Thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN lĩnh vực ngân hàng dẫn đầu
Trong 7 tháng đầu năm 2014 các DNNN đã thoái vốn được 2.975 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2013.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì số vốn đầu tư ra ngoài ngành được thoái vốn tăng qua các năm.
Theo báo cáo, có gần 22.000 tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính cần thoái vốn thì số vốn đã thực hiện thoái vốn trong 7 tháng đầu năm 2014 đã gấp 3 lần so với năm 2013.
Cụ thể, năm 2013 đã thực hiện thoái vốn 965 tỷ đồng (lĩnh vực ngân hàng là 734,7 tỷ đồng, bảo hiểm 135 tỷ đồng, bất động sản 103,5 tỷ đồng, các quỹ đầu tư 7 tỷ đồng); trong 7 tháng đầu năm 2014 đã thoái vốn được 2.975 tỷ đồng (chứng khoán 137 tỷ đồng; lĩnh vực ngân hàng 1.898 tỷ đồng; bảo hiểm 150 tỷ đồng; bất động sản 104 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ 686 tỷ đồng).
Nhìn chung, DNNN tiếp tục nắm thị phần lớn, tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, góp phần vào ổn định kinh tế-xã hội, ngăn chặn suy giảm.
Tỷ trọng đóng góp vào GDP của các DNNN đạt mức 34,72% (năm 2009) và đạt 32,4% (năm 2013).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tương đối ổn định, doanh thu năm 2013 là 1.471.018 tỷ đồng, thu nộp NSNN năm 2013 đạt 218.915 tỷ đồng.
DNNN tạo việc làm cho khoảng 1.255 nghìn lao động và có mức thu nhập tương đối ổn định so với thu nhập lao động chung của cả nước.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiến độ thoái vốn còn chậm, tổng số tiền thu về còn thấp so với tổng số vốn đã đầu tư, phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ nên khó thu hút được các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế còn chậm.
Khánh Nhi