giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành chưa có một thông tư liên tịch nào về phối hợp trong công tác giám sát.

Việc gửi văn bản xin ý kiến đóng góp giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành và tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến trực tiếp đôi lúc mang tính hình thức, tiếp thu và giải trình chưa thật sự đi vào chiều sâu.

Trong khi đó, hầu hết các định chế tài chính đã hình thành bộ máy quản trị rủi ro với chính sách quản trị rủi ro và khẩu vị rủi ro riêng; tuy nhiên, cá biệt một số trường hợp quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro đã bị qua mặt bởi một nhóm cổ đông lớn.

Do đó, ông Phước cho rằng yêu cầu cấp thiết lúc này là phải thiết lập và duy trì ổn định tài chính.

Muốn thực hiện điều này, cần thiết phải chuẩn bị những nền tảng căn bản có tính dài hạn để công tác giám sát tài chính thực sự phát huy hiệu quả, đảm bảo thị trường tài chính trở thành một kênh huy động và điều phối vốn hiệu quả cho nền kinh tế, bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính, tăng cường đạo đức kinh doanh và minh bạch thị trường.

Khánh Linh

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên