"Số tiền bỏ ra để mua cổ phần của NH yếu kém sẽ được thu hồi"
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, quan điểm nhất quán của Chính phủ là không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và mua lại, xử lý ngân hàng yếu kém nói riêng.
- 30-03-2015Nhọc nhằn thoái vốn DNNN khỏi ngân hàng
- 30-03-2015Cổ tức ngân hàng hết thời tự quyết
- 05-03-201540.000 tỷ đồng để tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng
- 02-03-2015Phó Thống đốc: Trực tiếp mua cổ phần ngân hàng là 1 giải pháp trong quá trình tái cơ cấu
- 02-03-2015CEO GP.Bank: “Trong tái cơ cấu, NHNN có những phương án dự phòng là bình thường”
Nội dung nổi bật
- Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, sự phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng có vai trò hết sức quan trọng
- Khi NHTM khó khăn, NHNN cần có biện pháp xử lý phù hợp như yêu cầu tái cấu trúc, hợp nhất, sáp nhập tự nguyện hoặc bắt buộc
- Việc can thiệp bắt buộc của NHNN thông qua việc tiếp quản NH yếu kém chỉ thực hiện khi NH đó không thể tự tái cơ cấu hoặc sáp nhập
- Phá sản ngân hàng trong bối cảnh hiện nay sẽ gây tổn thất cho Nhà nước và xã hội rất lớn
- Quan điểm nhất quán của Chính phủ là không dùng ngân sách xử lý nợ xấu và NH yếu kém. Tiền bỏ ra mua cổ phần ngân hàng yếu kém sẽ thu hồi bằng chính lợi nhuận của ngân hàng đó và bán cổ phần cho nhà đầu tư
Ngày 01/04/2015, tại cuộc họp báo Chính Phủ thường kỳ tháng 3, trước ý kiến cho rằng chủ trương mua lại các ngân hàng thua lỗ của NHNN có hiệu quả chưa rõ ràng trong khi NHNN lại phải ôm vào một khoản nợ xấu lớn, rất khó xử lý và nguy cơ mất vốn cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã trả lời: "Sự phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng có vai trò hết sức quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế."
Theo đó, khi ngân hàng thương mại gặp khó khăn, thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp xử lý phù hợp như yêu cầu tự tái cấu trúc; thực hiện hợp nhất, sáp nhập, mua lại tự nguyện hoặc bắt buộc; Ngân hàng Nhà nước trực tiếp hoặc chỉ định ngân hàng thương mại Nhà nước mua lại cổ phần, vốn góp của ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm sự an toàn, ổn định, trật tự của hệ thống ngân hàng thương mại, thị trường tài chính và quyền lợi của người gửi tiền theo quy định.
Việc can thiệp bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước thông qua mua, tiếp quản ngân hàng thương mại yếu kém để xử lý, cơ cấu lại chỉ được thực hiện khi ngân hàng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu, không sáp nhập, hợp nhất tự nguyện được hoặc trong trường hợp chỉ định ngân hàng thương mại nhà nước mua lại, nhận sáp nhập sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp đến tình hình tài chính, hoạt động của ngân hàng thương mại nhà nước. Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp phá sản ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, qua phân tích và đánh giá cụ thể từng trường hợp cho thấy tổn thất cho Nhà nước và xã hội là rất lớn và có thể gây mất an toàn hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước mua, tiếp quản ngân hàng thương mại yếu kém là cách làm phù hợp thông lệ quốc tế, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã áp dụng.
Trong giai đoạn hiện nay, quan điểm xử lý, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã được phê duyệt là phù hợp, bảo đảm tránh gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát và giữ ổn định hệ thống.
Bộ trưởng Nên nêu rõ, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của ngân hàng yếu kém và chuyển thành ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước (như áp dụng đối với Ngân hàng Xây dựng vừa qua) được thực hiện theo quy định của pháp luật (Điều 149 Luật các Tổ chức tín dụng, Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg hướng dẫn chi tiết về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt).
"Đây là biện pháp mạnh, khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết xử lý triệt để, tái cơ cấu những tổ chức này, đồng thời cảnh báo trách nhiệm của các cổ đông nói chung, nhất là các cổ đông lớn trong việc quản trị, điều hành, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng."
Sau khi mua lại ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý những tồn tại, yếu kém và cơ cấu lại toàn diện, nhất là về quản trị, điều hành, chiến lược kinh doanh phù hợp hơn, lành mạnh hoá tài chính, xử lý nợ xấu để thu hồi vốn cho ngân hàng. Nợ xấu của các ngân hàng yếu kém (phần lớn có liên quan hoặc có tài sản bảo đảm là bất động sản) sẽ được thu hồi, xử lý triệt để bằng các biện pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp với sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan chức năng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang phát triển ổn định thuận lợi, cùng với đó các hoạt động kinh doanh mới của ngân hàng sẽ tạo lợi nhuận bù đắp các tổn thất còn lại (nếu có).
Nguồn vốn để xử lý, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém chủ yếu là nguồn vốn huy động trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Quan điểm nhất quán của Chính phủ là không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và mua lại, xử lý ngân hàng yếu kém nói riêng.
Trong trường hợp phải bỏ tiền ra để mua cổ phần của ngân hàng yếu kém thì Ngân hàng Nhà nước sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật. Tất cả số tiền này sẽ được thu hồi sau thời gian tái cơ cấu lành mạnh tình hình tài chính bằng chính lợi nhuận của các ngân hàng này cũng như bán lại số cổ phần đã mua cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mai Linh