Sở hữu chéo đã làm lệch lạc dòng chảy của đồng tiền trong nền kinh tế
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, sẽ không có một chính sách giám sát tài chính nào an toàn nếu điều kiện kinh tế vĩ mô không thật sự ổn định.
Chiều 18/12/2013, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phối hợp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ban kinh tế Trung ương Đảng tổ chức hội thảo “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính”.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia tham gia hội thảo, sau 2 năm thực hiện tái cấu trúc thị trường tài chính để ứng phó với khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước, hoạt động tín dụng ngân hàng của Việt Nam từng bước ổn định, an toàn, thanh khoản được cải thiện.
Thị trường chứng khoán (TTCK) và bảo hiểm từng bước trưởng thành, đảm nhận vai trò là một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho việc phát triển kinh tế đất nước với mức vốn hóa TTCK đạt trên 32% GDP (tháng 11/2013) và doanh thu phí bảo hiểm chiếm đạt khoảng 1,6% GDP.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để có hệ thống tài chính thật sự lành mạnh.
Cụ thể, các quy định mới để đảm bảo an toàn hệ thống vẫn còn khoảng cách với chuẩn mực của quốc tế; gia tăng nợ xấu được kiểm soát nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn cao; tình trạng sở hữu chéo ở các khu vực ngân hàng, doanh nghiệp, chứng khoán đã làm “lệch lạc” dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế hay nói cách khác là việc phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả…
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Chẳng hạn như: Trình độ quản trị điều hành, giám sát từng định chế và toàn bộ thị trường tài chính tuy đã chuyển biến mạnh mẽ nhưng vẫn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính.
Ngoài ra, vẫn tồn tại khoảng cách lớn với chuẩn mực an toàn và giám sát tài chính của khu vực và thế giới.
Ông Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng bổ sung rằng, sẽ không có một chính sách giám sát tài chính nào an toàn nếu điều kiện kinh tế vĩ mô không thật sự ổn định.
Chính vì thế cần phải phát triển và quản lý thị trường tiền tệ, tăng cường sự phối hợp trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa với mục tiêu là góp phần chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi nhịp độ tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
“Công tác điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần có sự phối hợp hài hòa, chặt chẽ, hướng tới mục tiêu ổn định tài chính. Thực tế cho thấy phối hợp thiếu hài trong điều hành chính sách làm gia tăng nguy cơ bất ổn của thị trường tài chính”.
Khánh Linh