Thị trường vàng có bị làm giá?
Ngân hàng Nhà nước mới phát đi thông điệp tăng cung, bình ổn thị trường chứ chưa đề cập tới chuyện bình ổn giá.
Thực tế có chuyện doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình khi không còn được tự nhập khẩu, kinh doanh trên tài khoản nước ngoài, mà chỉ trông chờ vào nguồn cung của Ngân hàng Nhà nước và lượng thu mua ít ỏi từ thị trường. Nhưng tôi không nghĩ họ bắt tay làm giá, ngay cả khi họ muốn cũng không thể làm được. Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI - ông Đỗ Minh Phú cho biết.
- Sau hơn một tháng đấu thầu bán vàng ra thị trường, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giải thích giá trong nước ngày càng vượt xa thế giới do cung cầu vẫn chênh lệch và diễn biến bất thường trên thị trường thế giới giữa tháng tư. Còn ông nhận thấy có những lý do nào?
- Tôi cũng cho rằng thị trường quốc tế rơi quá nhanh là nguyên nhân khiến chênh lệch này dãn rộng. Khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu đấu thầu vào cuối tháng 3, khoảng chênh dao động quanh 3 triệu đồng mỗi lượng, sau một hai phiên xuống 2,8 triệu, rồi tăng lên trở lại và lên đến 7 triệu đồng vào những ngày giữa tháng tư, khi giá thế giới rơi với tốc độ lớn nhất 3 thập kỷ.
12/4 đúng là ngày thứ sáu đen tối, trong lịch sử 30 năm chưa bao giờ trong khoảng thời gian ngắn giá vàng rơi tới 225 USD mỗi ounce. Nhưng giá trong nước không thể rơi theo với tốc độ lớn như vậy. Giới kinh doanh không còn công cụ phòng ngừa rủi ro ngoài việc bán ra và trông chờ vào nguồn cung của Ngân hàng Nhà nước, nên vừa giảm vừa nghe ngóng.
Giá thế giới càng rơi nhanh, độ chênh lệch càng lớn, đây là thực tế nhiều năm ở thị trường vàng Việt Nam khi không liên thông với thế giới. Nếu như các đợt sốt giá vàng trước, tỷ giá thường tăng cao thì lần này gần như ổn định, đây cũng là nhân tố khiến chênh lệch lớn hơn thường lệ.
Nguyên nhân thứ hai là lực cầu trong nước còn quá lớn, lại xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn, khi các ngân hàng phải tất toán trạng thái trước 30/6, có ngân hàng là 30/4. Chỉ riêng nhu cầu các ngân hàng mua để trả cho dân trước 30/6 đã là 20 tấn, chưa kể tới các nhu cầu phát sinh trong dân cư. Sau 13 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước mới cung ứng 14 tấn, trong khi đó thị trường không có nguồn cung nào khác.
Còn một nguyên nhân ít người đề cập, đó là những chỉ báo phát đi từ Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước mới phát đi thông điệp tăng cung, bình ổn thị trường chứ chưa đề cập tới chuyện bình ổn giá. Thực tế cơ quan này vẫn lấy giá thị trường để tham chiếu cho các phiên đấu thầu. Lượng cung tăng ra chủ yếu nhằm giải quyết dứt điểm nhu cầu tất toán trước 30/6. Các tín hiệu đó khiến thị trường hiểu rằng hiện chưa tới thời điểm Ngân hàng Nhà nước kéo sát giá trong nước về với thế giới.
- Liệu có khả năng chính các ngân hàng, doanh nghiệp bắt tay không cho giá xuống thấp như một kiểu phản ứng trước chính sách bình ổn của Ngân hàng Nhà nước?
- Thực tế có chuyện doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình khi không còn được tự nhập khẩu, kinh doanh trên tài khoản nước ngoài mà chỉ trông chờ vào nguồn cung của Ngân hàng Nhà nước và lượng mua ít ỏi trên thị trường. Họ không thể mua với giá cao rồi khi thế giới xuống nhanh thì phải chấp nhận xuống nhanh như thế.
Nhưng tôi không nghĩ họ bắt tay làm giá. Mỗi tuần có ba phiên đấu thầu, giả sử họ có ý đồ như vậy thì lẽ ra phải đẩy giá lên cao hơn nhiều so với mức đã mua được của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế trừ một phiên Ngân hàng Nhà nước để giá thấp xa so với thị trường, hầu hết các phiên đấu thầu còn lại, chênh lệch giữa giá bán của doanh nghiệp so với giá mua của Ngân hàng Nhà nước không quá 100.000 đồng.
Ngay cả khi họ muốn cũng không thể làm được, vì Ngân hàng Nhà nước đang tham chiếu giá mua bán trên thị trường ngày hôm trước để tính ra mức giá đấu thầu ngày hôm sau, nên họ có đẩy giá bán lên cao thì hôm sau cũng có nguy cơ phải chấp nhận giá đấu thầu cao. Mặt khác, bản thân họ nhận thấy giá đấu thầu đã đủ "chát", họ mua rồi đẩy giá bán cao hơn nữa thì ai mua cho họ?
- Vậy theo ông Ngân hàng Nhà nước không thể hay không muốn kéo giá trong nước về sát với thế giới?
- Trước hết phải ghi nhận điều này, các phiên đấu thầu vừa qua giá cao nhưng lượng vàng tung ra đều được mua gần hết. Khi lực cầu vẫn còn quá lớn và không quan tâm nhiều tới giá, thì có thể chia sẻ nếu Ngân hàng Nhà nước chưa muốn kéo giá xuống thấp để ngân sách quốc gia chịu thiệt, lại còn mang tiếng bán rẻ vì lợi ích nhóm. Các ngân hàng thương mại có thể thấy giá đấu thầu thật là "chát" so với thế giới, nhưng còn hấp dẫn chán nếu so với thời điểm họ huy động của dân trước đây và dù thế nào vẫn phải mua để tất toán trước 30/6.
Kéo sát giá trong nước về với thế giới là nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ đã đặt trên vai Ngân hàng Nhà nước, vì thế câu chuyện không phải là có muốn kéo hay không. Nhưng có thể kéo được hay không? Lực cầu trong nước chắc chắn sẽ giảm, ít nhất là cắt được nhu cầu mua tất toán của các ngân hàng thương mại. Hàng chục tấn này được họ trả cho dân, cũng có nghĩa giúp tăng cung ra thị trường. Sau 30/6, các ngân hàng có muốn đầu cơ cũng không được vì bị giám sát chặt về trạng thái vàng (không được để âm và cũng không dương quá 2% so với vốn tự có). Bài học thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng vì đầu tư kinh doanh vàng vẫn còn đó, các ngân hàng cũng không dễ làm liều.
Ngân hàng Nhà nước hiện có trong tay tất cả các công cụ và thị trường hình như cũng ủng hộ Ngân hàng Nhà nước khi mà giá đang đi xuống, nhu cầu đầu tư không còn quá lớn. Một khi áp lực cầu được giải tỏa, thị trường không còn là miếng bọt biển thấm hút vô hạn nữa, Ngân hàng Nhà nước đủ lực tăng cung, giá ắt sẽ giảm và về sát với thế giới.
- Cơ sở nào để ông tin lực cầu nói chung của toàn thị trường sẽ giảm khi các ngân hàng đóng hoàn toàn trạng thái, bởi thực tế mỗi khi giá giảm vẫn có hiện tượng người dân kéo nhau đi mua?
- Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới công bố tháng 2 năm nay cho thấy nhu cầu vàng vật chất của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang giảm nhanh. Nếu như năm 2011 tổng nhu cầu vàng vật chất (cả miếng và nữ trang) của Việt Nam đạt mức cao tới 100,8 tấn thì đến năm ngoái chỉ còn 77 tấn, dự kiến tiếp tục giảm 25% trong năm nay.
Dự báo này được đưa ra vào đầu năm, khi chưa ai lường được giá vàng thế giới rơi khủng khiếp như vừa qua. Chu kỳ 12 năm tăng giá liên tục của thế giới có vẻ đã chấm dứt và bước sang một chu kỳ 12 năm tiếp theo ít cơ hội sinh lời hơn. Đợt giảm vừa qua càng khiến người ta không còn kỳ vọng quá nhiều vào vàng, và vàng không còn lóng lánh nữa, ít nhất là trong ngắn hạn. Còn dài hạn thế nào vẫn là câu hỏi nhiều ẩn số, điều này khác hẳn 12 năm trước, cứ mua vàng là có lãi. Nếu giá tiếp tục giảm, chắc chắn sức hấp dẫn sẽ không còn lớn. Năm ngoái, giá vàng thế giới tăng 7%, trong nước tăng 9%, không phải mức lợi nhuận quá hấp dẫn với các nhà đầu tư nhất là khi kênh này có quá nhiều rủi ro.
- Ông dự báo bao giờ giá trong nước sẽ sát với thế giới?
- Ít nhất là không thể trước 30/6 được, sau đó bao lâu còn tùy thuộc vào Ngân hàng Nhà nước. Như tôi nói ở trên, chừng nào Ngân hàng Nhà nước còn dùng giá thị trường tham chiếu cho các phiên đấu thầu thì khả năng kéo giá xuống vẫn chưa thành hiện thực. Ngược lại, khi Ngân hàng Nhà nước giữ đúng vai trò cầm trịch, đưa giá của mình cho thị trường tham chiếu, lúc đó có thể hiểu rằng cơ quan này bắt đầu kéo giá xuống. Và như tôi nói, không khó để Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ này nếu lực cầu giảm mạnh, giá thế giới tiếp tục xu thế giảm.
- Theo tính toán của ông, cần cung ứng bao nhiêu tấn vàng để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường năm nay và kéo giá xuống?
- Tôi cho rằng nhu cầu ở thị trường trong nước còn giảm sâu hơn so với dự báo của Hội đồng Vàng thế giới. 40 tấn đã được các ngân hàng thương mại mua năm ngoái để tất toán trạng thái, năm nay còn 20 tấn nữa và đang được hoàn tất. Nếu số vàng này họ trả cho dân thì thị trường gần như bão hòa, có chăng là những nhu cầu mới phát sinh trong dân và không lớn. Nếu so với giai đoạn sốt 2011-2012, nhu cầu vàng vật chất của năm nay chỉ còn không quá 50%. Nhu cầu này phần nào cũng đã được đáp ứng thông qua việc ngân hàng thương mại tất toán trạng thái và trả cho dân. Vì thế, khối lượng phải bán ra để đáp ứng nhu cầu thị trường có lẽ không phải quá khủng khiếp, hoàn toàn trong khả năng của Ngân hàng Nhà nước.
-Ông nhận xét thế nào về vai trò của Ngân hàng Nhà nước sau 13 phiên đấu thầu vừa qua?
- Không thể phủ nhận đấu thầu đã đưa ra lượng cung đáng kể giúp thị trường ổn định. Khái niệm ổn định ở đây được hiểu là không có sự hỗn loạn khi giá biến động, ai cần thì có vàng để mua.
Thử nhìn lại các thời điểm sốt tháng 11/2009, 2/2010 và tháng 4/2011, thị trường thường rơi vào vòng xoáy phức tạp và hỗn độn, giá giật lên vài triệu rồi rơi xuống vài triệu chỉ trong một ngày, thậm chí có cảnh ngừng mua bán. Lý do khi đó là thị trường không có một nguồn cung đủ lớn, chính thống và ngay lập tức để giải tỏa áp lực cầu. Thường thì sau khi giá bị giật lên rất cao, Ngân hàng Nhà nước mới cấp quota nhập khẩu. Và số vàng nhập đó cũng không thể về thị trường ngay lập tức. Trong thời gian chờ nguồn cung mới, thị trường tiếp tục mua bán lòng vòng với số vàng cũ và đấy là miếng mồi ngon cho đầu cơ.
Nhưng lần này hoàn toàn khác ,hơn 14 tấn tung ra sau 13 phiên đấu thầu vừa qua đã giúp giải cơn khát cho thị trường. Nếu không có lượng cung đó, khi giá rớt nhanh, các ngân hàng sẽ tranh mua trên thị trường, mà khi họ mua vét như thế sẽ làđiều kiện chođầucơ,là miếng mồi ngon cho các "con quái vật" của thị trường.
Đấy là những nỗ lực rất lớn của NHNN
Nhưng nếu đặt vấn đề Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt hoàn toàn chưa, đã thỏa mãn nhu cầu thị trường chưa, thì rõ ràng mục đích cuối cùng của việc bình ổn thị trường là phải kéo giá xuống thì chúng ta vẫn còn phải chờ đợi.
- Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với quá nhiều khó
khăn, tồn kho cao, nợ xấu lớn, doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn lãi
suất hợp lý để kinh doanh... Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước dồn tâm sức
cho đấu thầu, bình ổn thị trường vàng, theo ông có thỏa đáng?
-Ngân hàng Nhà nước trả lời câu hỏi này có lẽ sẽ phù hợp hơn. Từ góc độ
vừa là ngân hàng, vừa là doanh nghiệp kinh doanh vàng, tôi thấy rằng Ngân hàng
Nhà nước đang phải làm rất nhiều việc. Vàng chỉ là một trong những mục tiêu
phải lo, bên cạnh việc kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, giảm lãi suất, tăng
tín dụng cho nền kinh tếhay xử lý nợ xấu. Ngân hàng TienPhongbank của
chúng tôi cũng đang phải theo guồng đó để triển khai ráo riết các yêu cầu đề
ra.
Nhưng vàng là một tác nhân có thể ảnh hưởng tới chính sách vĩ mô nếu không kiểm soát tốt. Vàng ảnh hưởng tới quá nhiều người trong xã hội, gây ra những điều bất hợp lý mà ai cũng thấy nhưng chưa ai có thể lý giải được. Người ta cứ thấy giá doãng ra, và nghĩ doãng ra như vậy thì rơi vào túi ai, bộ phận này bộ phận kia, thành ra nó trở thành bức xúc lớn của xã hội.
Cũng phải nhìn nhận, các nhiệm điều hành tiền tệ khác Ngân hàng Nhà nước đã làm quen rồi. Vàng là nghiệp vụ mới mẻ, là một cơ quan nhà nước nhưng họ phải ra thị trường để kinh doanh, nên có nhiều câu chuyện để bàn tán.