Thống đốc NHNN: Nợ xấu đến cuối năm dự kiến là 3,6-3,8%
Đến năm 2013 NHNN sẽ giải quyết xong các TCTD yếu kém, tiến tới 2015 có 2 TCTD có khả năng cạnh tranh trong khu vực.
* Tiếp tục cập nhập
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã cho biết lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong thời gian tới. Theo đó từ nay đến năm 2015, NHNN thực hiện từng bước trong lộ trình tái cấu trúc.
NHNN thực hiện chia các ngân hàng thành 3 nhóm gồm TCTD quy mô lớn, hoạt động tốt lành manh, nhóm các TCTD quy mô nhỏ nhưng hoạt động lành mạnh, không có nhu cầu mở rộng quy mô và cuối cùng là nhóm các TCTD quy mô nhỏ, hoạt động yếu, tài chính không lành mạnh.
Thống đốc cho biết từ nay đến quý I/2012, thực hiện định hình rõ 3 nhóm ngân hàng và giải quyết tốt thanh khoản cho các ngân hàng thuộc nhóm III.
Từ quý II/2012 đến năm 2013 hoàn thành tái cấu trúc đầy đủ các ngân hàng thuộc nhóm IIII.
Từ năm 2013-2015 hoàn thiện tái cấu trúc hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng. Mục tiêu là có 15 TCTD quy mô lớn, lành mạnh làm trụ cột hệ thống ngân hàng. Có 2 TCTD có khả năng cạnh tranh trong khu vực
Từ 2015-2020 sẽ tiếp tục tái cấu trúc để có thể đưa 4 TCTD đủ sức cạnh tranh trong khu vực và có 2 TCTD được xếp hạng là TCTD lớn của khu vực Đông Nam Á.
Để thực hiện lộ trình trên NHNN đưa ra giải pháp cụ thể trong đó chủ trương phát huy nội lực, sử dụng các TCTD có quy mô lớn, tài chính lành mạnh để tham gia tái cấu trúc nhằm sáp nhập các TCTD nhỏ, hoạt động yếu kém.
Với giải pháp này NHNN cho rằng đáp ứng được 2 mục tiêu là các TCTD nhỏ yếu được tái cấu trúc và các TCTD hoạt động tốt có điều kiện tăng quy mô, hoạt động tốt hơn.
Trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức hàng ngàn cuộc thanh tra nhưng không phát hiện được TCTD nào vi phạm, Thống đốc xác nhận đây là trách nhiệm của lãnh đạo NHNN.
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến nay là khoảng 3,3% trên tổng dư nợ cho vay. Dự kiến đến cuối năm 2011 là từ 3,6-3,8%
Dư nợ cho vay trực tiếp BĐS là 8,3% tổng dư nợ, trong đó nợ xấu BĐS chiếm 4,2% dư nợ cho vay BĐS. Do vậy nợ xấu BĐS không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu của Việt Nam.
Theo chuẩn kế toán Việt Nam thì nợ xấu hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Để nói là theo chuẩn quốc tế sẽ cao hơn nhưng cũng khó nói như vậy do chuẩn quốc tế có nhiều nội dung khác nhau.
Trước lo ngại của ĐBQH về việc để ngân hàng phát triển thành tổ chức tài chính quá lớn không thể để đổ vỡ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết hiện ngay với ngân hàng lớn nhất Việt Nam là Agribank cũng mới chỉ là bắt đầu cho sự phát triển thành một tổ chức tái chính lớn.
"Tổ chức tín dụng có quy mô trung bình trong khu vực cũng có tổng tài sản lên tới 100 tỷ USD" - Thống đốc cho biết thêm.
Thống đốc NHNN cho biết không có TCTD nào của Việt Nam là quá lớn không thể để đổ vỡ.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu quốc hội về việc cho phép chỉ có thương hiệu vàng SJC liệu có phải là lợi ích nhóm hay không, Thống đốc cho rằng cần phải xem xét cụ thể.
Hiện tại vàng SJC đã chiếm 90% thị phần vàng miếng, bản thân công ty vàng SJC cũng là công ty của Thành ủy Tp Hồ Chí Minh và NHNN đã bàn bạc với UBND Thành phố để SJC trực thuộc NHNN . Cùng với đó là chất lượng vàng miếng SJC đã được khẳng định với thị trường. Do vậy sử dụng vàng SJC là tiêu chuẩn đem lại nhiều lợi ích.
Trước hết vàng SJC sẽ là của Nhà nước, và như thế Nhà nước giữ được độc quyền sản xuất vàng miếng, tiết kiệm chi phí. Như vậy với người dân sở hữu vàng SJC cũng sẽ là sở hữu vàng của NHNN.
Thống đốc cũng cho biết "khi có điều kiện chúng tôi sẽ chuyển đổi thương hiệu SJC và in lên là vàng miếng SBV. Đồng bào hoàn toàn yên tâm về sở hữu vàng SJC"
* SBV là viết tắt tiếng Anh của Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Thanh Hải - Phương Mai