"Siêu lừa" Huyền Như: tự người ta tin mà đưa tiền?
Trả lời HĐXX TAND TP.HCM, “siêu lừa” Huyền Như nói sở dĩ nhiều cá nhân, công ty và có cả các ngân hàng đem hàng ngàn tỉ cho Như chiếm đoạt chỉ vì Như đưa lãi suất hấp dẫn.
- 07-01-2014Đại án lừa đảo: Siêu lừa Huyền Như trong vòng vây tín dụng đen
- 06-01-2014Xử “đại án” Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng: Chật kín 2 khán phòng
- 06-01-2014Bác đề nghị của Ngân hàng Nam Việt, tiếp tục phiên tòa!
Sau giờ giải lao giữa phiên làm việc sáng nay, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam- Vietinbank - Chi nhánh TP.HCM) tiếp tục trả lời thẩm vấn về việc chiếm đoạt hơn 1.598 tỉ đồng của các công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên (tại Hà Nội), Công ty Chứng khoán Phương Đông và công ty cổ phần An Lộc (hơn 550 tỉ đồng), Bảo Hiểm Toàn cầu 125 tỉ đồng, Chứng khoán Saigonbank-Berjaya 210 tỉ đồng.
Theo Huyền Như, đến thời điểm năm 2011, Huyền Như đã mang số nợ khổng lồ hàng ngàn tỉ đồng vay từ dịch vụ “tín dụng đen” và trong tay đã có con dấu giả của Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè.
Do quen biết với Nguyễn Thị Nga, Huyền Như biết 3 công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh, Cổ phần đầu tư Thịnh Phát, Công ty CP thương mại & đầu tư Hưng Yên có tiền muốn gửi nên đã đề nghị Võ Anh Tuấn (lúc đó là Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà bè)đi cùng ra Hà Nội để “đàm phán”.
Tại buổi gặp, Như lấy tên là Quyên, tự nhận là nhân viên Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè giới thiệu Tuấn Anh là Phó giám đốc Chi nhánh đang có nhu cầu huy động vốn. Sau buổi gặp, Nga gửi mẫu hợp đồng huy động vốn cho Huyền Như xem.
Theo Huyền Như, thực ra ban đầu Như cũng chỉ định giúp đỡ chi nhánh Nhà Bè của Tuấn Anh (là sếp cũ của Huyền Như) huy động vốn nhưng Tuấn Anh nói 3 công ty trên là “sân sau”nên không làm.
Vì thế, Như đã tự giả chữ ký của Tuấn Anh, đóng con dấu giả Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè để đưa 3 công ty trên vào “tròng”. Trong vòng 4 tháng, Như đã làm giả 110 hợp đồng tiền gửi, huy động hơn 2.496 tỉ đồng của 3 công ty, sau đó chiếm đoạt 1.598 tỉ đồng.
HĐXX hỏi làm sao Như có thể khiến các công ty trên tin tưởng là chuyển tiền cho Ngân hàng?
-Bị cáo đề nghị các công ty mở tài khoản tại Vietinbank thỏa thuận là các công ty chuyển tiền vào tài khoản đó, Vietinbank sẽ tự trích tiền trong tài khoản để gửi tiết kiệm cho 3 công ty theo hợp đồng. Thực tế là bị cáo trích tiền từ tài khoản của các công ty trên để trả nợ cho mình - Huyền Như khai.
Theo cáo trạng, thực ra tổng số tiền mà 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên đã gửi và bị Huyền Như chiếm đoạt 1.598 tỉ đồng. Sai phạm của các đối tượng có trách nhiệm tại ngân hàng này đang bị xem xét xử lý.
Theo bị cáo Huyền Như, không chỉ 3 công ty trên mà đối với các công ty, cá nhân khác Như cũng thực hiện thủ đoạn tương tự. Ai cũng tưởng Vietinbank đã trích tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản tiền gửi nhưng thực tế Huyền Như đã giả chữ ký, làm giả con dấu của các công ty, cá nhân trên, chuyển tiền từ tài khoản của họ để trả đống nợ khổng lồ mà Huyền Như đang vay tín dụng đen.
HĐXX hỏi Huyền Như: “bị cáo có cách nói thế nào mà nhiều người tin tưởng giao tiền cho bị cáo như thế?”. Huyền Như đáp: “bị cáo chỉ nói bình thường thôi, tự người ta tin. Với lại, chắc do lãi suất hấp dẫn”.
Theo Như khai, tại thời điểm ngân hàng quy định mức lãi suất huy động tối đa không quá 14%/năm thì Như sẵn sàng trả thêm lãi suất chênh lệch (trả tiền mặt ngay khi gửi tiền) 5-7%/năm.
Thậm chí khi đề nghị công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya gửi tiết kiệm, trong khi hợp đồng chính thức chỉ là 14%/năm nhưng Huyền Như thỏa thuận trả chênh lệch thêm 16-18%/năm (tức lãi suất tổng cộng 32-36%/năm). Đối với Saigonbank-Berjaya, Huyền Như đã huy động 225 tỉ đồng, trả được tiền gốc cho công ty là 15 tỉ đồng, trả lãi hơn 7 tỉ đồng và chi chênh lệch lãi suất cho người giới (Vũ Minh Hải) là 30 tỉ đồng. Huyền Như còn chiếm đoạt 210 tỉ đồng.
Chiều nay, Tòa tiếp tục thấm vấn Huyền Như để làm rõ các khoản tiền chiếm đoạt của một số Ngân hàng TMCP đã thông qua một số cá nhân gửi cho Như, trong đó Ngân hàng ACB bị chiếm đoạt 718 tỉ đồng.
Theo C.Mai