MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn khỏi ngân hàng: Đường xa vạn dặm!

12-07-2013 - 07:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Một số tập đoàn đang nắm cổ phần tại các ngân hàng gồm: PVN giữ 20% tại OceanBank; EVN giữ 21,7% tại ABBANK; Petrolimex giữ 40% tại GP Bank.

Trong lộ trình thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lớn mà Chính phủ đưa ra thì đến năm 2015 phải hoàn tất. Tuy nhiên, đến thời điểm này tất cả mới dừng lại ở đề án chứ chưa có kế hoạch và lộ trình cụ thể. Ở lĩnh vực ngân hàng, việc tìm cổ đông có thể mua lại một lượng cổ phần lớn lại càng không đơn giản.

Công bố việc thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm 2013, cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều cho biết đang thực hiện kế hoạch thoái vốn ngoài ngành, tuy nhiên kế hoạch cụ thể lại không được công bố.

Theo lãnh đạo EVN, tập đoàn đang tập trung thực hiện các phương án thoái vốn tại một số doanh nghiệp, trong đó có Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank). Ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch PVN- cho biết, khó thực hiện việc thoái vốn ngoài ngành trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng mà vẫn bảo toàn vốn nhà nước. Tuy nhiên, ông Thực cũng khẳng định từ nay đến năm 2015, PVN sẽ đảm bảo thực hiện thoái toàn bộ vốn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank).

Tìm những thương hiệu lớn làm cổ đông chính khi mới thành lập là xu thế tất yếu của những ngân hàng nhỏ vừa ra nhập thị trường. Hầu hết các tên tuổi lớn trong những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như hàng không, điện lực, dầu khí, xây dựng… đều góp vốn vào ngân hàng. Lợi thế sẵn có từ hệ thống các đơn vị thành viên cộng với nhiều dự án đã, đang và sẽ triển khai khiến quan hệ ngân hàng- đối tác chiến lược khá mật thiết.

Một số tập đoàn đang nắm cổ phần tại các ngân hàng gồm: PVN giữ 20% tại OceanBank; EVN giữ 21,7% tại ABBANK; Petrolimex giữ 40% tại GP Bank.

Thế nhưng, ở thời điểm này, việc thực hiện thoái vốn và tìm cổ đông chiến lược khác là không hề đơn giản. Còn nhớ, sau đại hội cổ đông năm 2012, Oceanbank đã hồ hởi công bố trong năm 2012 Hermes Capital – đối tác Anh với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn, đầu tư tài chính, ngân hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ chính thức trở thành cổ đông nước ngoài của ngân hàng. Nếu đàm phán thành công, Hermes Capital sẽ tham gia góp vốn với mức 15% tại OceanBank.

Tuy nhiên, đến mùa đại hội cổ đông năm nay, việc đàm phán dường như không có kết quả tốt nên cổ đông chiến lược nước ngoài của ngân hàng này vẫn chưa thấy đâu. Cuối tháng 5/2013, OceanBank lại có phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 4.000 lên 5.350 tỷ đồng. Theo tờ trình của ngân hàng thì các cổ đông sở hữu mức cổ phần trọng yếu đến 30/5/2013 vẫn là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà (6,65%); Tập đoàn Đại Dương (20%), Công ty VNT (20%) và PVN (20%).

Theo một chuyên gia kinh tế: Các ngân hàng và đơn vị thoái vốn đều muốn lựa chọn được nhà đầu tư đảm bảo được lợi ích khi chuyển nhượng nhưng phải là “chỗ dựa” xứng đáng về tài chính và quản trị doanh nghiệp. Từ lý do này mà việc thoái vốn tại các ngân hàng vẫn chỉ đang ở kế hoạch. Trả lời báo giới tại lễ công bố phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vào cuối tháng 4/2013, ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch ABBANK cho hay:“Lộ trình đến năm 2015 EVN sẽ thoái vốn khỏi ngân hàng theo yêu cầu của Thủ tướng nhưng việc thực hiện đến đâu thì tôi không thể công bố!”.

Sâu xa hơn, vị chuyên gia kinh tế phân tích: Trên thực tế, việc “nhả” một lĩnh vực vẫn được xem là màu mỡ như ngân hàng thì không phải nhà đầu tư nhà nước nào cũng đủ “dũng cảm”, bản thân các ngân hàng cũng không muốn rời xa các cổ đông lớn này bởi thương hiệu và tầm ảnh hưởng của họ với một bộ phận khách hàng là rất lớn.

Theo Thùy Linh

hangnt

Báo Công thương

Trở lên trên