MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường tài chính nhìn từ góc độ Gia đình

26-02-2015 - 08:21 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo Ths Nguyễn Tuấn Dương, sự phát triển của thị trường tài chính và hệ thống các định chế tài chính được quyết định bởi hành động phân bổ danh mục đầu tư của các hộ gia đình.

ThS. Nguyễn Tuấn Dương
ThS. Nguyễn Tuấn Dương
Giảng viên Bộ môn Tài chính doanh nghiệp - Học viện Tài chính
13 bài viết

Trong một phát biểu gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng về sự cần thiết “phải nắn chỉnh lại hệ thống tài chính”. Theo đó, việc cung ứng vốn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp hiện đang quá phụ thuộc vào ngân hàng, trong khi đó, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đang chỉ đóng một vai trò hạn chế. Xét về mặt quy mô tài sản, thị trường ngân hàng chiếm tỷ trọng tới 80% còn chứng khoán và bảo hiểm chỉ chiếm 20%. Đây là góc nhìn thực tế từ góc độ cầu về vốn của nền kinh tế.

>>>Thống đốc: “Phải nắn chỉnh lại thị trường tài chính”

Nếu xét về góc độ cung về vốn của nền kinh tế, tạm chưa xét đến chủ thể là Nhà nước và dòng vốn nước ngoài, chúng ta thấy rằng, nguồn cung vốn của nền kinh tế chủ yếu là hình thành nên từ tích lũy của người dân hay các hộ gia đình. Về cơ bản, tích lũy của các hộ gia đình là một danh mục đầu tư chia làm hai loại: (1) tiền gửi tiết kiệm tương đối an toàn tại hệ thống ngân hàng và (2) các khoản đầu tư (như mua bất động sản, mua vàng, mua chứng khoán) có rủi ro tương đối cao hơn nhưng tỷ suất sinh lời kỳ vọng lớn hơn so với tiền gửi ngân hàng.

Khi người dân gửi tiền tiết kiệm, tiền đó chảy vào hệ thống ngân hàng để ngân hàng có vốn cho vay, khi người dân mua một hợp đồng bảo hiểm thì tiền sẽ chảy vào các công ty bảo hiểm, khi người dân mua cổ phiếu hay chứng chỉ quỹ đầu tư, tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Như vậy, quyết định phân bổ danh mục đầu tư của các hộ gia đình giống như lá phiếu quyết định về tỷ trọng tương đối giữa ba khu vực thị trường tài chính: ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm. Việc hệ thống tài chính chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng cho thấy người dân còn ngại rủi ro và chủ yếu “bỏ phiếu” cho hệ thống ngân hàng.

Chúng ta cùng xem xét các nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối của thị trường tài chính dưới góc độ của các hộ gia đình:

- Trình độ dân trí và sự am hiểu kiến thức về kinh tế - tài chính của người dân: Nếu là một người không ưa mạo hiểm hoặc không được đào tạo kiến thức về kinh doanh và đầu tư, việc gửi tiền vào ngân hàng đối với họ là an toàn hơn cả. Do đó, nếu trình độ dân trí và sự am hiểu kiến thức kinh tế - tài chính của người dân được nâng cao thì họ sẽ tự tin hơn để đa dạng hóa danh mục tài sản tích lũy của mình sang những lĩnh vực có rủi ro cao hơn như đầu tư chứng khoán. Ví dụ tại đất nước Singapore, một bài báo cho biết phần lớn người dân đất nước Singapore trong độ tuổi trưởng thành đều am hiểu và phân tích được các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản như: tăng trưởng kinh tế, lạm phát, lãi suất hay chỉ số chứng khoán. Điều này góp phần đưa đến việc người dân Singapore sẽ tự tin đầu tư tỷ trọng tài sản của họ nhiều hơn vào chứng khoán và đưa đến sự phát triển mạnh của thị trường chứng khoán.

- Thu nhập của các hộ gia đình: Khi người dân giàu hơn thì tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng với mục đích dự phòng chi tiêu sẽ thường chỉ duy trì ở mức độ nhất định, lượng tiền còn lại họ có xu hướng muốn đầu tư vào các lĩnh vực có độ rủi ro cao hơn nhưng kỳ vọng đem lại tỷ suất lợi nhuận lớn hơn, trong đó có chứng khoán. Chính vì vậy, khi thu nhập tăng lên, người dân sẽ có xu hướng đầu tư một tỷ trọng danh mục tài sản lớn hơn vào lĩnh vực chứng khoán hay mua bảo hiểm nhân thọ, đưa đến sự gia tăng tỷ trọng của thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm trong thị trường tài chính.

- Mức độ minh bạch và đáng tin cậy của thông tin trên thị trường tài chính: Với ngay cả những người có kiến thức và am hiểu về kinh tế tài chính, việc đầu tư cổ phiếu ở Việt Nam hiện nay cũng đầy rủi ro, đặc biệt là xuất phát từ việc quản trị công ty ở các doanh nghiệp còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch, có độ tin cậy thấp dẫn đến nhà đầu tư không thể đánh giá được chính xác tình hình tài chính và đưa ra những dự báo triển vọng của cổ phiếu phục vụ cho hoạt động đầu tư của mình. Ví dụ, có ngân hàng quý trước còn báo lãi hàng trăm tỷ đồng nhưng quý sau công bố số liệu lỗ hàng nghìn tỷ và phải sáp nhập vào ngân hàng khác, điều này đưa đến giá cổ phiếu giảm mạnh và các nhà đầu tư vào ngân hàng này bị lỗ nặng. Những vụ việc như vậy làm cho nhà đầu tư thiếu niềm tin, nản lòng vào thị trường chứng khoán. Một trong những nguyên nhân quan trọng là chế tài xử phạt của Nhà nước với những vi phạm công bố thông tin của công ty đại chúng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

- Sự đa dạng của các công cụ tài chính, đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển các quỹ đầu tư: Giống như trong một bữa ăn tập thể, khẩu vị của mỗi người khác nhau, có người thích ăn cá, có người thích ăn thịt…nên nếu đa dạng hóa được nhiều món ăn thì sẽ thỏa mãn được nhiều người. Trong đầu tư cũng vậy, “khẩu vị” rủi ro, thời hạn đầu tư, tiêu chí đầu tư của các nhà đầu tư là khác nhau, vì vậy mà cần đa dạng hóa danh mục công cụ tài chính, niêm yết các cổ phiếu đa dạng, chất lượng cao thuộc nhiều ngành nghề (một trong những biện pháp quan trọng là đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết các công ty nhà nước quy mô lớn) và phát triển đa dạng các loại hình quỹ đầu tư.

Trong điều kiện các nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam thiếu kiến thức và thông tin, độ minh bạch thông tin trên thị trường còn thấp thì một trong những công cụ giảm thiểu rủi ro và đem lại tỷ suất sinh lời hợp lý cho nhà đầu tư chính là mua các chứng chỉ quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư thông qua việc nắm giữ một danh mục đầu tư đa dạng sẽ đa dạng hóa và giảm rủi ro cho nhà đầu tư, bên cạnh đó việc tuyển dụng được các nhà quản trị quỹ chuyên nghiệp, có khả năng tiếp cận thông tin tốt và năng lực phân tích, dự báo sẽ đem lại một tỷ suất sinh lời hợp lý cho nhà đầu tư.

Như vậy, các giải pháp trong việc nâng cao dân trí, phát triển kinh tế để đưa đến người dân giàu có hơn, sự cải thiện chất lượng thông tin trên thị trường chứng khoán thông qua chế tài công bố thông tin mạnh hơn và việc phát triển đa dạng các công cụ tài chính, đặc biệt là quỹ đầu tư chính là góp phần vào việc tạo nên một hệ thống tài chính cân đối hơn, giảm dần vai trò chi phối của hệ thống ngân hàng. Suy cho cùng, sự phát triển của thị trường tài chính và hệ thống các định chế tài chính được quyết định bởi hành động phân bổ danh mục đầu tư của các hộ gia đình.

Tuấn Dương

CTV Doanh nghiệp

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên