MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sở hữu và hoạt động của một số ngân hàng còn thiếu minh bạch"

21-03-2016 - 22:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Đây là một trong những đánh giá của Chính phủ về tình hình, kết quả chủ yếu, những tồn tại hạn chế và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII sáng nay, Báo cáo chi tiết của Chính phủ gửi đến đại biểu Quốc hội đánh giá thời gian qua chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt hơn với chính sách tài khoá, đã cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 11,7% năm 2010 xuống còn 0,6% vào năm 2015. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng khoảng 50% so với cuối năm 2011. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, khắc phục được cơ bản tình trạng sử dụng đô-la, vàng trong giao dịch thanh toán. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. Cán cân thương mại được cải thiện; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong giai đoạn 2011-2015, các tổ chức tín dụng đã tích cực, chủ động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; giám sát chặt chẽ và sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ thông qua các giải pháp như tổ chức lại, sáp nhập, mua lại với giá 0 đồng,...; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống.

Các tổ chức tín dụng đã từng bước áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế, hiệu quả hoạt động được nâng lên, chất lượng tín dụng được cải thiện; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 tăng 13,5%/năm, riêng năm 2015 tăng 18%. Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Tỷ lệ nợ xấu giảm dần, đến cuối năm 2015 còn khoảng 2,55%.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng mới thực hiện được giai đoạn đầu. Chất lượng tín dụng và dịch vụ ngân hàng cải thiện còn chậm. Cơ cấu tín dụng chưa thật phù hợp với yêu cầu phát triển. Năng lực tài chính, quản trị, kiểm tra, giám sát nội bộ của một số tổ chức tín dụng còn yếu, nợ xấu còn cao. Sở hữu và hoạt động của một số ngân hàng thương mại cổ phần thiếu minh bạch, có mặt chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc tăng vốn điều lệ của một số tổ chức tín dụng chưa đạt mục tiêu đề ra. Nợ xấu đã được xử lý một bước nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của một số ngân hàng.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên