Số phận của những ngân hàng 0 đồng
Lột xác thành ngân hàng thành thị với tốc độ tăng vốn chóng mặt, vậy nhưng nhiều ngân hàng gốc “nông thôn” vẫn không thoát khỏi kết cục bị sáp nhập, hợp nhất, mua 0 đồng.
- 07-07-2015GP.Bank chính thức bị mua lại giá 0 đồng
- 08-05-2015NHNN chính thức tiếp quản OceanBank
- 04-02-2015Luật sư nói gì về quyền lợi cổ đông trong vụ NHNN mua lại toàn bộ cổ phần VNCB giá 0 đồng?
Việc mua 0 đồng 3 ngân hàng OceanBank, VNCB, GP.Bank, theo cách lý giải của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, thực chất là được cứu cho khỏi bị phá sản. Rồi số phận của những ngân hàng này sẽ ra sao sau khi được tái sinh?
Trả lời TBKTSG, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết sau khi những ngân hàng này tốt lên, ở ngang mặt bằng với các ngân hàng đang hỗ trợ chúng, nếu Vietcombank và VietinBank muốn mua, sẽ sáp nhập chúng vào.
“Còn không, NHNN sẽ mang ra bán đấu giá công khai trên thị trường cho mọi đối tượng có nhu cầu, đáp ứng đủ quy định pháp lý và khả năng tài chính tham gia”, Thống đốc Bình cho biết.
Vậy là số phận của những ngân hàng bị mua 0 đồng đã được định đoạt, chấm dứt những đồn đoán xung quanh nó. Đây là hệ lụy tất yếu của những ngân hàng được đầu tư theo phong trào.
Lột xác lên thành thị vẫn bị sáp nhập, mua 0 đồng
Trong những năm 2006-2008, trào lưu chuyển đổi NHTM nông thôn lên NHTM thành thị đã diễn ra ồ ạt. Chủ trương tái cơ cấu các NHTM nông thôn theo hai hướng hoặc phá sản, hoặc tăng vốn để chuyển đổi thành ngân hàng đô thị đã trở thành cơ hội vàng cho những đại gia muốn đầu tư vào ngân hàng, khi cửa xin cấp phép thành lập mới gần như đã đóng chặt.
Trào lưu đó đã lột xác 11 ngân hàng nông thôn lên thành thị gồm ABBank, MeKongBank, WesternBank, OceanBank, SHB, Navibank, GP.Bank, KienLongBank, ngân hàng Đại tín (TrustBank), DaiABank và PGBank. Từ quy mô vốn chỉ vài tỷ đồng, những ngân hàng này đã được tăng vốn một cách chóng mặt chỉ trong vài năm, lên 3.000 tỷ đồng và nhiều hơn thế.
Chính làn sóng đó đã làm cho tổng số ngân hàng thương mại tăng từ con số 20 lên 35 ngân hàng. Cùng với số lượng ngân hàng tăng lên, vốn điều lệ của các ngân hàng cũng buộc phải tăng lên theo quy định của Nghị định số 141/2006/NĐ-CP (ngày 22-11-2006). Theo quy định này, đến cuối năm 2010 vốn pháp định của ngân hàng thương mại tối thiểu là 3.000 tỷ đồng. Vậy là những ngân hàng gốc “nông thôn” buộc phải trở thành thánh gióng, gồng mình tăng vốn.
Nhưng tính đến nay, số phận của những ngân hàng gốc “nông thôn” này còn lại bao nhiêu? Bao nhiêu ngân hàng phải sáp nhập, hợp nhất, bao nhiêu ngân hàng bị mua lại 0 đồng?
Trong số 11 ngân hàng chuyển đổi, chỉ có 3 ngân hàng là ABBank, SHB, KienLongBank vẫn hoạt động theo định hướng, hình thức pháp lý ban đầu.
Số còn lại đều phải tái cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị mua 0 đồng. Navibank đã được tái cơ cấu và đổi chủ thành Ngân hàng Quốc dân (NCB) hiện nay. Còn các ngân hàng như PGBank, MekongBank, DaiAbank, WesternBank buộc phải hợp nhất, sáp nhập với ngân hàng khác để tồn tại.
Riêng ba ngân hàng OceanBank, GPBank, VNCB (được đổi tên từ TrustBank sau khi Tập đoàn Thiên Thanh mua lại) bị mua lại 0 đồng.
Theo Thống đốc Bình, những ngân hàng bị mua 0 đồng bản chất là đã phá sản. Ở Việt Nam, nếu ngân hàng phá sản, ai là người thiệt nhất? Người gửi tiền bao gồm dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, là người thiệt nhất.
Cứu ngân hàng khỏi phá sản, rồi sao?
Theo Thống đốc, việc “cứu” những ngân hàng đó là do NHNN đã có kinh nghiệm trong quá khứ, biết bài toán kinh tế ra sao, nhưng trước mắt phải “gắng sống đến bình minh” chứ.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình
“Anh đang ngồi trên một khối vàng, nhưng bụng đói meo, anh cần gì? Dĩ nhiên là bữa ăn. Giá một bữa ăn có thể 50.000-100.000 đồng, trong khi anh đang có, thí dụ, hai lượng vàng trong tay trị giá hàng chục triệu đồng. Vàng không ăn được, anh phải chờ đến ngày bán được vàng. Hiện giờ, có ai mua vàng đâu. Nên có ai đó cho anh một bữa ăn, bữa ăn đó quý lắm”, Thống đốc nói với TBKTSG.
Thống đốc nhấn mạnh việc NHNN vào các ngân hàng 0 đồng để đảm bảo duy trì hoạt động của chúng cho đến thời điểm có thể xử lý được các tài sản thế chấp. Nếu để tư nhân vào, có thể thị trường sẽ không tin tưởng, người gửi tiền đến rút tiền, sẽ gây xáo trộn.
“Những trường hợp 0 đồng NHNN đều có phương án xử lý cụ thể như bao lâu, cơ chế chính sách đi kèm là gì để tạo ra cơ hội phục hồi”, Thống đốc nhấn mạnh.
Việc mua lại 0 đồng và giao cho Vietinbank, Vietcombank hỗ trợ cũng đã được NHNN tính toán. Những ngân hàng 0 đồng hiện nay đã là ngân hàng 100% vốn Nhà nước. Vietcombank, VietinBank cũng tính toán và đôi bên cùng có lợi họ mới nhận.
“Vietcombank và VietinBank có thể hỗ trợ các ngân hàng 0 đồng bằng nhiều cách, như chuyển các hoạt động tốt sang. Trong quá trình điều hành, nền tảng quản trị, công nghệ của những anh 0 đồng bắt buộc phải theo cho tương thích với các ngân hàng lớn kia. Trên thực tế, cái xác của những ngân hàng yếu kém đã bị loại bỏ, chúng sẽ trở thành chân rết của Vietcombank, VietinBank”, Thống đốc phân tích.
Đồng tình với các làm trên của NHNN, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng một trong những nguyên tắc quan trọng là đảm bảo an ninh của hệ thống, đảm bảo quyền lơi cảu người gửi tiền. Do vậy, NHNN dùng các biện pháp kỹ thuật là mua 0 đồng với để xử lý đối với những ngân hàng này là hợp lý.
“Còn sau khi tái cơ cấu xong những ngân hàng này, nên hay không nên giữ lại thì phải tùy vào từng ngân hàng. Mua nó bằng 0 rồi và phải tái cơ cấu lại nợ, phân tích xem nợ nào xử lý được, nợ nào không xử lý được, cái nào phải đưa nhau ra tòa. Căn cứ vào từng cái một để quyết định còn giữ tên ngân hàng nào không”, ông Kiên phân tích.
Bizlive