MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp đi vào hoạt động, 2 quy chế quan trọng của VAMC vẫn đang...soạn thảo

05-07-2013 - 17:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Đến tận thời điểm này, các quy định quan trọng nhất của VAMC vẫn đang trong giai đoạn soạn thảo. Ngay cả quy chế hoạt động, cơ cấu tổ chức, ban lãnh đạo cũng chưa có.

Dự kiến đi vào hoạt động ngày 9/7 tới, nhưng những thông tin cụ thể xung quanh VAMC vẫn còn khá “mù mờ”. Thêm vào đó, công ty mua bán nợ này còn phải chịu áp lực phải giải quyết 50.000 - 70.000 tỉ nợ xấu trong vỏn vẹn hơn 5 tháng cuối năm.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện phát triển kinh doanh (BDI) đã có vài trao đổi xung quanh vấn đề này.

Đến tháng 7 VAMC mới đi vào vận hành, liệu chỉ trong vòng hơn 5 tháng cuối năm, theo ông VAMC có đảm bảo được mục tiêu đề ra?

Đến tận thời điểm này, các quy định quan trọng nhất của công ty mua bán nợ (AMC) này lại chưa được ký. Trong đó có quy chế về nội bộ hoạt động của công ty mua bán nợ và quy chế phát hành trái phiếu đặc biệt. Đây là hai quy chế rất quan trọng của VAMC nhưng hiện vẫn trong giai đoạn soạn thảo.

Ngoài quy chế hoạt động, cơ cấu tổ chức, ban lãnh đạo của VAMC cũng chưa có.

Dự kiến, VAMC sẽ ra đời vào ngày 9/7 tới, nghĩa là chỉ còn 5 tháng nữa là hết năm. Thế mà Thống đốc đặt ra mục tiêu rất lớn, phải giải quyết từ 50.000 – 70.000 tỉ nợ xấu. Rất khó nói là VAMC có hoàn thành chỉ tiêu hay không vì đây thực sự là một nhiệm vụ nặng nề.

Nhiều Ngân hàng thương mại (NHTM) cho rằng, điều kiện mua nợ xấu của VAMC có quá ngặt nghèo. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

VAMC là công ty hoạt động tập trung mang quy mô quốc gia, đặt mục tiêu là những khoản nợ lớn trong khu vực tư nhân. Còn nợ quốc doanh, nợ xây dựng cơ bản của Chính phủ sẽ do bộ tài chính giải quyết.

Với tầm vóc những khoản nợ họ mua, bắt buộc các khoản nợ phải có tài sản đảm bảo. Việc bất động sản phải lớn hơn 65% tổng giá trị tài sản đảm bảo cũng phù hợp với thực tế. Phần lớn nợ của NHTM Việt Nam hầu hết khoảng 70% được đảm bảo bằng bất động sản. Với các khoản nợ của doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần như 100% các khoản nợ đều được đảm bảo bằng bất động sản.

Việc VAMC chỉ mua những khoản nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với doanh nghiệp và không thấp hơn 1 tỷ đồng đối với khách hàng vay là cá nhân chỉ rõ rằng công ty mua bán nợ này sẽ chỉ tập trung vào các khoản nợ lớn.

Những khoản vay nhỏ và những khoản vay không có tài sản đảm bảo thì các NHTM vẫn phải tự chủ.

Việc VAMC mua nợ bằng cách định giá theo giá thị trường có khả thi?


Việc Chính phủ cho phép VAMC mua theo giá thị trường là để công ty này có thể lựa chọn. Phải là những khoản nợ tốt có khả năng phát mãi rất lớn thì VAMC mới mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, những khoản nợ này có lẽ sẽ chỉ chiếm một phần rất nhỏ, còn phần lớn nợ sẽ  vẫn được mua bằng trái phiếu.

Tuy nhiên vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỉ đồng, liệu công ty này có phải sử dụng các đòn bẩy tài chính để phục vụ cho hoạt động mua bán nợ của mình?

VAMC là tổ chức thuộc định chế của Ngân hàng trung ương và sẽ có những khoản vay tới ngân hàng trung ương trong trường hợp các DN đó hoạt động tốt.

Thêm vào đó, công ty này có những quy định đặc biệt. Đó là nếu VAMC đánh giá một DN tốt và biến nợ của DN đó thành vốn góp, thì ngay sau đó, VAMC có thể yêu cầu NHTM phải mua lại toàn bộ phần vốn đấy.

Như vậy, các NHTM sẽ đứng trước hai tình thế. Nếu đánh giá của VAMC tốt thì Ngân hàng sẽ được lợi. Nhưng nếu VAMC định giá không được đúng, Ngân hàng sẽ gặp khó khăn.

Nhìn chung, VAMC không muốn hoạt động kéo dài hoạt động mua bán nợ. Về lâu về dài VAMC có thể chuyển dần thành Ngân hàng đầu tư (NHĐT), tương tự như các công ty mua bán nợ ở nhiều nước trên thế giới. Ngay trong chức năng, nhiệm vụ của VAMC hiện cũng gần như đầy đủ với chức năng, nhiệm vụ của một NHĐT.

Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam sẽ chỉ có 1 NHĐT tập trung. Các NHTM sẽ bị rút chức năng đầu tư, chỉ còn lại chức năng huy động vốn và cho vay.

Theo ông liệu DN có thể tận dụng được những lợi ích mà VAMC đem lại?

Có thể thấy trong các quy định của mình, VAMC đã ưu tiên cho doanh nghiệp rất nhiều. Khi VAMC mua nợ của một DN, VAMC có thể xem xét nếu DN có khả năng phục hồi, khả năng phát triển thì VAMC có quyền đầu tư vào nó theo 3 cách
.
Thứ nhất là biến thành vốn góp và trả lại toàn bộ tài sản đảm bảo. Như thế ngay lập tức công ty có thể đi vay vốn của NHTM.

Cách thứ hai là VAMC có thể cho vay DN vay trực tiếp bằng tiền mặt.

Cách thứ ba và phổ biến nhất là VAMC sẽ đứng ra bảo lãnh cho DN.

Khảo sát của Viện phát triển kinh doanh tại Hà Nội cho thấy rất nhiều DN hoạt động rất tốt, đặc biệt là các DN xuất khẩu như giày da, dệt may. Tuy nhiên họ vẫn có nợ xấu vì cách đây vài năm lỡ lấy tiền đi kinh doanh bất động sản.  Đến khi bất động sản chết, các khoản đầu tư này trở thành nợ xấu, ngân hàng ngừng cho họ vay.

Những trường hợp này VAMC hoàn toàn có thể hỗ trợ bảo lãnh cho doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!


Trần Dũng


dungtq

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên