Tái cấu trúc ngân hàng sang trang mới
Mặc dù, quá trình tái cấu trúc ngân hàng nước ta diễn ra khá chậm, nhưng đằng sau những bước đi khó nhìn thấy kết quả tức thời, quá trình này đã âm thầm bước sang giai đoạn mới…
Quan điểm quy định giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại ngân hàng trong nước nhằm ngăn ngừa, hạn chế một cổ đông hoặc nhóm cổ đông nước ngoài có cùng lợi ích nắm giữ tỉ lệ vốn lớn tại ngân hàng và thông qua cơ chế biểu quyết để thao túng hoạt động của ngân hàng theo ý đồ của riêng mình, trong giai đoạn tái cấu trúc hiện nay, đã đến lúc được xem lại.
Còn trông vốn ngoại?
Thực tế, Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm hành động thông qua việc xem lại quan điểm này, đưa ra lựa chọn rõ ràng giữa thu hút vốn ĐTNN thông qua việc góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN tại các ngân hàng trong nước để nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị và đa dạng hóa vốn sở hữu của các ngân hàng thương mại trong nước, hơn là khư khư “giữ của” và lo sợ sẽ “hiến tặng” thị trường nội địa và toàn bộ NHTM trong nước cho NĐTNN. Vietcombank, Vietinbank, - hai ngân hàng cổ phần quốc doanh lớn trong “tứ trụ” - với việc hé mở cánh cửa đón vốn ngoại từ Nhật Bản và nâng tỉ lệ sở hữu vượt room thông thường, đã mở cánh cửa vốn hẹp với các NĐT ngoại.
Sau hơn 1 năm hợp nhất, SCB cũng đã tăng sức đề kháng với mức room đặc biệt được Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là tiền lệ cho các ngân hàng yếu, hợp nhất có cơ hội thực thi “thay máu” một cách tốt nhất nhằm đẩy nhanh tái cấu trúc theo lộ trình mà NHNN đã vạch ra?
Song với việc NHNN đã chính thức trình chính phủ ký ban hành nghị định thay thế quy định về việc giới hạn tỉ lệ sở hữu của NĐTNN tại các ngân hàng VN vừa diễn ra trung tuần tháng 6 này, mà theo đó một nội dung trình bổ sung đáng chú ý là “trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống, Thủ tướng sẽ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐTNN và người có liên quan tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể”, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại rằng việc trông chờ vào vốn ngoại để thực hiện cơ cấu lại hệ thống, vẫn khó có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Chuyên gia ngân hàng cao cấp Lê Trọng Nhi trao đổi với DĐDN: “Nếu mở thêm room thì có thể các ngân hàng ngoại này sẽ tiếp tục tăng tỉ lệ sở hữu cho hết room, tuy nhiên cũng không còn bao nhiêu. Trong khi đó, những NH đang chờ đợi vốn ngoại sẽ “rót” cho mình với sở hữu room ngoại hiện đang trống, qua đó giúp ngân hàng đó mạnh khỏe hơn, thì lại đang có cơ thể ốm yếu. Và các ngân hàng nước ngoài sẽ không mặn mà.
Hơn thế, đa phần các ngân hàng vào đây đều muốn mở dịch vụ bán lẻ, vì thị trường bán sỉ VN chưa mở rộng, mà trong số 4 ngân hàng có truyền thống bán lẻ ngoài địa phận thị trường chính quốc là Citibank, HSBC, ANZ, Standard Chartered, đều đã có mặt ở VN ở các ngân hàng 100% vốn của họ cũng như tham gia nắm tỉ lệ sở hữu cổ phần ở một vài ngân hàng nội địa. Họ gần như không có nhu cầu mua những ngân hàng nội địa khác. Trường hợp Vietcombank hay Vietinbank đã mở room đón được một nguồn vốn mạnh từ các ngân hàng Nhật Bản lại không thể là ví dụ chung cho các ngân hàng còn lại. Bản thân các nhà đầu tư Nhật cũng đánh giá thị trường ngân hàng Việt với một góc nhìn khác”.
Cũng cùng quan điểm, nguyên TGĐ HSBC VN, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cũng cho rằng “sẽ là giấc mơ không có thật nếu nghĩ rằng NĐTNN sẵn sàng mua lại những ngân hàng hoạt động trì trệ và rơi vào khó khăn. Hiếm khi họ chọn mua những cổ phần như vậy”. Tuy nhiên, ông Alain Cany vẫn khuyến nghị rằng, “mức 20% sẽ không đủ để các NH nước ngoài cảm thấy hiệu quả trong mối quan hệ đối tác hoặc muốn đưa thêm vốn vào NHVN”. Như vậy, ít nhiều việc trông chờ vốn ngoại và tạo điều kiện tiền lệ cho ngành NH thu hút vốn ngoại vẫn có thể đưa đến quyết định thay đổi hoặc ảnh hưởng nhất định, tất nhiên, với điều kiện NHNN có khả năng kiểm soát và tạo ra “sóng” điều khiển sự đồng thuận của các cổ đông sáng lập, cổ đông trong nước.
Sự vận động nội lực
Bản thân nhiều NĐT trong nước cũng đã bắt đầu nhận diện tái cơ cấu ngân hàng là một cơ hội lớn để họ có thể “rút chân” khỏi thị trường, đồng thời nhường chỗ trong lĩnh vực kinh doanh mơ ước của nhiều NĐT khác. Sự “thay máu” ở TrustBank và việc chuyển hướng thành ngân hàng Xây dựng VN là một ví dụ, tiếp theo là ngân hàng Hợp tác xã với chức năng chuyên ngành kiêm đa chức năng đang cho thấy sự vận động vốn nội địa. Không loại trừ sự tham gia của các nhóm tìm đặc lợi ở trong nước vào các lĩnh vực.
Nhìn theo quan điểm của TS Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học giá cả thì “lợi ích nhóm là lợi ích của một nhóm người trong tập thể, có chung một quyền lợi nào đó, hoặc có thể họ cùng bị vi phạm một lợi ích nào đó. Và vấn đề quan trọng là lợi ích của nhóm đó không xung đột với lợi ích của nhóm to hơn, và lợi ích của một nhóm bao gồm cả dân tộc sẽ tốt hơn là lợi ích của một nhóm nhỏ trong dân tộc”, thì ngay cả khi lợi ích nhóm có “len lỏi” trong lĩnh vực kinh doanh NH, điều đó vẫn có lợicho toàn hệ thống.
Thêm đề xuất xây dựng ngân hàng DN vừa và nhỏ (DNVVN) để đối tượng DN này có thể vay vốn phát triển, cũng là một sáng kiến để các luồng vốn vận động. DNVVN VN hiện đang đóng góp khoảng 40% tăng trưởng GDP, sử dụng khoảng 60% lao động tại địa phương và khu vực nông thôn. Tốc độ tăng trưởng của khối DNVVN ngày càng cao. Một ngân hàng hậu thuẫn cho khối DNVVN có thể là động lực kích thích khối này đóng góp tỉ trọng tốt hơn cho GDP, thông qua việc được tăng lực cạnh tranh trong một cơ chế bình đẳng với khối DN quốc doanh chiếm ưu thế lớn về tín dụng.
Tiếp tục nâng chất và lượng
Theo NHNN, hiện tại, thanh khoản của hệ thống NH đã được cải thiện. Tỉ lệ an toàn vốn CAR, liên quan lớn đến thanh khoản và nợ xấu, thông qua việc đa dạng hóa cơ cấu sở hữu, mở room ngoại, ít nhiều ở một số các tổ chức, đã được tăng lên. Điều đó đặc biệt thể hiện ở những NH vừa đón dòng vốn lớn như trường hợp Vietinbank. Việc xử lý nợ xấu cũng đã được các nhà quản lý gấp rút hành động (sau hơn 1 năm) với việc cho ra đời VAMC. Vấn đề còn lại chỉ là VAMC sẽ vận hành theo chỉ hướng và kỹ thuật ra sao. Cũng như, các ngân hàng có thể gồng mình qua giai đoạn tăng trưởng tín dụng khó khăn hiện nay như thế nào.
Một điểm quan trọng khác để việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đạt kết quả và chính thức bước sang trang mới, là xử lý sở hữu chéo trên toàn hệ thống, cũng đã được NHNN bắt tay rà soát song song với chủ trương khuyến khích, đẩy nhanh hợp nhất, sáp nhập.
Theo một nguồn tin, NHNN hiện đang chuẩn bị trình chính phủ một dự thảo quy định mới về việc xây dựng cơ chế góp vốn, mua cổ phần của các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Theo đó, các TCTD được “cứu” là những đơn vị được NH xác định lỗ lũy kế vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của các TC được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của các TCTD này có thể gây mất an toàn cho hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN chưa tính đến phương án cho các ngân hàng phá sản như đề xuất của nhiều chuyên gia kinh tế. Ngược lại, có thể “quốc hữu hóa các NH” theo kiến nghị của đại biểu QH Trần Du Lịch, và qua đó dần xóa sổ sở hữu chéo.
Những “tiền lệ” như BIDV hậu thuẫn cho đợt hợp nhất 3 NH hay NHNN hậu thuẫn cho SHB và HBB trong giai đoạn sáp nhập cũng cho thấy rất có thể NHNN sẽ sử dụng nguồn lực nhà nước để quốc hữu hóa các TCTD yếu kém, thay vì bắt buộc các TCTD thương mại thuần túy tham gia làm “phao cứu sinh” cho thị trường. Như vậy, nếu chọn cung cách này, NHNN cũng có thể loại trừ quan ngại về việc dùng biện pháp hành chính can thiệp sâu vào hoạt động của lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, ngược lại,là động thái quan trọng để trực tiếp thay máu những NH đang gặp nhiều lực cản tái cơ cấu từ các cổ đông sáng lập, các cổ đông chủ chốt. Từ đó, mở ra những hướng đi. “Đó là sự can thiệp hành chính cần thiết trong bối cảnh đặc biệt của hệ thống NH”, TS Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Trường ĐH NH TP HCM – nhận xét.