MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháo “vòng kim cô”, ngân hàng thở phào

05-03-2014 - 12:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều NH thở phào nhẹ nhõm khi Thông tư 02 sửa đổi, áp dụng từ 1.6.2014 sẽ cởi bỏ cho các NH “vòng kim cô” trên đầu mà Thông tư 02 “gốc” đã đặt ra.

4 nội dung sửa đổi chính

Thứ nhất, quy định trái phiếu đặc biệt mà TCTD bán nợ cho Cty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) nhận được không phải phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro (DPRR), bởi Thông tư 19/2013/TT-NHNN đã quy định, mỗi năm, TCTD phải trích lập DPRR 20% mệnh giá cho trái phiếu này.

Thứ hai, bổ sung quy định việc phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với điều kiện chặt chẽ hơn, yêu cầu TCTD phải bảo đảm kiểm soát được từng khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, kiểm soát chất lượng tín dụng và hạn chế sự lợi dụng để che giấu nợ xấu. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư sửa đổi Thông tư 02 được ký ban hành.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về nợ vi phạm pháp luật và nợ vi phạm quy định nội bộ của TCTD, chi nhánh NH phải được phân loại vào nợ xấu theo hướng: Chỉ phân loại nợ vi phạm vào nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra và các khoản nợ vi phạm pháp luật quy định tại Luật các TCTD (đây là các quy định về cấm, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng).

Thứ tư, cũng là nội dung sửa đổi, bổ sung thứ tư được quan tâm nhất: Đó là các NHTM chưa phải thực hiện quy định về việc TCTD phải điều chỉnh kết quả phân loại nợ theo kết quả phân loại nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) theo hướng cho phép các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cho đến ngày 31.12.2014.

Tuy nhiên, trong thời gian chưa áp dụng, các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài vẫn phải tự phân loại nợ và gửi kết quả tự phân loại nợ cho CIC để tổng hợp; gửi cho Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN để giám sát. Quy định này có hiệu lực đến hết ngày 31.12.2014.

Thở phào!

Đã có những tiếng thở phào từ phía các NH. Theo quy định của Thông tư 02 ban đầu về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập DPRR và sử dụng các khoản tiền này, các NH sẽ phải đánh giá nợ xấu theo số liệu tổng hợp từ CIC.

Theo đó, nếu khách hàng cùng lúc có nhiều khoản vay tại các NH khác nhau, nếu bất cứ một món vay nào xếp vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), thì toàn bộ dư nợ tại những NH còn lại sẽ tự động chuyển sang nhóm 5. Trong khi theo quy định cũ, những khoản nợ này vẫn tốt và có thể chỉ bị xếp ở nhóm 1, 2. Nếu tính theo cách này, nợ xấu của các NH sẽ có thể đội lên ít nhất gấp 2 - 3 lần.

“Cách tính nợ xấu kiểu mới là nỗi ám ảnh lớn nhất của Thông tư 02” - TGĐ một NHTMCP ở TPHCM có nợ xấu đang ở mức trên 3% cho biết. Khi tính nợ xấu theo chuẩn mới, hàng loạt các khoản vay trước đây là tốt cũng trở thành xấu hoặc rất xấu. Ông ví dụ, một DN đang thi công một số công trình sử dụng vốn NSNN.

Họ vay thêm vốn ở 10 NH. Nhưng ngân sách thì luôn về chậm, DN không trả được lãi ở một NH. Khoản nợ đó được tính vào nợ xấu và báo cáo lên CIC. CIC ngay lập tức thông tin đến 9 NH còn lại và 9 NH còn lại ngừng giải ngân cho vay, chuyển nợ của DN này vào nợ xấu.

Và như vậy không khác gì DN đi vào con đường chết và NH cũng ảnh hưởng nặng nề. Chính vì vậy, việc sửa đổi này của Thông tư 02 đúng là đỡ hơn rất nhiều cho NH” - vị giám đốc này cho biết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc chỉnh sửa nội dung trên đồng nghĩa với việc sức ép bán nợ xấu giảm bớt, vì khi đó các NH có thêm thời gian trì hoãn việc tái cơ cấu nợ, giấu nợ xấu được lâu hơn. Có chuyên gia kinh tế cho rằng một khi NHNN chỉnh sửa chính sách đã ban hành theo đề nghị của NHTM thì rủi ro chính sách là rất lớn.

Điều này tạo ra tâm lý ỷ lại ở các NHTM. Việc ban hành thông tư chỉnh sửa sẽ chỉ giúp cho NH che đậy thực trạng nợ xấu và khó xử lý triệt để vấn đề này và tiến trình cải cách NH sẽ không đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc chỉnh sửa thông tư cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các NH. Theo phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC), lợi nhuận NH sau khi sửa Thông tư 02 sẽ chỉ tăng trong ngắn hạn do vẫn phải chịu gánh nặng dự phòng dành cho các khoản nợ xấu hiện tại. Tuy nhiên, theo VCSC, các NH sẽ tiếp tục xóa nhiều khoản nợ xấu và/hoặc bán nợ xấu cho VAMC như đã làm trong vòng hai năm qua nhằm nỗ lực làm sạch bảng cân đối kế toán.

Trước đây, khi chưa bán nợ cho VAMC, đối với các khoản nợ có tài sản đảm bảo, việc trích lập DPRR sẽ thấp hơn rất nhiều. Nhưng với trái phiếu đặc biệt, TCTD nhận khi bán nợ cho VAMC phải trích lập DPRR 20% mà không tính đến giá trị tài sản đảm bảo khiến các TCTD chịu gánh nặng về chi phí rất lớn. Do đó, VCSC tin rằng thu nhập từ lãi của các NH sẽ cải thiện nhờ môi trường lãi suất ổn định và các hoạt động kinh tế dần phục hồi. Còn, lợi nhuận của các NH sẽ chỉ tăng nhẹ trong ngắn hạn do gánh nặng dự phòng dành cho các khoản nợ xấu hiện tại.

Theo Gia Miêu

hangnt

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên