MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu 'chơi vơi' vì thiếu tiền, loạn sở hữu chéo

25-10-2013 - 08:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo các chuyên gia, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty và hệ thống ngân hàng sẽ không thể thực hiện được, đơn giản vì không có tiền.

Chừng nào vấn đề sở hữu chéo, nợ xấu không được giải quyết triệt để, chắc chắn tái cơ cấu còn mông lung.

Cần 100.000 tỷ đồng để cứu Vinashin

Đại diện một tổng công ty nhà nước có hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản đã được Chính phủ và Bộ Xây dựng phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu thừa nhận: Tái cơ cấu là việc nhất định phải thực hiện.

Tuy nhiên, dù đã tìm được đơn vị tư vấn tái cơ cấu thông qua sự giới thiệu của Bộ Tài chính, nhưng gần 2 năm nay vẫn chưa làm được gì nhiều. Đau đầu nhất là nguồn tiền để thực hiện tái cơ cấu không có. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng kéo dài 3-4 năm qua, việc tái cơ cấu không phải chuyện dễ nếu chỉ có mỗi sự quyết tâm.

“Riêng sắp xếp lại nhân sự các phòng ban của cả tổng công ty phải mất gần một năm mới cơ bản hoàn thành. Các vấn đề khác như sắp xếp lại lĩnh vực hoạt động gần như bất động do không có kinh phí. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng không thể thực hiện được trong bối cảnh chưa tìm được người mua. Ngay việc bán bớt những tài sản thừa, cũng không thực hiện được do bị đối tác ép giá quá rẻ”, vị này chia sẻ.

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần xác định rõ lại việc tái cơ cấu thực hiện có quyết tâm không. Vì nếu định tái cơ cấu thì phải trả lời được câu hỏi tiền ở đâu. Xưa nay các nguồn lực đều dồn vào tăng trưởng, trong khi hiện không thấy nguồn tiền để thực hiện. Với ngành ngân hàng ở Việt Nam ước tính phải mất 5 tỷ USD để thực hiện (tái cơ cấu).

Theo ông Thiên, vấn đề lớn với tái cơ cấu ngành ngân hàng chính là các con số nợ xấu phải chính xác. Chốt lại, khi tái cơ cấu phải giải tỏa được những vấn đề trên và có tiền. Tính riêng Vinashin, để cứu được phải cần tới 100.000 tỷ đồng và thực hiện trong vài năm. Có số tiền như vậy mới trả lương, đóng bảo hiểm, trả các khoản nợ và giúp doanh nghiệp có nguồn lực đứng dậy được.

“Việc tái cơ cấu phải rõ ràng, quyết liệt vì càng để lâu chi phí xử lý càng tăng cao. Các biện pháp thời gian qua mới tập trung ở mức ngắn hạn. Còn dài hạn chưa có gì cả. Nếu có thực hiện trong bối cảnh hiện nay cũng mới chỉ giải quyết tình thế, chưa có gì bài bản”, ông Thiên nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, Việt Nam cần khoảng 7 tỷ USD để mua lại nợ xấu của các ngân hàng. Cùng đó, cần có cơ chế để giải quyết vấn đề bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở lĩnh vực ngoài ngành. Để giải quyết việc này, cần phải có quy định cho phép bán lỗ vốn đầu tư ra ngoài.

“Chính phủ nên xem xét lại việc quy trách nhiệm hình sự cho các lãnh đạo của DNNN. Có rất nhiều DNNN, thời điểm đầu tư vào ngân hàng hay bất động sản là quyết định của lãnh đạo khác, góc nhìn thời điểm đó khác. Bán được vốn thời điểm này là mừng rồi, cứ bảo lưu quan điểm phải có lãi mới được bán, chắc chắn không bao giờ giải quyết được”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Sở hữu chéo quá mức kiểm soát

Trao đổi với PV tại một hội thảo gần đây, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch UB Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, cùng với nợ xấu, vấn đề lớn nhất đối với việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng chính là xử lý sở hữu chéo.

Nếu như nợ xấu làm tắc mạch dòng vốn của nền kinh tế, khiến hoạt động của các ngân hàng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; hình thức sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng tạo ra những mảng tối trên thị trường tài chính.

Điểm nghẽn được nhắc đến nhiều trong việc tái cơ cấu nền kinh tế là xử lý những vấn đề của hệ thống ngân hàng. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ hai năm nay cũng đặt ra nhiều kỳ vọng, thậm chí khá tham vọng trong việc xử lý những “cục máu đông” gây tắc nghẽn của nền kinh tế. Tuy nhiên những vấn đề này đến nay không dễ được giải quyết.

“Việt Nam đã để ma trận sở hữu chéo đi quá mức kiểm soát. Dù các cơ quan chức năng nhìn nhận vấn đề sở hữu chéo nghiêm trọng, nhưng chủ trương lại không để ngân hàng nào phá sản, dù làm ăn bết bát, sai luật. Thậm chí có đơn vị nợ xấu tới 50%”, ông Bùi Kiến Thành nói.

Tại hội thảo gần đây của UB Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Bùi Huy Thọ-Vụ phó Quản lý Cấp phép các Tổ chức Tín dụng và hoạt động ngân hàng (NHNN) cũng thừa nhận ma trận của sở hữu chéo, đầu tư chéo xuất hiện và tồn tại từ nhiều năm trước; gắn với sự chi phối (thậm chí lũng đoạn của cổ đông lớn), các ông chủ trong hệ thống tín dụng.

Vấn đề này khiến hoạt động của các ngân hàng không minh bạch, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất.

Dưới góc độ nhà nghiên cứu, ông Nguyễn Xuân Thành- chương trình giảng dạy kinh tế Fullbrigth cho rằng, chúng ta đang làm ngược trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Theo đó, nếu nhìn vào hiện trạng thời gian qua về chính sách, chúng ta dùng sở hữu chéo để tái cấu trúc thị trường tài chính thay vì phải xóa bỏ sở hữu chéo.

Theo Phạm Tuyên

hangnt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên