Tái cơ cấu lần 2
Cái được trong quá trình tái cơ cấu NH là tránh được sự đổ vỡ và giảm sở hữu chéo. Có thể nói sở hữu chéo đến thời điểm này đã giảm so với 2 năm trước kể từ khi NHNN tái cơ cấu ngành.
Trao đổi với ĐTTC, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh (ảnh) cho biết, NHNN sẽ dùng biện pháp mạnh hơn để đem lại hiệu quả tốt hơn trong quá trình tái cơ cấu NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Phóng viên: - Thưa ông, quá trình hỗ trợ tái cơ cấu VNCB như thế nào sau khi có sự tham gia của VCB?
-Ông Nguyễn Phước Thanh: - Tái cơ cấu NH cũng có nhiều dạng: tự tái cơ cấu hoặc phối hợp với tổ chức khác để tái cơ cấu. Đối với VNCB đã có một nhóm cổ đông lớn tham gia vào tái cơ cấu, cụ thể là Tập đoàn Thiên Thanh. Sau một thời gian, việc tái cơ cấu của VNCB cũng đã đạt được một số vấn đề khá lớn.
Cụ thể trước đây thanh khoản của VNCB bất ổn nhưng sau một thời gian đã được củng cố. Còn trong những ngày qua sau sự cố các lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh bị khởi tố, tạm giam VNCB vẫn đảm bảo chi trả cho người gửi tiền, nhưng để an toàn và an tâm cho khách hàng, NHNN đã chỉ đạo VCB hỗ trợ toàn diện VNCB.
Trong thời gian qua NHNN đã cho VNCB tự tái cơ cấu khi có cổ đông lớn tham gia. Tuy nhiên, đến nay VNCB bộc lộ những khó khăn nhất định. Vì thế NHNN đã có chỉ đạo VCB tiếp tục hỗ trợ VNCB trong quá trình tái cơ cấu. VCB sẽ giúp VNCB cấu trúc lại các hoạt động như xử lý nợ xấu và hỗ trợ thanh khoản; cử người sang VNCB để hỗ trợ trong quản trị rủi ro…
Với tiềm lực và kinh nghiệm, tôi tin rằng VCB sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn cho VNCB, giúp VNCB tháo gỡ được những khó khăn hiện tại. Kết quả như thế nào cũng cần phải có thời gian.
- Tình hình nợ xấu VNCB hiện nay ra sao, có đáng lo ngại, hay phải sáp nhập vào VCB?
- Tất nhiên phải có nợ xấu mới tái cơ cấu VNCB. VCB sẽ hỗ trợ VNCB xử lý nợ xấu, quản trị… Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định một điều rằng tiền gửi hợp pháp của người dân sẽ được đảm bảo. Còn khả năng VNCB về với VCB hay không tôi không nói trước được, thời gian sẽ trả lời. Vì bản thân 2 NH đều là cổ phần nên mọi việc nếu có xảy ra sẽ được làm theo quy định của pháp luật.
- Đánh giá của ông về kết quả tái cơ cấu ngành NH và các NH sau sáp nhập, hợp nhất?
- Cái được trong quá trình tái cơ cấu ngành NH là tránh được sự đổ vỡ và giảm sở hữu chéo. Có thể nói sở hữu chéo đến thời điểm này đã giảm so với 2 năm trước kể từ khi NHNN tái cơ cấu ngành, nhưng nếu khẳng định hết rủi ro do sở hữu chéo gây ra thì chưa, theo tôi đã giảm đi mức độ nghiêm trọng. Đối với sức khỏe của các NH sau sáp nhập, hợp nhất, trong 2 năm rồi chắc chắn sẽ không xấu hơn nhưng bệnh vẫn còn.
Do đó, chưa thể khẳng định được là bệnh của các NH này đã hết hay chưa, thanh khoản cũng chưa thể nói là đã hoàn toàn tốt, nhưng cái được đó chính là đã ổn định và dần cải thiện. Tuy nhiên, do các NH này trước đây cho vay nhiều vào bất động sản, kể cả đầu tư bất động sản, nên cần có thời gian để xử lý.
- Có vẻ như tiến trình xử lý nợ xấu của các NH chậm?
- Trong thời gian qua các NH đã tích cực xử lý nợ bằng 4 hình thức: thu nợ bằng tiền, tái cơ cấu, dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng và bán cho VAMC. Trong đó, việc dùng khá lớn quỹ dự phòng để xử lý xem như các NH đã hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng. Nếu thu hồi được khoản dự phòng này sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận kỳ sau.
Việc bán nợ xấu cho VAMC được xem như là giải pháp giúp NH có thể làm sạch được bản cân đối kế toán. Tuy nhiên, sau khi bán nợ xấu cho VAMC các NH cũng phải trích dự phòng trong vòng 5 năm và thu hồi nợ xấu. Tóm lại, bán nợ xấu cho VAMC là một giải pháp để giúp các NH đẩy mạnh tái cơ cấu sau khi sáp nhập, hợp nhất, làm giảm áp lực về tài chính cho các NHTM.
- Xin cảm ơn ông.
Sài gòn Đầu tư tài chính