MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tư 02 được điều chỉnh như thế nào?

26-01-2014 - 16:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Cuối năm 2013, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 3,79% trên tổng dư nợ. Ngay cả khi Thông tư 02 về trích lập dự phòng rủi ro có hiệu lực từ tháng 6 tới, số nợ xấu sẽ chưa tăng quá nhiều.

Tại cuộc gặp tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hồi đầu tuần này, Chánh văn phòng NHNN Lê Đức Thọ cho biết, mục tiêu ban đầu xử lý nợ xấu của cơ quan điều hành tiền tệ trong năm 2013 đã đạt được, gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu đã được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mua lại từ các ngân hàng. Tính tới cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm xuống còn 3,79% - giảm gần 1 điểm phần trăm so với hồi đầu năm 2013.

Tỷ lệ nợ xấu sẽ biến thiên như thế nào khi Thông tư 02 (quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng) sẽ được áp dụng đúng theo lộ trình, vào ngày 1/6 năm nay, như Thống đốc NHNN đã cam kết?

Từ khi Thông tư này được ban hành, phần lớn các ý kiến cho rằng, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên khi Thông tư có hiệu lực. “Rất khó đoán”, Ts Lê Xuân Nghĩa nói. Nhưng ông cũng cho biết, nhiều dự báo nợ xấu sẽ tăng gấp 1,5 lần, hoặc 2 lần. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu – người ủng hộ thực hiện ngay Thông tư 02 dự tính, nợ xấu tại nhiều ngân hàng theo báo cáo chỉ khoảng 3-4%, nhưng áp Thông tư 02 có thể lên 10%, 20%, thậm chí cao hơn.

Tuy nhiên, trong một cuộc gặp báo chí mới đây, Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, điều này có thể khó xảy ra. Việc nợ xấu khó tăng nhiều khi Thông tư số 02 có hiệu lực từ tháng 6 năm nay là do quy định về việc tổ chức tín dụng tự phân loại nợ xong thì phải gửi kết quả cho Trung tâm Thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC) để phân loại lại, sau đó tổ chức tín dụng phải sử dụng kết quả phân loại của CIC sẽ được dời việc thực hiện. Cụ thể, quy định này có hiệu lực vào ngày 1/1/2015 thay vì từ 1/6/2014 cùng với hiệu lực của Thông tư 02.

Trong khi đó, tại Thông tư 02 (chưa sửa đổi), NHNN yêu cầu ít nhất mỗi quý một lần, trong 15 ngày đầu của tháng đầu tiên mỗi quý, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của quy định trước và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng cho CIC. CIC có trách nhiệm tổng hợp và cung cấp lại cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài danh sách khách hàng có nhóm nợ ở mức độ rủi ro cao nhất để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh kết quả phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Một điểm mới nữa cũng được sửa đổi trong Thông tư 02 là các khoản nợ vi phạm quy định của pháp luật hoặc quy định nội bộ của tổ chức tín dụng phải được phân vào nợ xấu. Quy định này được xem xét chỉnh sửa phù hợp để bảo đảm nợ xấu phản ánh đúng mức độ rủi ro.

Xử lý nợ xấu tiếp tục là mục tiêu quan trọng hàng đầu của NHNN trong năm 2014, Chánh văn phòng Lê Đức Thọ khẳng định. Ông cũng cho biết, trong năm nay, NHNN sẽ tiếp tục xử lý nhanh hơn các khoản nợ xấu, xử lý có kết quả các khoản nợ này để đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống xuống mức phù hợp. Đồng thời, triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, không được thực hiện việc cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng.

Cũng cần nói thêm rằng, tỷ lệ nợ xấu tăng hay giảm sau khi thực hiện Thông tư 02 có lẽ không phải là điều quá quan trọng. Cho dù khi áp dụng Thông tư 02 nhiều quan ngại cho rằng bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trong hệ thống vẫn chỉ mới được làm đẹp trên giấy nhưng dù sao áp dụng còn hơn không, vì một phần cái xấu cũng sẽ bộc lộ; hệ thống tài chính sẽ được tái cơ cấu tốt hơn. Hiện tại bảng tổng kết tài sản của hệ thống ngân hàng đang ở mức quy mô vừa phải thì nên áp dụng sớm, tránh để khi nó đã trở nên quá lớn thì bong bóng tài sản xấu sẽ to lên và nếu vỡ, mức độ ảnh hưởng càng lớn.

Theo Vy Hương

hangnt

Người đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên