MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thống đốc: Xử lý nợ xấu cần giải pháp đồng bộ

20-02-2014 - 10:13 AM | Tài chính - ngân hàng

NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống các TCTD đẩy mạnh các giải pháp xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.

Qua Ban Dân nguyện của Quốc hội, NHNN nhận được kiến nghị của một số cử tri TP. Đà Nẵng và tỉnh Long An bày tỏ lo ngại về tình hình nợ xấu hiện nay tại các ngân hàng và nêu câu hỏi: “Với tình hình nền kinh tế hiện nay, liệu Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, có đạt được những mục tiêu đề ra hay không?”. Thống đốc NHNN đã có ý kiến trả lời cử tri bằng văn bản.

Chúng tôi xin tóm lược những nội dung chủ yếu ý kiến trả lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình về vấn đề mà cử tri quan tâm trên.

Nợ xấu phát sinh từ chủ quan và hoàn cảnh nền kinh tế

Nợ xấu của TCTD phát sinh do các nguyên nhân khách quan và chủ quan của TCTD. Nếu TCTD vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu, thất thoát vốn thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu nợ xấu phát sinh từ nguyên nhân khách quan ngoài tầm kiểm soát của TCTD thì pháp luật đã quy định xử lý bằng các biện pháp khác nhau, như: dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản đảm bảo...

Trong hoạt động cấp tín dụng, các TCTD có trách nhiệm xây dựng, ban hành các quy định nội bộ để hướng dẫn, kiểm tra và giám sát đối với việc định giá tài sản bảo đảm trong quá trình cho vay. Tuy nhiên, việc xem xét giá trị tài sản đảm bảo là yếu tố quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định để cấp tín dụng. Trong điều kiện thị trường hiện nay, việc định giá, đánh giá giá trị thị trường của tài sản bảo đảm là rất khó khăn do có các yếu tố định tính, vì vậy phát sinh trường hợp có sự thông đồng trong việc nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi làm hồ sơ vay để trục lợi và gây tổn thất cho ngân hàng. Đây là hành vi vi phạm các quy định của NHNN về cấp tín dụng.

Trong thời gian qua, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, NHNN đã yêu cầu các TCTD rà soát và tăng cường quản trị rủi ro, trong đó có rủi ro tín dụng và quy định về xác định giá trị tài sản bảo đảm; Tích cực hoàn thiện quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD thể hiện qua việc ban hành Thông tư số 02/2013/TT-NHNN.

Trong đó, NHNN yêu cầu các TCTD phải: Có quy định về việc tự định giá tài sản bảo đảm bao gồm nguyên tắc, phương pháp, quy trình và trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc định giá tài sản bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về tài sản bảo đảm; Tài sản bảo đảm có giá trị từ 50 tỷ đồng trở lên đối với khoản nợ của khách hàng là người có liên quan của TCTD và các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng hoặc có giá trị từ 200 tỷ đồng trở lên phải được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các TCTD thực hiện đúng quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD phù hợp với năng lực hoạt động, quản trị, điều hành của TCTD; Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo hệ thống các TCTD đẩy mạnh các giải pháp xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm dẫn đến nợ xấu gia tăng.

5 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu

Được sự chấp thuận của Bộ Chính trị và Chính phủ, ngày 31/5/2013 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Trên cơ sở đánh giá thực trạng nợ xấu và nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, Đề án xử lý nợ xấu đưa ra 5 nhóm giải pháp tổng thể xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai cần triển khai từ nay đến năm 2015, gồm: nhóm giải pháp đối với TCTD, nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và giải pháp thành lập VAMC; với sự tham gia rộng rãi của hệ thống các TCTD, khách hàng vay vốn và các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương.

Xử lý nợ xấu cần sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, TCTD, khách hàng...

Về phía ngành Ngân hàng, NHNN và các TCTD đã, đang cơ cấu lại nợ, tiếp tục hỗ trợ vốn tín dụng cho khách hàng vay phục hồi sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu qua VAMC, tăng cường chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng, hoàn thiện cơ chế, chính sách… Tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 7/2013 nhưng đến ngày 31/12/2013, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu của các ngân hàng với số dư nợ gốc 39.307 tỷ đồng và giá mua là 32.739 tỷ đồng, chiếm khoảng 40-50% nợ xấu của các TCTD.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, hạn chế chi trả cổ tức... để tăng trích lập dự phòng và tích cực sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, áp dụng các biện pháp xử lý đối với các khoản nợ xấu đã mất khả năng thanh toán; củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra ngân hàng; tích cực thanh tra, giám sát đối với các TCTD thông qua các cuộc thanh tra tại chỗ, giám sát từ xa, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm túc các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm.

Trong đó, qua công tác thanh tra, NHNN đã phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhiều trường hợp vi phạm pháp luật dẫn đến nợ xấu.

Những giải pháp xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả quan trọng bước đầu là nợ xấu đã được xử lý một bước, tốc độ tăng nợ xấu chậm lại, doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý góp phần giảm bớt chi phí hoạt động cho khách hàng vay do không phải chịu lãi suất phạt quá hạn và được vay với lãi suất thấp hơn. Đây là các giải pháp thực sự có ý nghĩa đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Tuy nhiên, để việc tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp đạt hiệu quả thì các bộ, ngành cũng cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp về hỗ trợ đầu tư, tăng tổng cầu và hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện vay vốn ngân hàng, như: rà soát các công trình để tiếp tục ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách, hiệu quả; giải quyết tình trạng nợ đọng của ngân sách đối với doanh nghiệp nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư; hoàn thiện thủ tục pháp lý về đầu tư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh chậm phục hồi, chỉ bằng các giải pháp xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng nói trên chưa bảo đảm nợ xấu của các TCTD được xử lý một cách vững chắc, triệt để, đồng thời ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại. Nhưng nếu 5 nhóm giải pháp tổng thể xử lý nợ xấu nêu tại Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập VAMC được triển khai đồng bộ, quyết liệt và với sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, TCTD, khách hàng vay thì Việt Nam có thể xử lý thành công được nợ xấu theo mục tiêu đã đề ra trong Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Theo Quang Cảnh

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên