MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TGĐ VPBank: Lãi suất đã rất thấp nên khó giảm thêm

04-11-2014 - 16:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng là một trong các tổ chức có tham gia vào việc hình thành nên nợ xấu do sự yếu kém trong quản lý, do chưa đủ trình độ. Nhưng ngân hàng không phải gốc rễ của nợ xấu.

Ngày 4/11, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh (Vượng VPBank), Công ty Chứng khoán VPBS phối hợp cùng Bloomberg và IMF đã tổ chức hội thảo “Kinh tế thế giới và Việt Nam – Thực trạng 2014 và triển vọng 2015”.

Bên lề Hội thảo, Tổng giám đốc của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh đã có cuộc trò chuyện nhanh với báo chí.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng kinh tế hiện nay và triển vọng trong năm tới?

Ông Nguyễn Đức Vinh: Trong hội thảo hôm nay, các chuyên gia đã bày tỏ những ý kiến rất tích cực. Nền kinh tế Việt Nam không thể nào đứng bên ngoài xu hướng chung của nền kinh tế thế giới được. Tất nhiên trong khuôn khổ nền kinh tế Việt phải chú ý đến các yếu tố nội địa của mình.

Các yếu tố tích cực trong năm 2014 đã được thể hiện, đó là những thay đổi rất cơ bản về chính sách kinh tế, đặc biệt là đầu tư công. 2 yếu tố đó cùng với sự tăng trưởng của xuất khẩu nhờ các nền kinh tế trên thế giới có sự phục hồi đã giúp cho kinh tế Việt Nam có vẻ có sự phát triển nhanh hơn so với trước.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất mà chúng ta vẫn lo ngại là sức cầu. Chúng ta mới đẩy mạnh được sức cầu về mặt đầu tư mà chưa đẩy mạnh được sức cầu về mặt tiêu dùng. Mặt tiêu dùng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có hoạt động của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam và thu nhập của người dân. Nhưng quan trọng hơn cả, theo ý kiến của Chuyên gia Võ Trí Thành, thì đó là niềm tin của nhà đầu tư, của doanh nghiệp, của người dân vào hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng. Nếu người dân không có niềm tin vào tiêu dùng thì làm sao thúc đẩy sức cầu được?

Chúng ta được nghe rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, trong các chính sách là làm sao tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc các ngành, khu vực, ngân hàng, nợ xấu… Đó là những vấn đề cụ thể nhưng tôi cho rằng cái gốc của vấn đề là nhu cầu tiêu dùng của xã hội, là lòng tin của người dân. Nếu ta thúc đẩy và giải phóng được trí tuệ và nguồn lực trong người dân thì đây sẽ động lực thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới.

Theo ông, xu hướng lãi suất thời gian tới ra sao?

Tôi cho rằng nếu nhìn tổng quan, năm sau, nhu cầu của thế giới tăng lên, lãi suất của tất cả các thị trường hiện nay đã ở mức rất thấp nên khó có thể xuống nữa. Còn phục hồi như thế nào thì rất khó nói. Nhưng tôi nghĩ là các biện pháp như dừng chương trình QE3 ở Mỹ, hay các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng sẽ làm cho lãi suất có thể có các diễn biến theo chiều hướng đi lên nhưng ở mức độ vừa phải.

Ở Việt Nam cũng vậy. Thời điểm này lãi suất đã thấp, thanh khoản thừa nên các ngân hàng ra sức tìm cách sử dụng vốn. Nhưng nếu nhu cầu tiêu dùng được phục hồi trong năm 2015 thì nguồn vốn của hệ thống tài chính Việt Nam về lâu dài sẽ không đủ để đáp ứng cho nền kinh tế.

Xin ông cho biết đôi nét về hoạt động kinh doanh của VPBank thời gian qua?

Chúng tôi đã có sự tăng trưởng tốt trong thời gian qua, thậm chí cao hơn trung bình ngành nhưng sự tăng trưởng đó cũng hết sức thận trọng, tùy thuộc vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế và tùy thuộc vào tái cấu trúc ngành ngân hàng.

Hiện tại, bán lẻ và cho vay doanh nghiệp vừa nhỏ của VPBank chiếm khoảng 80% bao gồm cả khu vực dân cư.

Kế hoạch năm sau của VPBank xây dựng dựa trên kịch bản nào?

Tất cả phải dựa trên cơ sở đánh giá dự kiến của nhà nước, đó là tăng trưởng GDP cao hơn 2014, nền kinh tế thế giới thuận lợi hơn khi khu vực EU, Mỹ, Trung Quốc, ASEAN khởi sắc …

Do đó chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch dựa trên kịch bản cao hơn năm 2014.

Ông có kế hoạch nào để phòng trường hợp kịch bản ngược lại không?

Tất cả các ngân hàng, Doanh nghiệp nói chung đều có kịch bản cho trường hợp xấu nhất. Đó là chức năng của hệ thống quản trị rủi ro, giúp ngân hàng sẵn sàng đối phó.

Theo ông thì lo ngại lớn nhất cho kinh tế năm sau là gì?

Tôi cho rằng điểm đáng lo ngại nhất trong năm sau là những xung đột quốc tế, nó có thể gây ra sự trì hoãn của nền kinh tế thế giới và điều đó ảnh hưởng cực kỳ lớn đến Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về các chính sách tiền tệ hiện nay? Có ý kiến cho rằng ngân hàng nhà nước nên nới thêm tỷ giá, ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Vấn đề tỷ giá rất khó, các chuyên gia cũng phát biểu nhiều nhưng thường tập trung ở chính sách tiền tệ. Tôi cho rằng vấn đề phát triển kinh tế của chúng ta không nằm hoàn toàn ở chính sách tiền tệ. Vào thời điểm này, chính sách tiền tệ sẽ còn rất ít điều kiện để có thể thúc đẩy vì lãi suất đã xuống mức rất thấp rồi, mặc dù có thể có chuyên gia cho rằng mức lãi suất vẫn rất cao.

Tôi nhấn mạnh về chính sách tài khóa, làm sao để giãn các điều kiện cho doanh nghiệp. Nhưng cái quan trọng hơn, chúng ta mới tập trung vào thúc đẩy doanh nghiệp, mà doanh nghiệp không thể bán được hàng nếu không có người mua. Mà người mua là Chính phủ, người dân và xuất khẩu nước ngoài. Nước ngoài thì thuận tiện, Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư nhưng người dân có sẵn sàng bỏ tiền ra mua không? Đó là yếu tố chính.

Có lẽ chúng ta phải làm sao để thay đổi được cả văn hóa để tiến tới một xã hội tiêu dùng thực sự. Muốn như vậy, từ mặt tư tưởng, truyền thông đều cần có sự thay đổi.

Nói về nợ xấu, hiện tại VPBank có gặp khó khăn gì trong việc xử lý nợ xấu không?

Nợ xấu là một từ rất “mốt” hiện nay, tôi không muốn dùng từ nợ xấu. Nhưng tôi nghĩ rằng đó không phải là vấn đề của một ngân hàng riêng lẻ mà là của cả nền kinh tế. Ngân hàng là một trong các tổ chức có tham gia vào việc hình thành nên nợ xấu do sự yếu kém trong quản lý, do chưa đủ trình độ. Nhưng ngân hàng không phải gốc rễ của nợ xấu. Gốc rễ nằm ở nền kinh tế, cơ cấu kinh tế, ở hệ thống phát triển tiêu dùng và phát triển nhu cầu.

Nếu chúng ta cứ nghĩ đến nợ xấu là nghĩ đến ngân hàng thì không bao giờ giải quyết được. Và tôi nghĩ, nợ xấu chẳng có gì đáng lo ngại nếu nó nằm trong vòng kiểm soát. Chúng tôi xác định “nợ xấu” là một nghề, vì bản thân hoạt động của ngân hàng phải có nợ xấu, nhiều hay ít tùy biến động của ngân hàng. Một nền kinh tế có tới 6 năm liên tục khó khăn mà không có nợ xấu thì mới lạ.

Chúng ta nên nói đến nợ xấu theo một góc độ khác, đó là làm sao để thúc đẩy và cải cách những yếu tố nền tảng, gốc rễ nhất của nền kinh tế. Thúc đẩy sản xuất để bán được hàng, thúc đẩy tiêu dùng để người dân mua hàng là hết nợ xấu ngay. Còn nợ xấu chỉ là biểu hiện của mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Nhưng tại ngân hàng VPBank cũng phải có những biện pháp xử lý riêng?

Dĩ nhiên, chúng tôi đã xây dựng những “đội quân đặc biệt tinh nhuệ” để theo dõi chuyên sâu, đánh giá, phân tích, xử lý. Nhưng một mình ngân hàng không thể làm nổi. Bản thân chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch trong vòng 3- 4 năm để giải quyết nợ xấu dần.

Nhưng nói chung là không nên nói nhiều về nợ xấu, hãy nói đến nợ tốt, đến thúc đẩy nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Tự khắc những điều đó sẽ kéo nền kinh tế và nợ xấu sẽ giảm dần.

Xin cảm ơn ông.

>>> Từ năm 2012 đến tháng 10/2014, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 17% xuống còn 5,43%

Bảo Ngọc (ghi)

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên