MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siết rồi lại mở

07-03-2016 - 09:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Hoạt động cấp phép mở rộng mạng lưới các NHTM từ năm 2008 đến nay liên tục được NHNN siết rồi lại mở ra. Trong khi đó, các NH vẫn chỉ chú trọng đến mục tiêu phủ rộng thương hiệu hơn hiệu quả kinh doanh, đang gây ra lo ngại cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống.

Hết trói lại mở

Từ tháng 12-2015 đến nay, hàng loạt NHTM đã được cấp phép thành lập chi nhánh mới như Nam A Bank được mở mới 5 chi nhánh và 4 phòng giao dịch, Viet Capital Bank 10 chi nhánh và phòng giao dịch, Kienlongbank 14 chi nhánh và phòng giao dịch, VPBank 2 chi nhánh, PGBank chuyển đổi 9 quỹ tiết kiệm thành phòng giao dịch, Vietcombank mở 5 chi nhánh và văn phòng đại diện trụ sở chính khu vực phía Nam tại TPHCM…

Cùng một địa bàn có quá nhiều điểm giao dịch của nhiều NH sẽ dẫn đến áp lực cạnh tranh huy động vốn để đáp ứng chỉ tiêu, từ đó có thể đưa đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đi đêm lãi suất, khó đảm bảo chất lượng tín dụng dẫn đến nợ xấu…

Theo một thống kê, đã có hơn 20 NHTM được cấp phép mở rộng mạng lưới với hơn 100 chi nhánh và phòng giao dịch trong 2 tháng đầu năm 2016. Đợt cấp phép này đã được mở lại sau khi NHNN tạm ngừng cấp phép mở rộng mạng lưới của TCTD theo Văn bản 5056/NHNN-TTGSNH ban hành ngày 6-7-2015.

Việc cấp phép mở rộng mạng lưới của NHTM liên tục thay đổi, lúc siết lại lúc mở ra. Cụ thể, năm 2008, khi các NHTM liên tục bành trướng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, NHNN đã ban hành Quyết định 13, quy định các NHTM chỉ được mở chi nhánh tại Hà Nội, TPHCM khi có số vốn điều lệ tương ứng với 100 tỷ đồng và 50 tỷ đồng đối với mỗi chi nhánh được mở ở các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, NHNN đã có văn bản dừng việc cấp phép mở chi nhánh và sang năm 2010, NHNN tạm dừng cấp phép mở chi nhánh NHTM tại Hà Nội và TPHCM.

Cuối năm 2010, cơ quan thanh tra NHNN lại tiếp tục ban hành công văn hướng dẫn các TCTD về việc mở chi nhánh mới. Theo đó, tạm ngừng xét duyệt hồ sơ mở chi nhánh mới đối với NH chưa đảm bảo vốn pháp định, áp thêm một số điều kiện theo hướng tăng cường giám sát nhằm hạn chế việc khai trương chi nhánh, phòng giao dịch mới.

Tháng 9-2013, NHNN ban hành Thông tư 21 quy định về mạng lưới hoạt động của NHTM với các điều kiện kỹ thuật cao hơn, chặt chẽ hơn và gắn sát với thực tế tình hình sức khỏe của từng NH. Đến tháng 7-2015, Thống đốc NHNN lại ban hành Văn bản 5056 về việc tạm ngừng cấp phép mở rộng mạng lưới của TCTD cho đến khi hoàn thành các chỉ tiêu xử lý nợ xấu nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% trước ngày 1-10-2015. Sau thời hạn này, các NHTM lại đề nghị NHNN cấp phép mở chi nhánh, phòng giao dịch và một loạt chi nhánh, phòng giao dịch mới xuất hiện. Diễn biến này cho thấy, việc cấp phép hay tạm dừng cấp phép thành lập điểm giao dịch mới của NHNN đang thực hiện theo kiểu giải pháp tình thế.

Tăng lượng hơn tăng chất

Đối với các NHTM lớn, hoạt động mua bán sáp nhập trong những năm qua là giải pháp tăng cường một lượng lớn địa điểm hoạt động nhanh chóng nhất. Chẳng hạn, sau sáp nhập với MHB, BIDV đã đạt 980 điểm giao dịch trong một thời gian ngắn thay vì phải phấn đấu đến 7 năm nữa mới đạt được con số này. Sacombank cũng tăng từ hơn 400 lên 563 điểm giao dịch sau khi sáp nhập Southernbank. Maritime Bank tăng mạng lưới giao dịch khoảng 300 điểm sau sáp nhập MDB. HDBank sáp nhập DaiABank nâng số điểm giao dịch lên con số hơn 220 điểm. SHB đạt 329 điểm giao dịch sau khi nhập Habubank.

Trong khi đó, những NH không tham gia hoạt động mua bán sáp nhập thì liên tục xin cấp phép mở các chi nhánh, phòng giao dịch mới. Theo Thông tư 21/2013/TT-NHNN, vốn điều lệ đối ứng để lập một chi nhánh mới tại Hà Nội và TPHCM là 300 tỷ đồng, ở các tỉnh thành khác 50 tỷ đồng. Đồng thời, NH đó phải hoạt động có lãi, không vi phạm các tiêu chuẩn an toàn hoạt động, thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%. Với quy định về vốn điều lệ đối ứng như vậy, để thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới như mục tiêu đề ra, nhiều NHTM đang có xu hướng mở rộng chi nhánh về các tỉnh thành khác, thay vì khu vực TPHCM và Hà Nội.

Lãnh đạo một NHTM cho biết, mở rộng mạng lưới đang là áp lực của NH trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Trong khi đó, hầu hết NHTM đều nói rằng mở rộng mạng lưới để hướng đến xây dựng mô hình NH bán lẻ, nhưng thực chất chỉ mới mở rộng để tăng cường độ nhận diện thương hiệu. NH bán lẻ là dịch vụ mà những người lao động nhỏ lẻ, có thu nhập thấp được tiếp cận với sản phẩm, dịch vụ NH, chủ yếu phục vụ cho khách hàng cá nhân. Theo đó, NH xây dựng kênh phân phối, tìm hiểu thị trường để khai phá những sản phẩm khách hàng cần, phát triển các mối liên kết như NH - bảo hiểm, NH - chứng khoán… Tuy nhiên, các chi nhánh, phòng giao dịch của NH hiện nay vẫn chủ yếu khai thác những dịch vụ truyền thống.

Ở góc độ tích cực, việc các NH được cấp phép mở mới chi nhánh, phòng giao dịch cho thấy sức khỏe của hệ thống đã cải thiện. Đồng thời, khoảng 75% trong hơn 90 triệu dân vẫn chưa tiếp cận dịch vụ NH. Trên thế giới, việc mở mới phòng giao dịch rất hạn chế nhưng ở Việt Nam, đây là xu hướng phù hợp nếu muốn đưa dịch vụ NH đi sâu cộng đồng dân cư.

Việc mở rộng mang lưới của các NHTM cũng đi kèm với những rủi ro. Các rủi ro này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gián đoạn hoạt động cấp phép trong những năm qua. Khi các NH mở rộng mạng lưới kinh doanh, chi phí hoạt động sẽ gia tăng trong khi hiệu quả của các điểm giao dịch mới, nhất là những điểm giao dịch ở khu vực nông thôn, các tỉnh thành khác thường rất thấp.

Theo Thiên Minh

Sài gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên