Tạo cú hích tăng cầu tiền tệ
Các NHTM hiện nay đang đứng giữa 2 ranh giới: không cho vay thì lỗ, cho vay không cẩn thận nợ xấu sẽ phát sinh.
NH mong muốn có nhiều lãi nhưng doanh nghiệp khó hấp thụ phải giảm lãi suất cho vay. Trong thời buổi khó khăn này phải tự điều tiết, nuôi dưỡng, nâng đỡ nhau. Đây là bản năng tự vệ tự nhiên của NH và doanh nghiệp”. - TS. Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, đã chia sẻ như vậy.
Cải cách chính sách, linh động ứng biến
PHÓNG VIÊN: -Thưa ông, ông nhận định thế nào về việc giảm trần lãi suất tiền gửi VNĐ xuống 7%/năm đối với kỳ hạn 1-6 tháng trở xuống?
TS. TRƯƠNG VĂN PHƯỚC:- Lãi suất và lạm phát luôn gắn kết chặt chẽ. Trong 6 tháng đầu năm lạm phát ở mức thấp là cơ sở để dự báo cả năm lạm phát khoảng 5,5-6%, tương đối thấp so với các năm trước. Đây là điều kiện để NHNN kéo mặt bằng lãi suất xuống.
Một trong những công cụ quản lý hiện nay của NHNN (được duy trì trong mấy năm qua) là trần lãi suất huy động, nhưng có điểm mới là thay vì thiết lập trần lãi suất huy động kỳ hạn 1-12 tháng trở xuống, NHNN đã kéo còn 6 tháng trở xuống.
Điều này thể hiện mong muốn của NHNN kéo mặt bằng lãi suất xuống để hỗ trợ doanh nghiệp. NHNN cho biết đây là bước điều chỉnh cuối cùng, tức lãi suất này đang tiệm cận mức lạm phát của năm nay.
- Thực tế nhiều NHTM cho biết lãi suất giảm mạnh nhưng vẫn khó cho vay. Theo ông, cần giải pháp gì để tăng trưởng tín dụng?
- Lãi suất thấp nhưng cầu tiền không tăng, hiện tượng này theo kinh tế học gọi là "bẫy thanh khoản". Điều này đang khiến hệ thống NHTM “mắc tội” để lãi suất cao nên doanh nghiệp không tiếp cận vốn được.
Để thoát bẫy thanh khoản không chỉ là trách nhiệm của ngành NH, mà phải nhìn nhận tổng thể của nền kinh tế. Bởi lãi suất không phải là yếu tố để người vay không tiếp cận được vốn mà doanh nghiệp sản xuất không tạo ra vòng quay hàng hóa trong thực thể nền kinh tế nên không thể hấp thụ vốn.
Nhiều nền kinh tế vĩ mô trên thế giới cũng trải qua triệu chứng lâm sàng này. Vì thế không phải ngẫu nhiên Chính phủ đặt ra chương trình tái cơ cấu, trong đó trụ cột là tái cơ cấu đầu tư công sao cho hiệu quả. Hay nền kinh tế dựa vào hệ thống doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, nhưng hoạt động của thành phần này đang khó khăn, bí lối ra.
Do vậy, nền kinh tế cần nhiều chương trình cải cách, những đột phá chính sách, trong đó chương trình tái cơ cấu của Chính phủ đã thể hiện quyết tâm trong việc vực dậy, tạo ra những động lực, cú hích làm tăng cầu tiền tệ. Trong đó, điều kiện cần cho cầu tăng là lãi suất và điều kiện đủ là sự vận động của nền kinh tế.
- Trong khi chờ những hiệu ứng lan tỏa của các chính sách cải cách, NHTM cần làm gì để vượt khó?
- Doanh nghiệp hay NH luôn chịu những quy luật khắc nghiệt của thị trường. NHTM không chỉ mời chào người dân gửi tiền vào mà phải đi tiếp thị vốn, gặp gỡ khách hàng doanh nghiệp, tổ chức hội thảo… Hiện nay nhiều doanh nghiệp cho biết hàng hóa bán không được, nên vay vốn không biết làm gì. Đó là tình hình chung của nền kinh tế.
Vì vậy NH phải nỗ lực len lỏi vào thị trường tìm kiếm doanh nghiệp có đầu ra, tìm kiếm người vay tiền, mở ra cơ chế cho vay mua nhà trả góp 15 năm lãi suất thấp, phân kỳ hạn ban đầu nhỏ, những năm sau kinh tế phục hồi, có thu nhập, khách hàng trả nhiều hơn.
NH cũng phải tái cơ cấu hoạt động trên cơ sở lợi nhuận, tính toán việc cắt giảm biên chế bộ máy tinh gọn… Điều đó là yêu cầu thực tế đòi hỏi mỗi NH phải tự thích nghi, điều chỉnh để tồn tại.
Xác định mục tiêu cho tỷ giá
- Theo ông, NHNN điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% là chủ động hay bị động theo thị trường?
- Chống đô la hóa là quá trình dài lâu nhưng NHNN đã thành công trong việc thực thi chính sách, thể hiện qua lượng tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống NHTM giảm mạnh. Điều này xuất phát từ mấy lý do: (1) Chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và USD vẫn ủng hộ việc người dân nắm giữ VNĐ. Trước đây chênh lệch này cách nhau khoảng 2 lần, nhưng nay tăng lên đến 5-6 lần.
(2) Lạm phát thấp nên tỷ giá có điều kiện ổn định hơn, kỳ vọng về sự mất giá đồng tiền cũng ít đi. (3) Nước ta nhập siêu nhưng thấp, giúp cán cân thanh toán cải thiện và làm tăng dự trữ ngoại hối, tăng lòng tin của thị trường, người dân tiếp tục bán ngoại tệ, các nhu cầu mua ngoại tệ cũng ít đi.
Đầu năm Thống đốc NHNN tuyên bố năm nay tỷ giá sẽ tăng 2-3%, đã tạo cho thị trường có được dự báo về đường đi của tỷ giá. 6 tháng qua NHNN tăng dự trữ ngoại hối rất cao, ngoại tệ trên thị trường dao động 0,8-0,9%. Vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá thêm 1% nằm trong mức dự báo của thị trường, là biện pháp mang tính chất kỹ thuật của chính sách điều hành tỷ giá hối đoái.
- Theo ông, từ nay đến cuối năm áp lực tăng tỷ giá có nhiều?
- So các năm trước, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay rất thấp, kéo theo cầu nhập khẩu thấp. Cần lưu ý cầu nhập khẩu là cầu tín dụng ngoại tệ, trong đó phần lớn vay ngoại tệ thanh toán. Nhưng hiện nay NHNN không cho vay ngoại tệ để thanh toán mà yêu cầu chuyển qua quan hệ mua bán trực tiếp bằng VNĐ, cho vay ngoại tệ để xuất khẩu cũng dần hạn chế.
Tức nhu cầu về ngoại hối không như trước đây tiềm ẩn dưới dạng tín dụng ngoại tệ (giống như trạm trung chuyển) có thể bùng phát trong tương lai, mà được mua đứt bán đoạn trong thời gian ngắn. Như vậy, cách thức điều hành dự trữ ngoại hối thuận tiện hơn trước đây nhiều vì thu hẹp tín dụng ngoại tệ.
Năm nay nhu cầu ngoại hối không bị mất cân đối nặng nề như các năm trước, cán cân thương mại đã cải thiện. Lạm phát thấp, tỷ giá hối đoái ổn định là điều kiện thu hút vốn bên ngoài vào Việt Nam, làm dự trữ ngoại hối vững chắc hơn.
Đó là chưa kể tác động của chính sách chống đô la hóa sẽ làm ngoại tệ trong dân dịch chuyển vào dự trữ ngoại hối của NHNN. Từ phân tích trên cho thấy đến cuối năm để tỷ giá biến động thêm 1% nữa nằm trong tay của NHNN. Tuy nhiên, nếu tỷ giá có biến động hơn mức này cũng không đáng lo, bởi NHNN đã xác lập một vùng tỷ giá mục tiêu và đến nay vùng đó đã đạt được bằng các lợi thế của chính sách.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Mai Thảo