MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn ngoài ngành - câu chuyện không đơn giản

30-09-2013 - 16:42 PM | Tài chính - ngân hàng

2 năm nữa, với hơn 22.000 tỷ đồng giá gốc các khoản đầu tư ngoài ngành của khối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sẽ phải được chuyển giao cho các chủ đầu tư khác.

Theo yêu cầu của Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải hoàn tất việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào cuối năm 2015. Nghĩa là chỉ còn khoảng 2 năm nữa, với hơn 22.000 tỷ đồng giá gốc các khoản đầu tư ngoài ngành của khối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sẽ phải được chuyển giao cho các chủ đầu tư khác. Nhưng yêu cầu bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước đã đầu tư đang gây khó khăn cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Tất cả tập đoàn, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đều lựa chọn đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán - ở thời điểm mà các lĩnh vực này đang rấtnóng,mệnh giá cổ phiếu khi đó lên tới vài chục, thậm chí hàng trăm nghìn đồng/mệnh giá cổ phiếu. Nhưng vài năm trở lại đây, các lĩnh vực này hoặc là bị đóng băng (bất động sản), hoặc là giao dịch dè chừng (bảo hiểm, chứng khoán), hoặc đã bão hòa, kém hấp dẫn (ngân hàng) nên giá trị cổ phiếu có khi mất hàng chục, thậm chí cả trăm lần so với mức đầu tư ban đầu. Do đó, yêu cầu bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước đã đầu tư gây khó khăn cho các đơn vị này.

Theo kết quả thoái vốn tại Công ty chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) mà Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố, Vinachem không bán được bất kỳ cổ phiếu nào trong tổng số gần 2,1 triệu cổ phiếu, tương đương 6,13% vốn tại VIG. Nguyên nhân khiến Vinachem thoái vốn bất thành là bởi trị giá cổ phiếu quá thấp, dao động từ 2.300 - 2.600 đồng/cổ phiếu, trong khi giá được phê duyệt chuyển nhượng là tối thiểu 10.600 đồng/cổ phiếu, mức giá này chưa bao gồm thuế và phí các loại.

Các tập đoàn, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước vẫn còn gần 2 năm để giá trị cổ phiếu của các ngân hàng được đẩy lên cao hơn. Nhưng khoảng thời gian này chưa đủ để khẳng định tình hình kinh tế vĩ mô sẽ được cải thiện mạnh mẽ, giúp phục hồi giá trị các loại cổ phiếu mà doanh nghiệp Nhà nước đang sở hữu. Nói cách khác thì việc chờ đợi thay đổi trong 2 năm tới chỉ là hy vọng mong manh, mà nếu lỡ thị trường tiếp tục đi xuống không theo mong muốn của các nhà đầu tư thì sẽ ra sao? Đương nhiên, hệ quả sẽ là vừa không bảo đảm thời gian, vừa không đạt được giá trị bảo toàn vốn ở mức cao nhất. Vì vậy, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang đề nghị những chính sách nới lỏng để thoái vốn. 

Chủ tịch Hội đồng thanh viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Phùng Đình Thực cho rằng, các bộ, ngành chủ quản cần sớm ban hành hướng dẫn, quy trình cắt lỗ cụ thể cho mỗi khoản đầu tư ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.Tất cả các tập đoàn, tổng công ty đều rất muốn thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng, để mong đạt được kế hoạch về thời gian, nhưng không hề đơn giản. 

Thực tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang rất khó khăn khi thoái vốn ra khỏi Ngân hàng ABBank. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đang chào bán toàn bộ phần vốn sở hữu hơn 24 triệu cổ phiếu giá khởi điểm 12.100 đồng và 828 nghìn trái phiếu, với giá khởi điểm 132.700 đồng tại ngân hàng Techcombank (gồm cả vốn cổ phiếu và vốn trái phiếu). Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vẫn còn khoảng 1,5% vốn chủ sở hữu - tương đương khoảng hơn 500 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành, trong đó, riêng đầu tư vào Ngân hàng SHB là 318 tỷ đồng vẫn chưa thoái được.

Trước những khó khăn thực tế trong việc thoái vốn của các đơn vị này, Bộ Tài chính đã xây dựng những biện pháp mạnh nhưng phù hợp để buộc các doanh nghiệp Nhà nước tiến hành thoái vốn ngoài ngành theo đúng lộ trình đề ra. Theo đó, sẽ có hướng xử lý cho phép doanh nghiệp thoái vốn theo giá thị trường kèm theo với trách nhiệm bảo toàn vốn. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sĩ Kiêm, phương án này vẫn chưa giúp việc thoái vốn ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thuận lợi hơn. Bởi doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm bảo toàn vốn, trong khi về nguyên tắc nếu đưa một lượng lớn cổ phiếu ra bán trong một thời gian ngắn thì thị trường sẽ tạo sức ép phải giảm giá. Nếu doanh nghiệp kiên quyết bảo toàn vốn, chờ mức giá hợp lý mới bán thì quá trình thoái vốn ngoài ngành sẽ rất chậm.

Khó không có nghĩa là không làm. Thoái vốn ngoài ngành là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi đúng hướng để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Vấn đề hiện nay là chính sách nào sẽ giúp việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nói riêng, cũng như doanh nghiệp Nhà nước nói chung bảo đảm đúng thời hạn đã đặt ra và bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước đã đầu tư?

Theo Nguyên Long

hangnt

Người đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên