Tạm gác mối lo tỷ giá
Sau khi vọt tăng hồi tháng 7, tỷ giá đã giảm dần và theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước, tỷ giá sẽ được giữ ổn định từ nay đến cuối năm.
Đầu tuần này, giá USD tiếp tục được giữ ổn định sau khi giảm nhẹ cuối tuần trước. Cụ thể, giá USD trong hệ thống ngân hàng dao động ở mức mua vào 21.050 – 21.075 đồng/USD giá mua vào; 21.115 – 21.125 đồng/USD giá bán ra. Trong đó, ngân hàng Techcombank có giá USD mua vào thấp nhất là 21.050 đồng/USD và có giá bán ra cao nhất là 21.125 đồng/USD. Vietcombank có giá mua vào cao nhất là 21.075 đồng/USD, và giá bán ra thấp nhất là 21.115 đồng/USD.
Giá USD trên thị trường tự do cũng dao động quanh mức giá trong hệ thống ngân hàng, giá mua vào dao động quanh mức 21.105 – 21.110 đồng/USD; bán ra 21.125 – 21.130 đồng/USD, chỉ nhỉnh hơn giá trong hệ thống ngân hàng chút ít.
Diễn biến ngược
Thành viên hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa nhận xét, chưa năm nào, kỳ vọng tỷ giá lại có “diễn biến ngược” như năm nay. Thông thường, tỷ giá luôn có xu hướng đầu năm kỳ vọng tăng thấp nhưng cuối năm tăng cao. Điển hình như năm 2010, đầu năm kỳ vọng chỉ tăng 3%, song cuối năm tăng tới 9,6% – đã tạo ra một “cú sốc” cho nền kinh tế. Trong khi đó, năm 2013, đầu năm tỷ giá được kỳ vọng tăng tới 8%, song đến giữa năm, kỳ vọng này giảm xuống chỉ còn 3% và cuối năm chỉ còn 1%.
Quả thực, tỷ giá đã có thời điểm bật tăng mạnh sau động thái điều chỉnh tỷ giá ngày 28.6.2013 của ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tỷ giá liên ngân hàng lên mức cao nhất 21.350 đồng/USD, tăng 2% so với hồi đầu năm vào ngày 8.7.2013, trên thị trường tự do lên tới gần 22.000 đồng/USD, đắt hơn tỷ giá chính thức tới 400 đồng/USD, xấp xỉ 4%. Tuy nhiên, ngay sau đó, tỷ giá đã giảm dần và giữ ổn định cho tới thời điểm hiện tại.
Giữa năm 2014 mới đạt 21.500 đồng/USD
“Về cơ bản, tỷ giá có thể ổn định trong trung hạn”, ông Nghĩa nhận định. Cơ sở cho nhận định này được ông Nghĩa phân tích, xuất khẩu có dấu hiệu tăng nhanh trở lại từ tháng 9 với mức tăng 9,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng khả quan với lượng vốn đăng ký tăng tới 15 tỉ USD trong quý 3, tương ứng mức tăng 36%; vốn thực hiện tăng 8,62 tỉ USD, tương ứng mức tăng 6,4%. “Năm 2013, cán cân thanh toán tổng thể dự báo có thể dương tới 5 tỉ USD. Do vậy, áp lực lên tỷ giá không cao”, ông Nghĩa nói.
Trong một bản báo cáo mới nhất (28.10), ngân hàng ANZ cũng có những đánh giá lạc quan về tỷ giá tại Việt Nam. Theo đó, ANZ dự báo, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào khoảng 32 tỉ USD. Cơ sở cho dự báo của ANZ là báo cáo mới nhất của Chính phủ cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đảm bảo 12 tuần nhập khẩu. Dự trữ ngoại hối năm nay đã tăng lên đáng kể, so với con số xấp xỉ 6 – 6,5 tuần nhập khẩu trong năm 2013.
Cũng theo bản báo cáo này, cán cân thương mại 12 tháng của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh khi chỉ thâm hụt khoảng 0,5 tỉ USD, so với mức thâm hụt lên tới 15 tỉ USD trong năm 2010. Kiều hối từ nước ngoài gửi về trong năm 2013, dự báo đạt 13 tỉ USD. Mặc dù có hiện tượng dòng vốn gián tiếp rút khỏi Việt Nam, song theo đánh giá của ANZ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là điểm sáng, khi tính từ đầu năm tới tháng 9.2013, FDI đã tăng 52,2% so với cùng kỳ năm trước, tổng vốn đầu tư đạt 9,3 tỉ USD.
“Chúng tôi dự báo, đồng tiền VND sẽ còn 21.500 đồng/USD vào giữa năm 2014. Việt Nam sẽ duy trì thặng dư thương mại 12 tháng ở mức khiêm tốn, trong khi cầu trong nước giảm và xuất khẩu hàng công nghệ tăng có thể góp phần giảm bớt áp lực”, Glenn B.Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ANZ nói.
Bản báo cáo tình hình kinh tế mười tháng của uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia công bố hôm qua (29.10) cũng nhận định, “thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được sự ổn định trong những tháng cuối năm 2013 do cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào từ nguồn cung FDI, ODA, kiều hối khả quan, trong khi cầu ngoại hối trên thị trường trong những tháng cuối năm chưa thực sự khởi sắc”. Cụ thể, theo uỷ ban Giám sát tài chính, nguồn cung ngoại tệ từ giải ngân FDI, ODA và kiều hối dự báo đạt khoảng 25 tỉ USD trong năm 2013, trong khi đó, tính đến tháng 9, tín dụng ngoại tệ giảm mạnh khoảng 13,65% so với năm 2012.
Theo Thảo Nguyễn