MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thận trọng lợi nhuận 2015

16-03-2015 - 11:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Năm 2014, lợi nhuận của các NHTM đã khởi sắc hơn so với năm trước. Tuy nhiên, hiện các NH vẫn đang tỏ ra thận trọng với kế hoạch năm 2015 để tránh việc không hoàn thành chỉ tiêu như các năm trước đã vấp phải.

Lãi lớn vẫn khiêm tốn

Kết thúc năm tài chính 2014, 4 NHTM quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đã sớm công bố kết quả kinh doanh. Theo đó, các NH lớn này đều đạt được kết quả khả quan. Cụ thể, báo cáo tài chính của BIDV cho biết NH này đạt được chỉ tiêu kinh doanh vượt trội, như tổng tài sản đạt trên 655.000 tỷ đồng, tăng 18%; dư nợ tín dụng đạt trên 461.000 tỷ đồng, tăng 18,9%.

BIDV là NH có lợi nhuận cao nhất năm 2014 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.065 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2013. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2015, Vietcombank thông báo lợi nhuận trước trích lập dự phòng năm 2014 đạt 10.233 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm trước; sau khi trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế đạt 5.680 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2013.

Năm 2014, tổng tài sản của Agribank cũng đạt đến 762.869 tỷ đồng, tăng 10,08% so với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế 2014 của Agribank đạt mức 3.238 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và bằng 101% so với kế hoạch năm. VietinBank vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu về lợi nhuận kinh doanh trong hệ thống các NHTM Việt Nam, với lợi nhuận trước thuế năm 2014 là 7.300 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, dù đã về đích an toàn, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tài chính đề ra trong năm 2014 nhưng đối với kế hoạch lợi nhuận năm 2015, các NHTM lớn này cũng tỏ ra khá thận trọng. Cụ thể, lãnh đạo VietinBank cho biết kế hoạch lợi nhuận năm 2015 sẽ điều chỉnh dựa trên tình hình thực tế của nền kinh tế với mục tiêu tương đương hoặc cao hơn năm 2014.

Agribank cũng không công bố kế hoạch lợi nhuận cụ thể mà chỉ cho biết năm 2015 sẽ đặt mục tiêu tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt tỷ lệ khoảng 80% dư nợ; tăng vốn tự có, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động, nợ xấu dưới 3%...

Đề ra con số cụ thể hơn nhưng Vietcombank cũng không nâng chỉ tiêu lợi nhuận quá cao so với mức 5.680 tỷ đồng đã đạt được mà chỉ thận trọng với mục tiêu 6.000 tỷ đồng. Hiện chỉ có BIDV tin tưởng vào khả năng tăng trưởng lợi nhuận năm nay khi nhà băng này dự kiến mức lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trưởng không thấp hơn 20%.

NHTMCP cân nhắc

Sự thận trọng trong việc đặt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận cũng thể hiện rõ ở nhóm NHTMCP khi năm nay, nhiều NH thông báo kế hoạch chỉ bằng năm ngoái, trong khi nhiều NH vẫn chưa đưa ra dự kiến cụ thể. Điểm qua thị trường, hiện chỉ một số ít NH thông báo về kế hoạch lợi nhuận dự kiến cho năm 2015.

Cụ thể, MB đưa ra dự kiến lợi nhuận trước thuế 3.150 tỷ đồng, so với lợi nhuận đạt được 3.174 tỷ đồng trước thuế của năm 2014. Mục tiêu đặt ra không cao hơn năm trước vì MB cho rằng kinh tế vĩ mô có dấu hiệu phục hồi, song vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Lợi nhuận trước thuế cả năm 2014 của Sacombank đạt 2.826 tỷ đồng, giảm 4,6% so với kết quả của năm 2013. Theo tờ trình đại hội cổ đông đã được thông qua, năm 2014 kế hoạch lợi nhuận trước thuế NH đề ra là 3.000 tỷ đồng.

Theo Sacombank, lợi nhuận của NH giảm xuất phát từ nguyên nhân thu nhập lãi thuần giảm mạnh. Dự kiến năm nay, NH sẽ trình đại hội cổ đông mức lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng. Con số 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế là dự kiến của NamABank. Năm 2014, NamABank vượt 30% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra với 243 tỷ đồng. Đây là số ít các NHTMCP đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2015 tính đến thời điểm này. Đối với các NH còn lại phải chờ đến đại hội cổ đông diễn ra trong tháng 3 và tháng 4 tới mới được biết cụ thể kế hoạch lợi nhuận.

Theo một chuyên gia tài chính, với kế hoạch năm 2015, các NH vẫn thận trọng tính toán vì mức trích lập dự phòng rủi ro đã bào mòn không ít lợi nhuận của các NH. Như VIB đạt lợi nhuận trước dự phòng đến 1.836 tỷ đồng, nhưng sau dự phòng lợi nhuận trước thuế chỉ còn 648 tỷ đồng. Tổng chi phí dự phòng trong năm 2014 VPBank công bố cũng lên đến 979 tỷ đồng.

Rõ ràng, chi phí dự phòng rủi ro vẫn đang là một trong những yếu tố khiến nhiều NH cân nhắc kỹ hơn trước khi đưa ra kế hoạch lợi nhuận cho năm nay. Bởi lẽ, nhiều NH đã phải chịu sự chất vấn gay gắt của cổ đông trong mùa đại hội cổ đông năm ngoái khi không hoàn thành kế hoạch đề ra do phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng. Hơn nữa, hiện nay lãi suất cho vay cũng đang trong xu hướng giảm nên thu nhập lãi thuần sẽ không cao như mong đợi trong khi nguồn thu từ dịch vụ mới bắt đầu tiến triển.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng nền kinh tế năm 2015 được dự báo vẫn có mức phát triển ổn định, không có biến động lớn, các bộ luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở… có hiệu lực, tạo điều kiện rất nhiều cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư, phát triển mới cũng như ổn định kinh doanh.

Tuy nhiên, dự kiến vẫn còn nhiều tác động từ kinh tế toàn cầu, cũng như các yếu tố nội tại của kinh tế vĩ mô Việt Nam, nên ngành NH chưa thể lạc quan với hoạt động kinh doanh của mình. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều NHTM tỏ ra thận trọng với việc đưa ra kế hoạch lợi nhuận 2015.

 

Theo Bảo Tùng

PV

Sài gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên